Thể thao Việt Nam và Olympic: Đổi mục tiêu để làm lại
Công cuộc tìm thêm suất dự Olympic của Việt Nam vẫn đang được ráo riết triển khai khi mà quỹ thời gian đến Paris 2024 đã cạn dần. Cuộc săn những tấm vé Olympic rất khó khăn ấy đã buộc thể thao Việt Nam (TTVN) phải đổi mục tiêu: Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giành được 15 tấm vé chính thức, chứ không còn là "đến Olympic để tranh chấp huy chương" được nữa.
Những đấu trường vĩ đại của thể thao thế giới như Olympic hay FIFA World Cup chưa bao giờ là những "cơ hội trong tầm tay" của TTVN. Hai thập niên trước, thậm chí, đấy còn là những giấc mơ. Nhưng cùng với sự phát triển của đất nước, chúng ta đã chinh phục được một số cột mốc quan trọng, mà chiến tích lớn nhất là HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016. Công bằng mà nói, có những cơ sở nhất định để ngành thể thao đặt ra các tầm nhìn lớn để đưa Olympic trở thành mục tiêu chinh phục.
Nhưng sau kỳ tích của môn bắn súng, gần như không còn gương mặt nào có thể tái hiện được thành công ấy trongngắn hạn. Thậm chí, giờ đây với những tiêu chuẩn ngày càng cao và sự cạnh tranh khốc liệt hơn của Olympic, giành được suất chính thức để tham dự Thế vận hội cũng được đánh giá là rất khó khăn. Không nói đâu xa, ở ASIAD vừa qua, TTVN đã bộc lộ nhiều vấn đề mà nếu không có hướng để giải quyết, nhất là ở tầm giải pháp vĩ mô, thì con đường đến với những chiếc huy chương như của Trần Hiếu Ngân (HCB Taekwondo - 2000), Hoàng Anh Tuấn (HCB cử tạ - 2008) hay Hoàng Xuân Vinh (HCV bắn súng - 2016) sẽ ngày càng xa vời.
Nguyên nhân thì nhiều, nhưng giải thích nhanh gọn nhất, chính là vì TTVN đã "cạn" nguồn lực. Có thể khả năng sản sinh tài năng thì vẫn vậy, nhưng nguồn tài chính vốn đã hạn chế, còn sẽ cắt giảm đáng kể. Cơ sở vật chất của chúng ta, trong cả thi đấu lẫn tập luyện, đều là "đồ dùng lại" của 20 năm trước.
Trong khi đó, những yếu tố quan trọng trong thể thao hiện đại như việc "nhà nghề hóa" các môn phổ biến, phí bản quyền truyền hình, các nhà đầu tư thể thao chuyên nghiệp… thì TTVN hầu như không có sự cải thiện nào cả. Tất cả những nguồn lực mà chúng ta đang có, gần như chỉ đáp ứng được mục tiêu đứng đầu SEA Games.
Việc TTVN đổi mục tiêu Olympic, tập trung vào việc tìm suất, đó không phải là một bước lùi, mà có thể xem là hướng tiếp cận mới, thực tế hơn, hợp lý hơn. Một kỳ ASIAD 19 không thành công là bài học đắt giá đối với các nhà quản lý trong việc xây dựng lại lực lượng và hoàn thiện năng lực cạnh tranh của nền thể thao quốc gia.
Chúng ta phải bắt đầu lại từ những mục tiêu cơ bản nhất, có chọn lọc nhất để tận dụng những ưu thế hiện có về tinh thần, nỗ lực vượt khó của VĐV, sau đó mới có những hướng đầu tư trọng tâm hơn với nguồn ngân sách không dư dả. Một thời gian "bay bổng" với các mục tiêu xa vời, giờ đây khát vọng Olympic cần được thể hiện trong thái độ và tư duy tập luyện, thi đấu của VĐV, HLV, nhất là sau các sự cố không vui trong làng thể thao nước nhà vừa qua.
Những chiếc huy chương đã có của Việt Nam, thật trùng hợp, diễn ra theo chu kỳ 8 năm/lần (2000 – 2008 - 2016). Đó là quãng thời gian để tạo ra một thế hệ VĐV, và chi tiết này nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của khâu nền tảng, đầu tư, con người.
Bài học thực tế từ chính các đoàn thể thao trong khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây cũng cho thấy, để có một chiếc huy chương Thế vận hội, thì ngoài khát vọng còn phải bổ sung thêm nhiều điều kiện quan trọng như tài chính, lực lượng VĐV liên tục có tính kế thừa và phát triển.
Trên hết, vẫn là kiên trì tìm giải pháp, không nản lòng trước khó khăn. Mục tiêu Paris 2024 chưa được, thì vẫn còn đó những thách thức ở Olympic 2028 và xa hơn.
Năm 2016, chúng ta có HCV ở môn bắn súng nhưng chỉ 4 năm sau, ở SEA Games 2019, thì bắn súng lại không có nổi một chiếc HCV khu vực nào. Rồi mất 4 năm "làm lại" thì bắn súng Việt Nam lại lần đầu đoạt HCV ASIAD với cùng nội dung đã từng lên đỉnh vinh quang tại Olympic.
Điều này chứng minh, dòng chảy tài năng của TTVN vẫn đang cuộn trào, khát vọng chiến thắng vẫn là một ưu điểm nổi trội của VĐV chúng ta, vấn đề còn lại là cần có cách tiếp cận mới một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, từ đào tạo VĐV đến những suất đầu tư đặc biệt theo phân khúc riêng của từng môn đặc thù. Nói cách khác, riêng đối với "khát vọng Olympic", bây giờ là những tính toán khoa học và tầm nhìn xa.