Chữ và nghĩa: Căn góc 3 ngủ
Đấy là một đoạn thông tin quảng cáo bán căn hộ ở một khu đô thị mới (hoặc đang xây dựng) thường xuyên xuất hiện trên phương tiện thông tin, mạng xã hội, khi mà nhu cầu về nhà ở của dân chúng đang tăng cao vào dịp cuối năm.
Ở đây, tôi chỉ bàn về mặt ngôn ngữ. Bởi tổ hợp "căn góc 3 ngủ" đã được rút gọn (theo cách nói trên sàn giao dịch). Tổ hợp này được hiểu là "căn hộ (đang được nhắc tới) nằm ở phía góc tòa chung cư, có 3 phòng ngủ". Đó là một căn được coi là đặc biệt. Nó nằm ở phía đầu hồi, được hưởng nhiều lợi thế.
Ngoài sở hữu 3 phòng ngủ (thường được coi là phổ biến, tiện lợi với một gia đình hai vợ chồng, một (hoặc hai con), có thêm ông (bà) hoặc người giúp việc…), căn hộ này lại có nhiều view (khoảng nhìn ra ngoài), thoáng mát, phía cuối hành lang, nên khá độc lập trong chuyện đi lại (những người thuộc căn cùng tầng bên cạnh ít đi qua)…
Tất nhiên, còn nhiều loại căn hộ khác, có diện tích rộng hẹp không giống nhau, có 2, 3, 4… phòng ngủ. Số lượng phòng ngủ nhiều là một tiêu chí quan trọng. Nhưng số lượng toilet (nhà vệ sinh) cũng cần quan tâm. Cho nên, có nơi người ta mở rộng thông tin: "căn hộ 3 phòng ngủ, có 2, 3 toilet (nhà vệ sinh)", hoặc thêm "sàn gỗ", "full đồ", "điều hòa âm trần", "cửa Euro-win" hoặc "cửa Low-e"… Tóm lại là những tiện ích vô cùng hấp dẫn với những ai có nhu cầu sở hữu căn hộ khép kín hiện đại (đang rất "hot" hiện nay).
Mặc dù các tổ hợp trên được rút gọn hết mức (có khi chỉ còn "căn 3 PN, 2 VS", "căn full đồ", "căn 3 ngủ 3 view",…) thì người đọc cũng hoàn toàn hiểu ngay mà không cần diễn giải dài dòng, vừa mất công viết, vừa làm "loãng" tiêu điểm thông tin.
Cũng như bây giờ, ta vào một siêu thị nào đó, ta thấy trên giá bày hàng kèm theo các bảng ghi giá. Chẳng hạn: "mì chính bát, 35k/gói" (mì chính Nhật, hiệu Ajinomoto, vẽ hình cái bát, giá bán lẻ 35.000 đồng); "mì Ý, 40k/gói" (mì Spaghetti của Ý, sợi dài, hình trụ, có thể chế biến nhiều món, giá bán lẻ 40.000 đồng); "lap MacBook, 32 tr." (máy tính xách tay hiệu McBook của hãng Apple, đơn giá 32 triệu đồng);…
Cũng như, bước chân vào một hàng phở bò bất kỳ, ta có thể gọi: Cho tôi "một chín bé", hoặc "nạm gầu", hoặc "tái chín không hành", hoặc "nạm 1 trứng"… Sau đó, bước sang hàng giải khát, ta có thể nghe trao đổi về các thực đơn đồ uống một cách đơn giản, đại loại: (Cho tôi) "đen đá/đen nóng", "nâu đá/nâu nóng", "chanh leo bỏ hạt", "cam không đường", "Lipton nóng",…
Đại loại là có "muôn hình vạn trạng" cách nói trong các tình huống khác nhau, ở siêu thị, nhà hàng, hoặc đơn giản ở các nhóm người có nhu cầu tụ tập, ăn uống, vui chơi… Nếu là một người nước ngoài mới đến Việt Nam, mới học tiếng Việt, thậm chí một người ở quê ra (ít khi tiếp xúc với những không gian giao tiếp đặc thù như vậy) thì chắc chắn họ sẽ không hiểu được, mà muốn hiểu rõ, họ phải cần một "phiên dịch viên" cắt nghĩa.
Đây là xu hướng "tỉnh lược hóa ngôn từ" nhằm đáp ứng yêu cầu ngắn gọn hóa các ngữ đoạn và từ đó rút gọn các phát ngôn trong giao tiếp.
Tỉnh lược là "hiện tượng lược bỏ lâm thời các yếu tố trong một phát ngôn tại một thời điểm giao tiếp cụ thể mà người nghe vẫn có thể hiểu được nhờ thao tác liên tưởng - phục hồi". Khi đó, cả người nói và người nghe phải có một "mẫu số chung" về từ ngữ và cấu trúc cú pháp. Nói "lâm thời" vì những phát ngôn có chứa yếu tố tỉnh lược chỉ có hiệu lực trong những hoàn cảnh cụ thể. Ra ngoài hoàn cảnh (ra khỏi siêu thị, quán phở, quán cà phê,…) là người ta trở lại cách nói thông thường cho phù hợp với lối nói của ngôn ngữ toàn dân: đủ thông tin để hiểu và đúng với các nghi thức giao tiếp lịch sự, có văn hóa.
Em "chín bé", anh "tái lăn"
Căn góc ba ngủ, một căn chúng mình.