Paris 2024: Một Olympic thật khác
Tròn một thế kỷ, Olympic mùa hè trở lại với Paris. Ở quê hương của người sáng lập nên Thế vận hội hiện đại Pierre de Coubertin, Paris hướng tới trọng tâm là sự đổi mới cho một kỳ Olympic trẻ hơn, bền vững hơn, đô thị hơn và toàn diện hơn bao giờ hết.
Olympic 2024: Thế vận hội "mở"
Kể từ khi được lên ý tưởng, cho tới lúc được ban tổ chức thông qua, kịch bản lễ khai mạc Olympic Paris 2024 "độc, lạ, chưa từng có" khiến người hâm mộ vô cùng háo hức đợi chờ. Lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc một kỳ Thế vận hội sẽ diễn ra bên ngoài bối cảnh sân vận động truyền thống, với mục đích được ban tổ chức nêu bật "nhằm kết hợp điều tuyệt với nhất của Paris- những địa danh mang tính biểu tượng- với khả năng tham gia cùng hàng trăm nghìn khán giả".
Những con thuyền chở các đoàn VĐV sẽ xuất phát từ nhánh sông Flotilla, rồi hòa vào sông chính Seine từ cây cầu Austerlitz ở phía Đông Paris, và hướng đến cầu Iena ở phía Tây. Sau cùng, tại Vườn Trocadero được dựng thành "sân vận động mini" với 30.000 chỗ ngồi, có tầm nhìn thẳng đến tháp Eiffel, tất cả tụ hội cho phần nghi lễ chính. Hành trình dài 6 km sẽ đi qua các địa danh nổi tiếng như Viện bảo tàng Louvre, Nhà thờ Đức Bà Paris và Quảng trường Concorde, cùng với đó là những màn trình diễn nghệ thuất đậm chất văn hóa của thành phố chủ nhà.
Ban tổ chức nói rằng đây sẽ là "buổi lễ khai mạc ngoạn mục và dễ tiếp cận nhất trong lịch sử Thế vận hội", với 600.000 khán giả có thể tham gia. Khoảng 100.000 vé sẽ được dành cho những vị trí đặc biệt dọc bờ sông. 500.000 vé khác dành cho khán giả ở vị trí cao hơn trên các đại lộ hai bên bờ sông, gấp 10 lần so với sức chứa trung bình ở một sân vận động Olympic. Nhờ 80 màn hình và loa khổng lồ, tất cả sẽ có thể tận hưởng không khí huyền diệu của buổi biểu diễn này trên khắp thủ đô nước Pháp.
Tiêu chí "Thế vận hội dành cho tất cả mọi người" còn được thể hiện qua màn rước đuốc với khoảng 10.000 người tham gia. Sau khi được rước từ địa điểm truyền thống ở Hy Lạp, ngọn lửa sẽ được đưa qua biển và tới thành phố cảng Marseille bằng tàu Belem vào ngày 8/5/2024. Từ đây, lửa Olympic sẽ được rước qua 60 địa điểm trên khắp nước Pháp và tới thủ đô Paris để chuẩn bị cho lễ khai mạc Olympic Paris 2024 vào ngày 26/7/2024.
Thời trang, sang trọng và Paris 2024
Paris không chỉ là kinh đô ánh sáng, là thành phố tình yêu, mà còn là một trong bốn thủ phủ thời trang có ảnh hưởng nhất thế giới thời điểm hiện tại. Bởi thế, khi Paris thành công trong việc đăng cai Thế vận hội 2024, tất cả đều chờ mong một kỳ đại hội đặc biệt nhất, với hơi thở của thời trang được thổi vào từng góc nhỏ của sự kiện thể thao tầm cỡ.
Khi tin đồn xung quanh mối quan hệ đối tác giữa thể thao và thời trang lên đến đỉnh điểm, tập đoàn LVMH đã quyết định củng cố vị trí dẫn đầu. Tại một hội nghị tại Grand Palais Éphémère ngay gần tháp Eiffel, tập đoàn lớn nhất của ngành hàng xa xỉ đã công bố một hợp đồng tài trợ lịch sử với Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024.
Tập đoàn LVMH sẽ là đối tác "cao cấp" trong suốt các sự kiện của Thế vận hội. Các thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc LVMH như Louis Vuitton, Dior và Berluti sẽ thiết kế trang phục cho các đoàn thể thao Pháp trong các sự kiện thi đấu. Thương hiệu kim hoàn Chaumet sẽ thiết kế các huy chương Olympic và Paralympic. Các hãng rượu vang và rượu mạnh của Moët Hennessy sẽ cung cấp các sản phẩm của họ như một phần của chương trình chiêu đãi trong thời gian diễn ra sự kiện. Hãng Sephora sẽ là đối tác cho hoạt động rước đuốc Olympic. Ngoài ra, LVMH cũng sẽ hỗ trợ trang phục cho một số VĐV được coi là "nguồn cảm hứng", chẳng hạn như kình ngư Léon Marchand- người đang giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 400 mét hỗn hợp cá nhân.
Mặc dù không có điều khoản nào về quan hệ đối tác được tiết lộ, Reuters đã đưa tin rằng thỏa thuận này sẽ trị giá khoảng 150 triệu euro (165,75 triệu USD).
Ông Oudéa-Castéra, Bộ trưởng Thể thao Pháp chia sẻ: "Đây là sự hợp tác của những điều tuyệt vời nhất: thành phố đẹp nhất thế giới, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới và sự kiện thể thao lớn nhất thế giới". Chủ tịch LVMH Bernard Arnault, tỷ phú giàu thứ nhì thế giới theo danh sách hiện tại của Fobes, cho biết: "Giống như lý tưởng của Thế vận hội là đẩy lùi các giới hạn của thành tích thể thao, vẻ đẹp của Paris truyền cảm hứng cho chúng tôi luôn tiến xa hơn trong việc theo đuổi cái đẹp".
Những môn thể thao mới
Thế vận hội 2024 hướng tới mục đích bắt kịp thời đại và truyền cảm hứng cho khán giả mới thông qua các môn thể thao mới, hấp dẫn, dễ tiếp cận và toàn diện.
Vào ngày 21/ 2/2019, Ban tổ chức Olympic Paris cho biết sẽ đề xuất đưa vào chương trình thi đấu môn breakdance, cùng với ba môn khác là trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng. Cả bốn môn thi đấu trên đều được chấp thuận tại phiên họp thứ 134 của IOC ở Lausanne, Thụy Sỹ vào ngày 24/6/2019. Ba môn trượt ván, leo núi thể thao và lướt sóng sau đó đã có lần xuất hiện đầu tiên tại Thế vận hội mùa hè Tokyo. Riêng Breakdance sẽ xuất hiện tại Paris 2024.
Breakdance hay còn gọi breaking, là môn thể thao được miêu tả "đậm chất nghệ thuật". Được phổ biến ở Mỹ vào những năm 1990, môn thể thao mới này kết hợp giữa nghệ thuật, khiêu vũ và âm nhạc, được lấy cảm hứng từ hip-hop. Khi Breakdance được đề xuất vào chương trình thi đấu Olympic thì môn này đã thu hút khoảng 1 triệu người chơi trên khắp thế giới và sự kiện Red Bull BC One World Final 2019 ở Mumbai đạt tới hơn 50 triệu người xem qua các nền tảng Facebook và YouTube.
Breakdance được chấm điểm không chỉ dựa vào kỹ thuật, mà còn căn cứ theo mức sáng tạo, phong cách, sức mạnh, tốc độ, nhịp điệu và sự nhanh nhẹn. Tại Olympic Paris, 32 VĐV gồm 16 B-boy và 16 B-girl sẽ tranh tài trên quảng trường Place de la Concorde.
Di sản và Bền vững
Paris đã thông qua "Kế hoạch di sản và bền vững" cho Thế vận hội 2024, cam kết giảm một nửa lượng khí thải phát sinh. Chiến lược này sẽ mang đến một sự kiện toàn cầu, đầy tham vọng, có trách nhiệm hơn, bền vững hơn.
Đối với Làng Olympic được xây dựng ở Saint-Denis, vùng ngoại ô phía bắc Paris, các vật liệu và phương pháp có hàm lượng carbon thấp sẽ được sử dụng để giảm một nửa lượng khí thải carbon. Chẳng hạn, nhà sản xuất xi măng Ecocem sẽ cung cấp loại xi măng có hàm lượng carbon cực thấp mới cho dự án. Sự thay thế xi măng truyền thống này sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon. Trung tâm thể thao dưới nước sẽ chỉ được xây dựng bằng vật liệu xây dựng có nguồn gốc sinh học, với kết cấu gỗ và khung mái được bao phủ bởi các tấm pin mặt trời và phục vụ như một trang trại năng lượng mặt trời.
Ngọn đuốc Olympic sẽ thực hiện hành trình từ Hy Lạp đến Pháp bằng thuyền để tôn trọng các nguyên tắc bền vững được đặt ra cho Thế vận hội. Một đội xe chạy bằng năng lượng sạch sẽ vận chuyển các vận động viên. Khán giả sẽ đến địa điểm thi đấu bằng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường như xe buýt điện, tàu điện ngầm, các tuyến RER. Paris cũng chuẩn bị mở thêm 55km làn đường dành cho xe đạp ở Thế vận hội 2024. Cung đường này sẽ cho phép khán giả đạp xe từ trung tâm thành phố đến các địa điểm thể thao tại Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024.
Dịch vụ ăn uống tại Thế vận hội 2024 cũng hướng đến sự bền vững và không rác thải. Với 13 triệu bữa ăn được phục vụ trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic, rõ ràng việc cung cấp dịch vụ ăn uống bền vững và không lãng phí là rất quan trọng. Mục tiêu không lãng phí sẽ đạt được bằng cách xác định số lượng, thiết kế công thức nấu ăn giúp giảm nguy cơ lãng phí và tái chế 100% thực phẩm không tiêu thụ.