Vụ chìm tàu Titanic - Vẫn ám ảnh sau 112 năm
Tàu Titanic - con tàu từng được coi là không thể chìm - đã yên nghỉ dưới Bắc Đại Tây Dương vào ngày 15/4/1912, chỉ 4 ngày sau khi rời cảng Southampton (Anh) để tới New York City (Mỹ). Đã 112 năm trôi qua, nhưng những ám ảnh về nó vẫn còn đeo bám người ở lại.
Thực tế, bất chấp những nguy hiểm chết người, nhiều người vẫn khao khát được nhìn thấy sự tráng lệ một thời của tàu Titanic.
"Lớn nhất thế giới"
Vài năm trước khi Titanic hạ thủy, báo chí khắp thế giới đã hồi hộp dõi theo sự ra đời của một con tàu lớn nhất thế giới.
Titanic là chiếc thứ 2 trong bộ 3 tàu viễn dương Olympic, được nhà máy đóng tàu Harland & Wolff đóng cho hãng vận tải White Star Line đầu thế kỷ 20. Dư luận càng háo hức khi chiếc đầu tiên, Olympic, thực hiện thành công chuyến đi đầu tiên vào ngày 14/6/1911.
Các chuyên gia cho rằng Titanic chỉ lớn hơn Olympic khoảng 3 inch (gần 8cm) nhưng nặng hơn nhiều. Hai "chị em" khổng lồ này có trọng tải gần gấp rưỡi so với tàu Lusitania và Mauretania - vốn là những tàu giữ kỷ lục về trọng tải trước đó.
Tuy nhiên, trong bộ 3 này, chỉ có tàu Olympic có số phận suôn sẻ. Tàu hoạt động suốt 24 năm trước khi ngừng và bị "bán phế liệu" vào năm 1935. Còn lại, tàu "em út" Britannic từng mất tích trong Thế chiến I do trúng mìn trước khi được đưa đi phục vụ khách hàng. Với tàu Titanic, số phận bi thảm của nó hẳn ai cũng ít nhiều biết đến.
Titanic hạ thủy vào trưa 10/4/1912. Chỉ huy Titanic là Edward Smith, 62 tuổi, thuyền trưởng cấp cao nhất tại hãng White Star Line. Ông có 40 năm đi biển và từng chỉ huy tàu Olympic.
Dù vậy, đại đa số thủy thủ đoàn lại không phải thủy thủ được đào tạo chuyên sâu. Ngược lại, họ đa phần là những kỹ sư, lính cứu hỏa, thợ đốt lò chịu trách nhiệm chăm sóc động cơ; hoặc các quản lý và nhân viên bếp chịu trách nhiệm về hành khách. Chỉ có khoảng 5% trong số này là người có năng lực và kinh nghiệm hàng hải, bao gồm 6 sĩ quan canh gác và 39 thủy thủ. Tuy nhiên, phần lớn họ lại chưa có thời gian để làm quen với con tàu.
Vào ngày 14/4/1912, nhân viên điều hành vô tuyến của Titanic nhận được 6 tin nhắn cảnh báo về băng trôi từ các tàu khác. Tuy nhiên, điều hành đài đã không chuyển tiếp hết các tin nhắn này. Vào thời điểm đó, tất cả các nhà khai thác mạng không dây trên tàu viễn dương đều là nhân viên của công ty điện báo không dây Marconi chứ không phải thành viên thủy thủ đoàn trên tàu. Trách nhiệm chính của họ là gửi tin nhắn phục vụ hành khách, còn mối quan tâm thứ yếu mới là dự báo thời tiết.
Kết quả, nhiều cảnh báo quan trọng bị phớt lờ. Thêm nữa, các hãng tàu Bắc Đại Tây Dương thường ưu tiên đi đúng lộ trình, thời gian và coi những cảnh báo nguy hiểm là lời khuyên hơn là lời kêu gọi hành động. Chưa kể, người ta cũng tin băng trôi gây ra ít rủi ro, ngay cả va chạm trực diện cũng không phải thảm họa.
Vào lúc 23h39, người canh gác Frederick Fleet phát hiện ra tảng băng trôi trên đường đi của Titanic. Con tàu được rẽ hướng, tránh được va chạm trực diện nhưng vẫn bị tảng băng sượt qua mạn tàu, gây ra thảm kịch.
Thời điểm đó, ước tính có khoảng 2.224 người trên tàu Titanic. Con tàu chìm vào 2h20 sáng thứ Hai 15/4. Những người nhảy hoặc rơi xuống biển đều chết đuối hoặc chết vì lạnh. Khoảng 1 giờ rưỡi sau đó, tàu Carpathia mới tới nơi, cứu được 710 người. Như vậy, hơn 1.500 người đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic - 1 trong những thảm họa hàng hải thời bình bi thảm nhất lịch sử.
Chỉ ít phút sau khi hạ thủy vào trưa 10/4/1912, một vụ va chạm nhỏ suýt xảy ra giữa tàu Titanic và một tàu chở hàng Mỹ đang neo ở cùng bến cảng. Nhờ sự can thiệp của một chiếc tàu kéo gần đó, 2 con tàu đã được tách xa khi cách nhau chỉ hơn 1 mét.
Thảm kịch từ mong mỏi "nhìn lại Titanic"
Đã hơn 1 thế kỷ từ khi thảm kịch xảy ra, dường như những ám ảnh về tàu Titanic vẫn còn đó.
Phải 73 năm sau khi chìm, xác tàu Titanic mới được tìm thấy. Nhà hải dương học, sĩ quan hải quân Robert Ballard đã sử dụng tàu lặn điều khiển từ xa của mình để xác định vị trí tàu Titanic ở cách bờ biển Newfoundland (Canada)hơn 550km.
Việc phát hiện xác tàu vào năm 1985, cũng như việc bộ phim Titanic của James Cameron đoạt giải Oscar năm 1997 đã làm tăng sự quan tâm đến xác tàu, đặc biệt khi nó có thể sắp hoàn toàn tan rã. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các vi khuẩn dưới biển đang dần ăn mòn những gì còn lại của Titanic. Và một ước tính năm 2019 cho rằng con tàu có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2030.
Dù vậy, không phải dễ dàng để những người tò mò được trực tiếp nhìn thấy xác tàu. Tuy nói nhìn thấy Titanic là trải nghiệm "thay đổi cuộc sống", nhà thám hiểm Hagen cho rằng "không ai có đầu óc tỉnh táo mà không nhận ra rằng việc đi sâu 3 dặm dưới đại dương mang nguy cơ tử vong rất cao".
Bất chấp, vẫn có nhiều người tranh nhau chỗ để được đi tàu lặn Titan xuống xem Titanic. Không khác gì chuyến đi đầu tiên của tàu Titanic vào năm 1912, chuyến du ngoạn này trên tàu Titan hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm hồi hộp chỉ có 1 lần trong đời.
"Ở một thời điểm nào đó, an toàn chỉ là sự lãng phí thuần túy"- người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Ocean-Gate Expeditions, đơn vị đứng sau chuyến thám hiểm, Richard Stockton Rush, nói - "Nếu bạn chỉ muốn được an toàn, đừng ra khỏi giường".
Vào ngày 18/6/2023, Richard Stockton Rush cùng chuyên gia thợ lặn Titanic Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi, đã vào con tàu Titan để bắt đầu hành trình 2 tiếng rưỡi đi đến xác tàu Titanic. Tham gia cùng với họ là tỷ phú người Anh Shahzada Dawood (48 tuổi), con trai ông là Suleman (19 tuổi) và tỷ phú - nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding (58 tuổi). Những người này đã phải bỏ ra 250 ngàn USD để tham gia hành trình. Nhưng tất cả không bao giờ trở lại.
"Tôi bị chấn động vì điều này. Đó là sự tương đồng với thảm họa Titanic, khi thuyền trưởng của nó liên tục được cảnh báo nhưng vẫn lao hết tốc lực vào một vùng biển đầy băng tan trong một đêm không trăng" - đạo diễn Cameron bàng hoàng về thảm kịch tàu Titan.
Niềm tin và những bài học từ quá khứ
Hiện tại, hậu duệ của người sống sót sau vụ đắm tàu Titanic đang được nhắc đến tại một cuộc triển lãm ở Skokie, Illinois, Mỹ. Triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 7/7.
"Bà tôi thực sự chỉ là như một người bà bình thường. Bà không nói về tàu Titanic" - Linda Schwenzfeier, cháu gái của Bertha Lehmann, nói - "Trong suốt đời mình, bà không lên con thuyền nào nữa".
Linda Schwenzfeier và em họ Randy Luhrs đến từ Minnesota để tham dự buổi lễ. Hơn 1 thế kỷ trước, ở độ tuổi 17, bà của họ, Bertha Lehmann, từng sống sót sau thảm họa tàu Titanic khi trên đường di cư tới Iowa.
Randy Luhrs kể: "Khi con tàu bị đâm, ban đầu bà tôi không bận tâm lắm và tiếp tục ngủ. Sau đó, bà tỉnh dậy giữa tiếng người la hét nhưng lại không nói được tiếng Anh. Một trong những nhạc công trên tàu biết tiếng Pháp đã bảo bà tôi lấy áo phao, giúp bà mặc nó và đưa bà tới 1 trong những chiếc thuyền cứu sinh cuối cùng đang được hạ xuống".
Nhà sản xuất đằng sau cuộc triển lãm, Mark Lach, cho biết triển lãm nhằm gửi đi thông điệp về hy vọng và nhất là sự thận trọng. "Con tàu khởi đầu như một niềm tin, một sự lạc quan. Đó là con tàu không thể chìm. Nó sẽ thay đổi thế giới" - Lach nói - "Chúng ta phải luôn thận trọng và nhớ rằng cuộc sống có thể mong manh đến mức nào".
"Bà suýt nữa không thể rời khỏi con tàu đó. Nếu vậy, chị em tôi cũng sẽ không thể có mặt ở đây hôm nay" - Schwenzfeier nói - "Chúng tôi rất may mắn và luôn tri ân người nhạc công xưa. Ông biết rằng mình sẽ không thoát khỏi tàu nên đã dành thời gian để giúp bà tôi sống sót".
Lộng lẫy không gì sánh bằng
Tàu Titanic dài 269,1m; cao 53,3m và có trọng tải lên tới 52.310 tấn. Tàu có thể chở 3.547 người một cách thoải mái và được chế tạo với quy mô chưa từng có.
Chẳng hạn, động cơ của tàu là loại động cơ cơ học lớn nhất từng được chế tạo khi đó. Chỗ ở cho hành khách, đặc biệt là khoang hạng nhất, được cho là "có quy mô và lộng lẫy không gì sánh được". Trong đó, Parlor Suites - dãy phòng đắt tiền và sang trọng nhất trên tàu, có lối đi dạo riêng - có giá vé một chiều hơn 4,35 ngàn USD (tương đương 137 ngàn USD ngày nay) cho chuyến đi. Ngay các phòng hạng ba cũng được cho là "tốt một cách bất thường" so với tiêu chuẩn thời đó với các suất ăn dồi dào và nhiều tiện ích cho hành khách.
Dù vậy, theo nhiều người, việc chú trọng quá nhiều vào các tiện nghi phục vụ hành khách cũng là 1 trong những lý do khiến thảm họa tàu Titanic xảy ra.