Bóng đá Việt Nam sau SEA Games 32: Thua một giải đấu để thắng cả một con đường

Về mặc thành tích, không vào được chung kết SEA Games 32 có thể xem là thất bại của U22 Việt Nam nhưng nếu đi vào chi tiết thì việc HLV Philippe Troussier hài lòng về màn trình diễn của các học trò, không phải là không có cơ sở. Vì biết đâu, chúng ta đã "thua" một giải đấu nhưng sẽ "thắng" ở lộ trình vươn đến tấm vé World Cup.

Có thể nói vui một chút rằng, U22 Việt Nam chỉ để thua đội bóng sau đó đoạt HCV SEA Games là Indonesia, và đó là một trận thua rất đáng tiếc khi chúng ta đã đến rất gần với chiến thắng. 

Nói như vậy không chỉ để an ủi thầy trò HLV Troussier, vì xét một các công bằng, không có sự chênh lệch nào giữa 3 đội Việt Nam, Thái Lan và Indonesia tại SEA Games lần này. Sự thắng – thua trong cặp đấu giữa 3 đối thủ với nhau, đều mang tính khoảnh khắc, không phản ánh được hết sự hơn thua giữa các nền bóng đá. Nếu không có màn "chết đi sống lại" ở bán kết, thì chưa chắc Indonesia có một trận đấu quả cảm trước U22 Thái Lan trong trận chung kết với vô số diễn biến khó tin.

Nhưng đó chỉ là một cách nói, thực tế thì U22 Việt Nam vẫn còn ở xa so với kỳ vọng chung của người hâm mộ về một đội tuyển có đủ khả năng tìm vé dự World Cup trong tương lai. Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chất lượng của con người không tốt. Điều dễ nhận thấy nhất ở đội U22 Việt Nam là không có những tiền vệ trụ cột, những mẫu cầu thủ như Hùng Dũng, Hoàng Đức hay Quang Hải để làm "chiếc mỏ neo chiến thuật" cho toàn đội dù là chơi với lối chơi nào.

Các đường tấn công của U22 Việt Nam tại SEA Games chủ yếu sử dụng 2 biên và các quả chọc khe vượt tuyến. Việc chơi thiếu khu trung tuyến ổn định cũng là nguyên nhân khiến cho hàng phòng thủ U22 Việt Nam vô cùng mong manh khi thiếu hệ thống phòng ngự từ xa hay chí ít là một tiền vệ đánh chặn để giảm rủi ro trong các pha bóng 2.

Nguyên nhân thứ hai khiến U22 Việt Nam chưa được như kỳ vọng có lẽ nằm ở sự chuyển đổi tư tưởng chơi bóng, từ lối đá ưu tiên sự chắc chắn, thậm chí hi sinh quyền kiểm soát bóng dưới thời HLV Park Hang Seo chuyển sang một quá trình kiểm soát bóng liên tục, đề cao khâu chuyền bóng, chấp nhận mạo hiểm bị cướp bóng phản công.

Thực tế thì U22 Việt Nam không vào chung kết chỉ vì các bàn thua không đáng xảy ra ở trận đấu với Thái Lan tại vòng bảng và ở bán kết. Đổi lại, việc ghi bàn không còn là vấn đề với đội bóng do ông Troussier dẫn dắt. Các tình huống ghi bàn của U22 Việt Nam rất đa dạng, đến từ những vị trí khác nhau và ở các thời điểm thi đấu mà chúng ta cố tình tăng tốc để tìm bàn. Đó chính là sự hài lòng của HLV Troussier.

Bóng đá Việt Nam sau SEA Games 32: Thua một giải đấu để thắng cả một con đường - Ảnh 1.

U22 Việt Nam chỉ có tấm HCĐ SEA Games 32 nhưng vẫn là một đội bóng có tương lai.Ảnh: Hoàng Linh

Nguyên nhân không khó thấy, vấn đề là chúng ta liệu có thay đổi được để tiếp tục kỳ vọng cho giấc mơ World Cup hay không? Câu trả lời nằm ở chính lời phát biểu của HLV Troussier sau trận tranh HCĐ. Ông thầy người Pháp một lần nữa nói về chất lượng của V-League, của hệ thống thi đấu quốc nội mới là nền tảng cho khả năng phát triển. Sự thiếu kinh nghiệm của cầu thủ U22 là điểm yếu không thể dùng chiến thuật để bù đắp. Nếu sau SEA Games, họ vẫn không được chơi bóng thường xuyên ở V-League thì ở lần tập trung kế tiếp cũng sẽ chẳng có gì thay đổi.

Nói cách khác, "quả bóng" đang ở trong chân các nhà điều hành bóng đá Việt Nam. Tấm HCĐ SEA Games dù không như ý nhưng cũng đã kịp ngăn một sự đổ vỡ quá sớm trong mối lương duyên giữa ông Troussier và bóng đá Việt Nam, nhưng thật khó để ông thầy người Pháp tạo ra một phép màu nào nếu những con người của ông cũng chỉ có chừng đó chất lượng và sự trải nghiệm.

V-League là một giải đấu chuyên về phòng ngự, tỷ lệ bàn thắng không cao, yếu tố thực dụng quá nhiều nên từ phong cách cho đến chọn lựa nhân sự đều không dành cho những cầu thủ trẻ. Một tay săn bàn có phẩm chất tốt như Văn Tùng liệu có chỗ ra sân ở Hà Nội FC đang có sẵn Tuấn Hải, Văn Quyết và 2 ngoại binh? Một Hồ Văn Cường leo biên xâm nhập vùng cấm hiệu quả nhưng khi về SLNA, thì liệu có còn cơ hội khi lối chơi của đội bóng xứ Nghệ nặng về việc an toàn mành lưới?

Tư tưởng bóng đá mà HLV Troussier đang thổi vào U22 Việt Nam là chọn lựa có tính chiến lược để bóng đá Việt Nam đủ khả năng tranh chấp vé dự World Cup trong tương lai vì nó hướng đến việc tìm 3 điểm hơn là không để thua. Nhưng cũng như một kỳ SEA Games không được như kỳ vọng, chúng ta thấy có khoảng cách không nhỏ giữa mong muốn thay đổi và những vấn đề mang tính bản chất của nền bóng đá. Nên thành thật mà nói, đường đến World Cup hãy còn rất xa. 


Long Khang

Link gốc: TTVH