Nhà báo Nguyễn Lưu: 'Phải có tư duy đột phá, giải pháp triệt để tạo sức bật mới cho thể thao Việt Nam'

Theo nhà báo Nguyễn Lưu, thể thao Việt Nam (TTVN) bước vào năm mới 2024 với khát vọng vượt ngưỡng ở đấu trường lớn nhất mang tên Olympic Paris. Do đó, ngành thể thao cần chuẩn bị kỹ tâm lý, bản lĩnh và chuyên môn cho các VĐV trước khi ra biển lớn.

TTVN cần nhìn thẳng vào thực tế, tìm ra hướng giải quyết

* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, sau 2 giải đấu mang tính bàn đạp là SEA Games 32 và ASIAD 19 trong năm 2023, đâu là nhìn nhận của ông về thực lực của TTVN khi hướng đến đấu trường lớn Olympic trong năm 2024?

-Nhà báo Nguyễn Lưu:Phải nói thắng thắn và thực tế với nhau như thế này, năm 2023, TTVN dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32 nhưng không thành công tại ASIAD 19. Điều này cho thấy TTVN đã chững lại so với đà phát triển của thể thao châu lục. Một khi, chúng ta nhìn thẳng được vấn đề mới mong có được giải pháp triệt để, rốt ráo nhất để tiếp tục xây dựng, phát triển.

Chúng ta ghi nhận những nỗ lực, thành tích mà TTVN đã có trong năm 2023. Thể thao nước nhà đã dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương tại SEA Games 32 tổ chức tại Campuchia tháng 5/2023. Tuy nhiên, thành tích ở ASIAD 19 diễn ra không lâu sau đó đã nhanh chóng đưa người hâm mộ trở về thực tế rất đáng buồn: TTVN chỉ đủ sức chinh phục đấu trường Đông Nam Á.

Khép lại ASIAD 19, đoàn TTVN giành 27 huy chương (trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ), xếp hạng thứ 21; xếp sau các đoàn Đông Nam Á khác là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Rõ ràng, TTVN chưa có nhiều nhân tố đạt đẳng cấp châu lục và thế giới.

Năm 2024 là năm Giáp Thìn, người hâm mộ cả nước đang đặt câu hỏi: TTVN có "hóa rồng"? Đó là khát khao, ước mơ chính đáng nhưng theo tôi rất khó nếu không có những tư duy, giải pháp mang tính đột phá cùng cách làm dũng cảm. Tóm lại, dù hy vọng nhưng để TTVN "hóa rồng" trong "năm rồng" Giáp Thìn 2024 hay xa hơn vẫn là thách thức rất lớn, nếu lãnh đạo ngành thể thao vẫn có cách làm cũ.

Gian nan tìm vé đến với Olympic Paris 2024

*Đặt mục tiêu giành 12 - 15 vé tham dự với Olympic Paris 2024, song đến thời điểm này, khi Thế vận hội mùa Hè năm nay còn 6 tháng nữa sẽ khởi tranh, TTVN mới chỉ giành 4 suất chính thức. Có phải hành trình để có suất tham dự Olympic còn quá gian nan với các VĐV Việt Nam?

- Rõ ràng, việc mới chỉ giành được 4 vé dự Olympic là con số khiêm tốn so với thực lực ở các giải đấu trước đó cũng như mục tiêu đặt ra từ 12 - 15 suất tham dự. Việc chỉ mới hoàn thành 1/4 chỉ tiêu đặt ra rất nhiều áp lực cho TTVN bởi xét về thực lực hiện tại, chúng ta rất khó có thể hoàn thành mục tiêu ở các giải đấu tuyển chọn vé dự Thế vận hội trong thời gian sắp tới.

Nhà báo Nguyễn Lưu: “Phải có tư duy đột phá, giải pháp triệt để nhằm tạo sức bật mới cho thể thao Việt Nam” - Ảnh 1.

Thùy Linh là một trong những VĐV hiếm hoi có thể tới Olympic Paris 2024 nhờ thứ hạng cá nhân trên bảng xếp hạng thế giới. Ảnh: Hoàng Linh

Tôi xin được lấy một ví dụ cụ thể đó là trường hợp của xạ thủ Phạm Quang Huy. Thành tích của Quang Huy tại ASIAD 19 ấn tượng nhưng bước phát triển tiếp theo không hề đơn giản. Giới chuyên môn đã phân tích đấy là bắn súng cần sự trải nghiệm, kinh nghiệm và tĩnh tâm để quyết định yếu tố thành bại nên VĐV càng lớn tuổi, va đập nhiều ở các giải đấu sẽ càng có độ dầy dặn để làm nên chiến thắng. Sau ASIAD 19, áp lực đối với Phạm Quang Huy phần nào nhiều hơn vì người hâm mộ chú ý hơn cũng như bản thân xạ thủ có mục tiêu phấn đấu giành suất chính thức dự Olympic.

Áp lực cũng đang đè nặng lên VĐV các bộ môn đang được kỳ vọng hiện nay như: Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thanh Thủy (judo), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Văn Khánh Phong, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ). Lý do là trong nửa đầu năm 2024, các VĐV này sẽ tranh tài ở các giải đấu được công nhận đủ điều kiện xét chuẩn Olympic để tự tìm cơ hội cho mình. Theo nhận định của giới chuyên môn, đây là những VĐV đang tiệm cận với trình độ Olympic. Chính vì thế cơ hội, khả năng "săn" vé đến Olympic Paris gần tầm tay nhất. Trong đó tay vợt Nguyễn Thùy Linh đang ở vị trí trong top 20 thế giới nêngần như đãcó một suất góp mặt tại Paris vào mùa Hè năm nay.

Bên cạnh đó, TTVN vẫn đang nuôi hy vọng giành suất dự Olympic ở các môn quan trọng khác như boxing (Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh), taekwondo (Trương Thị Kim Tuyền), vật (Nguyễn Thị Xuân, Bùi Thị Đào, Nguyễn Thị Mỹ Trang, Trần Thị Ánh),dẫu biết rằng để mở "cánh cửa" đến với Olympic ở các nội dung này còn rất gian nan.

Chông chênh đường ra biển lớn

* Tìm vé đến Olympic đã khó, còn giành được huy chương tại đây càng khó bội phần, có phải TTVN đang rất "chông chênh" ở đường ra biển lớn?

- Hơn 4 thập kỷ trôi qua, TTVN đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Thực tế trên cho thấy, số VĐV đỉnh cao của TTVN có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc TTVN chưa thể vươn ra biển lớn để khẳng định được ở tầm châu lục, mà 1 trong những nguyên nhân chính đó là chúng ta chưa có một định hướng chiến lược dài hơi, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu Á, xa hơn nữa là Olympic.

Olympic Paris 2024 chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ khai mạc. Vậy nên, sự chuẩn bị của TTVN cần phải nghiêm túc, khẩn trương hơn, cùng với đó là những kế hoạch dài hơi để sẵn sàng cho cuộc bứt phá trong tương lai.

Nhà báo Nguyễn Lưu: “Phải có tư duy đột phá, giải pháp triệt để nhằm tạo sức bật mới cho thể thao Việt Nam” - Ảnh 2.

TTVN cần tư duy mới, cách làm mới, sức bật mới

* TTVN khó "cất cánh" nếu cứ đi trên những lối mòn như thế. Vậy đâu là kỳ vọng của ông về sức bật mới dành cho thể thao nước nhà?

- Dễ thấyTTVN đã có dấu hiệu "hụt hơi" ở đấu trường lớn. Thực trạng này đặt ra bài toán cho ngành chức năng là cần tạo sức bật mới để thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển đúng kỳ vọng. Theo dõi quá trình phát triển có thể thấy, mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của TTVN là nguồn lực và chiến lược đầu tư. Thực tế, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Bài toán thiếu trước hụt sau khiến TTVN loay hoay co kéo trong tấm chăn chật hẹp. Mục tiêu muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực, trong đó có việc chưa quản lý tốt nguồn lực đầu tư được phân bổ.

Trong bối cảnh hiện nay, TTVN không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Ngoài ra, phải quản lý tốt nguồn lực được phân bổ. Một khi nguồn lực đầu tư xứng tầm và được quản lý bài bản thì các giải pháp chuyên môn mới phát huy đầy đủ và khi đó kết quả mới tương xứng.

Tựu trung lại, trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng lớn ở mọi cấp độ, TTVN cần có những giải pháp hữu hiệu và hành động thật sự quyết liệt để tạo nên sức bật mới, đưa thành tích dần tiếp cận tầm châu lục và thế giới. 

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Thực ra, đã có rất nhiều "hội nghị Diên Hồng" trong địa hạt thể thao từng được tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành. Dù thế, từ hội nghị bước ra thực tiễn vẫn là khoảng cách rất xa. Ngoài có chiến lược tốt thì thực hiện đúng chiến lược là điều không hề dễ dàng.

Mới đây, tôi cũng đã được mời tham dự hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030. Với tôi, hội nghị chưa đáp ứng được những kỳ vọng ban đầu. Giữa lý thuyết, phương hướng, kế hoạch đến thực tế triển khai còn có khoảng cách khá xa. Đề ra đường hướng đúng chưa đủ, quan trọng là thực hiện đường hướng đó thế nào, nói đi đôi với làm, làm phải thật và làm phải có kiểm tra, rà soát, đánh giá, tổng kết".


Trần Tuấn (thực hiện)

Link gốc: TTVH