90 năm ngày sinh GS Phan Huy Lê: Một biểu tượng của giới sử học Việt Nam thời hiện đại
Sách Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam (NXB Khoa học xã hội) vừa được ra mắt tại Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh GS-NGND Phan Huy Lê (23/2/1934 - 23/2/2024).
"Nhận thức lịch sử là một quá trình tiến dần đến chân lý, càng ngày càng tiếp cận sự thật lịch sử một cách khách quan và xác thực hơn. Trên con đường vạn dặm đó, mỗi nhà sử học, mỗi thế hệ sử gia có những tìm tòi, khám phá đóng góp vào sự phát triển chung và lúc này lúc khác, người này người khác, khó tránh khỏi những sai lần, hạn chế. Trước một thành tựu, một bước tiến của nhận thức sử học được coi là công lao nhiều người, mỗi người tự nhìn vào đó để khắc phục những sai lầm và vui mừng về phần cống hiến của mình" - bìa 4 cuốn sách trích suy ngẫm của GS Phan Huy Lê.
Người tổng kết lịch sử Việt Nam
Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), GS Phan Huy Lê là người có biệt tài tổng kết các hội nghị, hội thảo, các đề tài và các chương trình khoa học. GS Hà Văn Tấn, người được coi là uyên thâm bậc nhất trong hàng "bộ tứ sử học" cũng hết mức thán phục tài tổng kết khoa học "ngang bằng sổ thẳng" đến tuyệt vời của GS Phan Huy Lê.
"Những bài giảng đã trở thành huyền thoại, những tổng kết khoa học mới chỉ nghe một lần mà cả đời không quên, những giáo trình đại học, những cuốn thông sử thành sách gối đầu giường của nhiều thế hệ những người học sử và viết sử hơn nửa thế kỷ qua đã nâng tầm GS Phan Huy Lê lên thành người duy nhất ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI nắm giữ sứ mệnh tổng kết lịch sử Việt Nam" - GS Ngọc nhấn mạnh.
Như lời GS Ngọc, di cảo này là một minh chứng xác đáng cho biệt tài tổng kết khoa học của GS Phan Huy Lê. Theo đó, sách là tập hợp những tổng kết hội nghị, hội thảo khoa học; những bài viết khai mở và định hướng cho nhiều hướng nghiên cứu mới; những trao đổi, thảo luận về các vấn đề hoặc nhân vật lịch sử có nhiều gai góc, "nhạy cảm"… được Phan Huy Lê viết từ tháng 9/1982 đến tháng 4/2018.
Gồm 27 bài viết, sách Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam được chia làm 2 phần. Phần thứ nhất "Tư liệu và tổng quan", lựa chọn giới thiệu 9 bài viết, đưa ra những nhận xét mang tính tổng quát và định hướng về lịch sử Việt Nam, về vùng đất Nam bộ, về Hội An và về Hoàng thành Thăng Long… Đây đều là những bài viết khái quát cho những công trình tiêu biểu, thể hiện dấu ấn của GS Phan Huy Lê, hoặc những bài tổng kết chưa được xuất bản chính thức, hoặc chưa có điều kiện công bố rộng rãi.
Đến phần thứ hai "Nhân vật và sự kiện", tập trung cho nội dung hình thành, phát triển, tính chất, chức năng, vai trò và đóng góp của các nhà nước từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến các nhà nước thế kỷ 10, thời Lý, Trần, Lê, Mạc, chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Cùng với đó là mảng đề tài về lịch sử quân sự và các cuộc chiến tranh giữ nước từ khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 722) cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ (1954).
Ngoài ra, Phan Huy Lê còn có nhiều bài viết về các nhân vật lịch sử với những đánh giá mẫu mực và công bằng.
Đáng chú ý, việc tuyển bài, chia phần và sắp xếp thứ tự các bài viết viết trong sách được thực hiện bởi các con, cháu của GS Phan Huy Lê đang làm việc trong nhóm sử học liên ngành, bao gồm PGS-TS Phan Phương Thảo, PGS-TS Phan Hải Linh, TS Phạm Lê Huy.
"Giữa trưa Hè nắng cháy, như cảm thấy mình đã đuối sức, GS Phan Huy Lê nhắc tôi: "Phải đi như thế này thì viết sử mới thật được cậu ạ. Mình đã ngoài tám mươi rồi, chắc không đi được nữa. Các cậu còn trẻ cần phải hết sức cố gắng" - GS-TS Nguyễn Quang Ngọc.
3 đức tính nổi bật
Nhớ về người thầy đáng kính của mình, GS-TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ: "GS Phan Huy Lê với một nhân cách lớn và một sự nghiệp lớn đã trở thành một biểu tượng của giới sử học Việt Nam thời hiện đại. Ông là tấm gương sáng và niềm kiêu hãnh cho đồng nghiệp và các thế hệ học trò không chỉ trong nước và cả trên trường quốc tế".
Đó cũng là cảm xúc chung được nhiều học trò của GS Phan Huy Lê bày tỏ tại tọa đàm khoa học do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức, nhân dịp ra mắt sách Phan Huy Lê di cảo: Nhận thức lịch sử Việt Nam.
Với PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) trong gần nửa thế kỷ vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp, nhiều lần được làm việc với GS Phan Huy Lê, ông nhận thấy 3 đức tính nổi bật phản ánh nhân cách lớn, đó là "thanh" (thanh liêm, trong sạch), "thận" (thận trọng, cẩn thận), "cần" (chăm chỉ, cần mẫn). Trong đó, với tư cách là một nhà sử học, thì 2 đức tính: "thận" và "cần" đã làm nên tên tuổi của sử gia Phan Huy Lê.
Đặc biệt, PGS Tường còn nhấn mạnh thêm: "Với tư cách một sử gia lớn của đất nước, Phan Huy Lê bao giờ cũng giữ vững một phương châm của sử học truyền thống, là: "Chép thẳng, chép đúng sự thực, lịch sử".
Còn với GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, có gần 50 năm đi cùng trong việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử, thì Phan Huy Lê tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch của sử học là phải thẳng thắn, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử khách quan.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê chỉ đạo cho các tác giả và những người có nhiệm vụ khai thác tư liệu phải cố gắng bằng mọi cách để có thể đến được tư liệu nguyên gốc. Ông đặc biệt đề cao phương pháp điều tra, khảo sát thực địa. Ông hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa ở hầu khắp các địa phương trong nước. Mỗi lần khảo sát như thế là mỗi lần bổ sung thêm nhiều tư liệu quý và có thêm phương án trình bày lịch sử như nó đã từng diễn ra.
"Tôi còn nhớ như in sau khi khảo sát mộ Vua Lửa (Hỏa Xá) ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, giữa trưa Hè nắng cháy, như cảm thấy mình đã đuối sức, GS Phan Huy Lê nhắc tôi: "Phải đi như thế này thì viết sử mới thật được cậu ạ. Mình đã ngoài tám mươi rồi, chắc không đi được nữa. Các cậu còn trẻ cần phải hết sức cố gắng".
"Thế nhưng, mới chỉ bay về Hà Nội được mấy ngày thì ông lại gọi tôi cùng đi Tây Sơn Thượng Đạo (cũng thuộc tỉnh Gia Lai), bất chấp nắng lửa, mưa rừng và thác lũ sông Ba. Thầy lăn xả vào công việc, quên đi cả tuổi tác" - GS Ngọc bày tỏ - "Tôi tự hỏi, liệu có học giả nào ở độ tuổi ngoài 80, mà vẫn bùng cháy sức thanh xuân, với năng lực và hiệu quả làm việc đến phi thường như GS Phan Huy Lê không?".
Vài nét về GS Phan Huy Lê
Phan Huy Lê được phong học hàm Giáo sư từ năm 1980. Các danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo nhân dân (1994).
Ông được Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động (Nhất, Nhì, Ba).
Công trình Tìm về cội nguồn (2 tập, hơn 1.750 trang) được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ năm 2000.
Năm 2016, GS Phan Huy Lê được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, với tác phẩm Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận (dày hơn 1.000 trang).
Năm 2017, bộ sách Vùng đất Nam bộ - Quá trình hình thành và phát triển (2 tập, dày hơn 1.500 trang) do ông chủ biên được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu.
Với những đóng góp cho lịch sử, văn hóa Hà Nội, GS Phan Huy Lê còn được trao Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2011.