Nhà văn Nguyễn Một: Sống bằng tâm thức để soi rạng lịch sử cuộc chiến
Ra mắt tại Hà Nội ngày 18/6, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (NXB Hội Nhà văn, Liên Việt) của nhà văn Nguyễn Một là tiểu thuyết mang những day dứt với sự tàn phá của chiến tranh. Hơn thế, cuốn sách còn cho thấy một góc nhìn mới về đề tài này, với việc kể lại những nỗi đau để đề cao tình yêu thương và sự tha thứ.
Từng ghi dấu ấn với 2 cuốn tiểu thuyết Đất trời vần vũ (NXB Hội Nhà văn, 2009) và Ngược mặt trời (NXB Hội Nhà văn, 2012), Nguyễn Một tiếp tục hướng ngòi bút của mình tới trục đề tài chiến tranh, Thiên Chúa giáo và tình yêu trongTừ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Nói như nhà báo Yên Ba, đây có thể coi "tam bộ khúc" của Nguyễn Một về chiến tranh.
Một góc nhìn mới
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam - vùng đất chiến tranh xảy ra liên miên. Còn nhỏ nhưng tôi đã chứng kiến những cái chết hằng ngày. Đó không phải là cái chết của những người lính, mà là cái chết của những người nông dân, trong đó có cha mẹ" - nhà văn Nguyễn Một nhớ lại - "Cha trúng đạn chết khi mẹ tôi đang mang thai 3 tháng, còn mẹ chết khi tôi 4 tuổi. Lúc mẹ trúng đạn, tôi nằm dưới đất, máu mẹ chảy loang trên người tôi. Những câu chuyện này, tôi được nghe kể lại vì khi đó tôi còn quá nhỏ. Cứ thế, chiến tranh cứ ám ảnh tôi hoài".
Và từ ám ảnh về cái chết của những người nông dân vô tội ấy đã cho Nguyễn Một góc nhìn mới về cuộc chiến với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín: "Viết về chiến tranh, các nhà văn thường lấy cái nhìn của người lính để nhìn về một phía cuộc chiến. Nhưng tôi lại muốn lấy từ cái nhìn của một người dânkhông tham gia cuộc chiến. Nhân vật của tôi tìm cách trốn khỏi cuộc chiến bằng mọi giá, để nhìn thấy chiến tranh một cách đầy đủ hơn".
Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín bắt đầu từ mối tình của hai nhân vật Sơn và Diễm trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa. Sơn là người không có đạo, còn Diễm là một con chiên. Đầu truyện, Sơn đưa Diễm đến nhà thờ nhân ngày lễ quan trọng trong mùa chay. Đứng ngoài hiên, anh nghe được giọng của cha xứ vang lên trầm buồn về cái chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự. Cuối truyện, sau khi cuộc tình tan vỡ, Sơn ngồi bên bờ sông đúng lúc tiếng chuông nhà thờ vang lên. Lúc này, Sơn chợt nhớ buổi lễ năm xưa anh đứng sau lưng Diễm và nghe giọng trầm buồn của vị cha xứ: "Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa,…".
Ý niệm về thời gian từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín được tác giả Nguyễn Một dẫn theo Kinh Thánh và cũng hàm chứa tinh thần để dựng lên toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Không chỉ là chứng nhân cho cuộc tình của Sơn và Diễm, nó còn phản ánh một giai đoạn lịch sử đau buồn của đất nước đã được lột tả qua diễn biến của chiến tranh mà tác giả chọn khai thác theo cách riêng.
Từ đó, suy cho cùng Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau. Và bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử. Trong đó, Sơn - nhân vật chính - luôn bị giằng xé bởi tình cảm và lý trí, khi anh ta không đứng về bên nào cả trong cuộc chiến này.
Cũng bởi đặt tinh thần của Kinh Thánh vào tác phẩm mà ám ảnh về những cái chết xuất hiện liên tục trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Ở đó, Nguyễn Một đã làm lấp lánh tư tưởng chủ đạo: Yêu thương và tha thứ.
Như một hồi ký
Trong lộ trình sáng tạo tiếp nối tinh thần của 2 cuốn tiểu thuyết trước đó, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín còn cho thấy hành trình suy tư về bút pháp tiểu thuyết của tác giả. Với lối viết huyền ảo, ở Đất trời vần vũ hay Ngược mặt trời, Nguyễn Một đã mang đến những thế giới song song với những hồn ma bóng quế trong không khí hư hư, thực thực. Đến Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, Nguyễn Một lại hoàn toàn trở về với mặt đất cùng những hiện thực thật đến trần trụi.
"Từ năm 2012, khi viết xong Ngược mặt trời, cũng là lúc tôi bắt đầu suy tư về câu chuyện của cuốn tiểu thuyết mới. Ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên Đất trời vần vũ, tôi viết theo bút pháp đồng hiện đan xen giữa huyền thực, huyền ảo để dần dần mở câu chuyện ló rạng. Bút pháp này giúp tôi mở rộng không gian và thời gian, diễn tả được tất cả những cuộc chiến tranh từ thời mở cõi cho đến khi có bom đạn" - ông cho biết - "Ngược mặt trời tôi viết theo phương pháp rời rạc, có nghĩa là mỗi chương gần như một câu chuyện để bạn đọc liên kết lại với nhau trở thành một cuốn tiểu thuyết, hay như một file nén".
"Đến cuốn tiểu thuyết thứ ba, với ý tưởng đã có, tôi suy nghĩ phải dùng thủ pháp nào để đi vào lòng người đọc chân thật nhất, thậm chí để người đọc cảm thấy mọi thứ hoàn toàn là sự thật. Bởi câu chuyện tôi viết tất nhiên có nhiều hư cấu nhưng bối cảnh là có thật. Từ đây, tôi quyết định sẽ viết bằng bút pháp "như hồi ký" để nhân vật là một chứng nhân kể lại câu chuyện" - nhà văn chia sẻ - "Để người đọc nhận diện ra sự thật và cảm thấy tác phẩm như là một câu chuyện có thật, trong truyện tôi còn dẫn lại lời nói của những nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thời đó. Tôi để nhân vật của mình sống cùng thời và làm bạn với họ".
Tác giả Nguyễn Một còn cho biết thêm, để thực hiện được thủ pháp viết "như hồi ký" về thời chiến, ông phải vượt qua một thách thức đáng kể.
"Khi kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất, tôi mới chỉ có 11 tuổi. Như vậy, tôi phải tìm hiểu. Tôi đến các vùng đất mà nơi tôi sẽ viết. Tôi tích lũy. Tôi gặp người này, người khác. Kể từ khi thai nghén, tôi mất 10 năm và khởi sự viết trong vòng 1 năm để hoàn thành tác phẩm" - ông nói.
Quay trở lại viết về chiến tranh
Rõ ràng, từ góc nhìn cho đến bút pháp trong Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đều cho thấy Nguyễn Một khá mới khi tiếp cận đề tài chiến tranh. Ở khía cạnh này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, những nhà văn tiếp tục viết về chiến tranh như Nguyễn Một đã có một tư thế khác, một cách nhìn khác và một cảm quan khác. Ở đó chúng ta không chìm xuống một lần nữa trong bi thương mà lại nhìn thấy những điều có ý nghĩa trong tương lai.
Theo Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Một đã thành công bởi "Ông chỉ ra bản chất kinh hoàng của chiến tranh. Ông chỉ ra số phận con người trước thách thức của chiến tranh. Nhưng ở đằng sau đó, ông chỉ ra rằng dân tộc Việt Nam này đã phải đi qua cuộc chiến đó với một cái giá vô cùng đắt. Bởi thế, mỗi ngày hòa bình, mỗi giờ hòa bình, mỗi phút hòa bình của người Việt hiện nay phải được quý trọng, trân trọng và không thể đánh mất".
Nói rộng ra Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, không chỉ Nguyễn Một mà các nhà văn Việt Nam khác vẫn cần phải tiếp tục viết về cuộc chiến tranh này: "Chúng ta quay trở lại viết về chiến tranh không phải để đau thương, than khóc thêm một lần nữa. Cũng không phải để ngạo mạn với chiến thắng thêm một lần nữa. Chúng ta quay trở lại để tìm cách dừng cuộc chiến tranh của quá khứ trong tiểu thuyết, để rồi tìm cách ngăn chặn những cuộc chiến tranh trong tương lai bằng mọi giá".
Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: "Không can dự và tham dự vào cuộc chiến nhưng tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín đã ra đời bởi vì Nguyễn Một đã sống bằng tâm thức để soi rạng lịch sử của cuộc chiến tranh này".
"Tôi để một nhân vật nói với người yêu: "Lịch sử là điều mà con người không thể thay đổi, đừng để lịch sử giày vò tương lai của chúng ta". Tôi viết lại chiến tranh để những bạn trẻ biết về quá khứ, từ đó ứng xử tốt với tương lai, và mơ ước cho hòa bình, sự tha thứ và tình yêu thương. Đó cũng là tinh thần chủ đạo xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm và trong chính đời sống của tôi" - nhà văn Nguyễn Một.