Chữ và nghĩa: Nước máy và nước sạch

Nước máy là một khái niệm quen thuộc đối với những người dân đô thị trước đây và hiện nay còn được mở rộng tới nhiều vùng nông thôn khác. Ngày trước, ai đó được "ra tỉnh" (được sinh sống, làm việc ở các nơi đô thị) sẽ được sử dụng các tiện ích của "người ở phố". Được dùng nước máy để ăn uống, tắm rửa… là một điều mong nuốn (có khi là ao ước) đối với nhiều người.

Nước máy hoặc nước vòi, hoặc nước phông-tên (từ tiếng Pháp: Fontaine, chỉ các trụ nước, vòi nước công cộng ngoài phố) là loại nước đã xử lý thông qua một hệ thống các thiết bị lọc theo phương pháp công nghiệp. Sản phẩm này dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho các khu vực đô thị trên thế giới nói chung. Nước sau khi qua xử lý tại các nhà máy sẽ được đưa vào các đường ống dẫn đến nơi tiêu thụ, thông thường điểm cuối cùng là các vòi nước (công cộng hoặc tại gia).

Loại hình nước máy được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 rồi trở nên phổ biến trong thế kỷ 20. Việc áp dụng các công nghệ liên quan trong việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất và các công trình công cộng là một bước tiến lớn trong việc phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống...

Chữ và nghĩa: Nước máy và nước sạch - Ảnh 1.

Nước máy hoặc nước vòi, hoặc nước phông-tên là loại nước đã xử lý thông qua một hệ thống các thiết bị lọc theo phương pháp công nghiệp

Nói nước máy là có hàm ý so sánh với "nước không máy", tức là các loại nước tự nhiên (vốn có sẵn ở sông, hồ, ao, ngòi…). Nước máy chính là nước sạch và phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tiêu chuẩn, rồi cả pháp lý. Theo bản Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018/BYT, do Cục Quản lý môi trường y tế biên soạn, Vụ Pháp chế trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14-12-2018), nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người. Quy chuẩn kỹ thuật này yêu cầu nước sạch phải thỏa mãn tới 99 thông số (thông số cảm quan, thông số nhóm A, thông số nhóm B), như có chỉ số arsenic, clo dư, độ đục, màu sắc, mùi vị, độ pH, trực khuẩn, hàm lượng chì, kẽm, sắt, thủy ngân, fluo, antimon, xyanua… ở mức cho phép.

Để đảm bảo được chất lượng nước sạch (đã được xử lý qua máy) không mất nhiều thời gian và chi phí thấp thì yêu cầu phải có nguồn nước thô phù hợp (chứ không phải bất cứ loại nước tự nhiên nào). Thủ đô Hà Nội (một trong những thành phố đông dân nhất) đã phải lấy nguồn nước thô từ nước mặt sông Đà, nước mặt sông Hồng và một phần từ lượng nước ngầm trong lòng đất.

Tất nhiên, nước sạch không phải chỉ là loại nước sản xuất bằng máy móc. Các nguồn nước tự nhiên như nước mưa, nước suối, nước hồ, nước giếng (đặc biệt là giếng trên cao nguyên, nơi có đá ong) cũng có thể là nguồn nước sử dụng trực tiếp mà không nhất thiết qua xử lý. Cha ông ta bao đời nay vẫn sử dụng các loại nước có sẵn từ ao hồ, giếng làng, nước mưa… mà có sao đâu.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng khuyến cáo thì các nguồn nước tự nhiên cũng cần phải kiểm chứng (qua các thiết bị) kỹ thuật thì mới thực sự yên tâm khi sử dụng. Bản thân nước mưa (lấy từ trên trời xuống) cứ ngỡ là độ tinh khiết 100% (như nước cất) tưởng không phải băn khoăn gì thì theo các nhà khoa học, vẫn chưa phải là loại nước đảm bảo độ an toàn tuyệt đối (đặc biệt là trong điều kiện môi trường không khí đang bị ô nhiễm như hiện nay).

Nước trời cứ tưởng yên tâm

Vẫn còn có nỗi lo thầm đấy em!

PGS - TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH