Chào tuần mới: Chào hai 'thành phố học tập toàn cầu'

Một thông tin thú vị cuối tuần qua: TP.HCM và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) của Việt Nam vừa được công nhận là thành viên thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là 2 trong 64 thành phố trên thế giới được UNESO công nhận trong đợt này.

Như vậy, cùng với các thành phố Sa Đéc và Vinh năm 2020, cũng như thành phố Cao Lãnh năm 2022, tới thời điểm này, Việt Nam đã có 5 đô thị thuộc Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Cần nhắc lại, khái niệm thành phố học tập toàn cầu được UNESCO xây dựng từ năm 2012, dành cho các đô thị có những sáng kiến hữu hiệu về chính sách phát triển giáo dục, đã áp dụng các chính sách đó vào thực tiễn, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của mọi công dân ở mọi cấp học.

Chào tuần mới: Chào hai 'thành phố học tập toàn cầu' - Ảnh 1.

Giờ thực hành môn sinh học của học sinh Trường THPT chuyên Sơn La, thành phố Sơn La - trường đạt chuẩn quốc gia - Ảnh: TTXVN

Xa hơn, việc xây dựng mạng lưới các thành phố này được UNESCO kỳ vọng tạo nền tảng trao đổi quốc tế, cho phép thành viên chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn để hướng tới mục tiêu triển khai các chiến lược học tập suốt đời, từ đó tạo ra chìa khóa để giải quyết các vấn đề gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững.

Hiện tại, mạng lưới này đã có 356 thành viên đến từ 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.

***

Được công nhận để xuất hiện trong hệ thống mạng lưới các đô thị - hoặc điểm đến - trên toàn cầu tất nhiên luôn là một niềm vui với chúng ta. Đó là câu chuyện đã xảy ra với các Di sản văn hóa thế giới, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tại Việt Nam, hoặc các Thành phố sáng tạo như Hà Nội, Hội An, Đà Lạt.

Câu chuyện của 2 thành phố học tập toàn cầu vừa được ghi danh cũng không phải ngoại lệ. Và trong nhận thức chung của cộng đồng, đây cũng là 2 đô thị có nhiều tiềm năng, tại Việt Nam để phát triển vấn đề "học tập": Nếu TP.HCM từ lâu đã là trung tâm văn hóa giáo dục tại phía Nam thì Sơn La cũng luôn được kỳ vọng trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục vùng Tây Bắc, để giảm tải cho Hà Nội.

Chào tuần mới: Chào hai 'thành phố học tập toàn cầu' - Ảnh 2.

Học sinh lớp 11, trường THPT Lê Qúy Đôn trong tiết học thực hành Sinh học (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy- TTXVN

Nhưng, cần nói rõ: Từ rất lâu trước việc ghi danh này chúng ta đã và có những bước đi khá cơ bản để vận động và xây dựng xã hội học tập - một xu thế đang phổ biến trên thế giới trong thế kỷ 21, khi nền kinh tế công nghiệp đang chuyển mạnh sang nền kinh tế tri thức và đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên lý thuyết, một xã hội học tập lý tưởng chính là một "trường học" khổng lồ, nơi mỗi thành viên đều được cung cấp cơ hội học tập, với thiết chế giáo dục mở, mềm dẻo, linh hoạt. Và theo góc nhìn ấy, rõ ràng, việc có thêm những đô thị gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO cũng chính là một bước đi trong nhiều bước đi mà Việt Nam đang thực hiện để xây dựng một xã hội học tập cho mình.

Đó chắc chắn là một con đường dài, khi ai cũng hiểu: Trong nhịp sống hiện đại, việc học cần được hiểu theo nghĩa rộng, khi nó không thể chỉ gắn với bằng cấp, mà còn là câu chuyện học các kiến thức khác nhau từ cuộc sống, tập thể, gia đình… để làm việc, để sáng tạo, thậm chí để sống tốt hơn và thích ứng với một xã hội đang đổi thay.

Hãy lấy một ví dụ từ Cao Lãnh: Sau khi được ghi danh vào mạng lưới thành phố học tập năm 2022, đô thị này đã triển khai đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" với mục tiêu đến năm 2030 có 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 90% các trường phổ thông triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số… Tương tự, một dự án Đường sách cũng được nghiên cứu tổ chức tại khu vực Văn Thánh miếu, trung tâm của thành phố.

Và bởi thế, bên cạnh niềm vui từ "danh xưng" mới, hãy hiểu rằng việc có thêm những "thành phố học tập" cũng là một sự khởi đầu, với những cơ hội mới cho chúng ta, trên chặng đường dài.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH