Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - Bền bỉ cùng những âm thanh trong lành

Đây là người bạn lớn của thiếu nhi, vì anh đã viết hàng trăm ca khúc cho khán giả lứa tuổi này. Các bé có thể không biết hoặc không nhớ tênnhạc sĩ Lê Vinh Phúc, nhưng chắc chắngiai điệu những ca khúc như Thương lắm thầy cô ơi, Mẹ Âu Cơ, Người bảo vệ dễ thương, Chuông gió leng keng... không hề xa lạ với các em.

Trong số các sáng tác ấy, ca khúc Chuông gió leng keng đã đến với học sinh qua sách Âm nhạc 4, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Nguồn động viên từ những bạn nhỏ

Chuông gió leng keng được Lê Vinh Phúc sáng tác từ khoảng 20 năm trước. Vào thời điểm đó, anh thường bị ấn tượng bởi hình ảnh ngộ nghĩnh và âm thanh vui tai của những chiếc chuông gió đung đưa. Với anh, dù chiếc chuông gió đang treo được làm bằng chấu liệu gì: Tre, đồng, đất sét nung, hoặc gốm sứ, thủy tinh... thì mỗi khi đón làn gió đi qua, chúng đều vang lên những giai điệu vui vẻ, rất phù hợp với trẻ em.

Ca khúc được viết bằng giọng trưởng, nhịp 2/4, đem lại màu sắc tươi sáng tích cực và liên 3 đơn xuất hiện, lặp lại ở đoạn 2 và 3, tạo hiệu ứng âm thanh chuông gió, với nhịp điệu rộn rã, reo vui.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - Bền bỉ cùng những âm thanh trong lành - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc

Ca khúc lần đầu tiên đến với công chúng qua phần biểu diễn của đội Sơn Ca, Nhà thiếu nhi quận 1 (TP.HCM), được ghi hình phát trên Đài Truyền hình TP.HCM. Sau đó, khá nhiều ca sĩ nhí và các đội ca thiếu nhi biểu diễn, thu âm với hình thức đơn ca hoặc tốp ca. Điều đó cho thấy, ca khúc này ra đời và nhanh chóng được công chúng đón nhận. Với nhạc sĩ Lê Vinh Phúc, tiếng chuông gió là âm thanh trong lành, tựa như tuổi thơ trong lành.Ông cũng mong sự trong lành xuất hiện muôn nơi, như những gửi gắm trong ca từ: "Leng keng, leng keng, vang xa, vang xa/Chuông gió là bài ca vui cho mọi nhà"...

Lê Vinh Phúc có gần 40 năm công tác tại Nhà thiếu nhi quận 1 và quận 3 (TP.HCM), bên cạnh việc giảng dạy tại Nhạc viện TP.HCM, nên ngoài kỹ năng sáng tác, ông còn có sự gắn bó, yêu và hiểu các bé. Vậy nên, nếu gọi anh là người bạn lớn của các em thì chính các em cũng là những người bạn nhỏ của anh.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - Bền bỉ cùng những âm thanh trong lành - Ảnh 2.

Trang sách có ca khúc “Chuông gió leng keng”

"Khi nghe ai gọi mình là nhạc sĩ thiếu nhi, tôi đều thấy hạnh phúc. Các bé là nguồn động viên rất tốt cho tinh thần sáng tác. Tôi đã dành một quãng đời dài để viết các ca khúc thiếu nhi và sẽ còn viết mãi cho đến khi không còn cầm bút được nữa. Niềm cảm hứng về lứa tuổi ấy trong tôi chưa bao giờ vơi cạn", tác giả Chuông gió leng keng chia sẻ.

"Đến mùa Hè năm sau, tôi lại ngắm mưa và thấy những cơn mưa sao đẹp quá, bèn nhớ ra những giai điệu đã viết năm ngoái, còn chưa xong, nên viết tiếp" - nhạc sĩ Lê Vinh Phúc nói về "Cơn mưa mùa Hè".

Kỷ niệm khó quên về những ca khúc

Khi được hỏi về các sáng tác, Lê Vinh Phúc như có dịp hồi tưởng về những ca khúc của mình và miên man trong miền ký ức.

Anh kể về những ngày viết ca khúc Hè về mưa rơi cách đây đã 35 năm. Khi ấy (năm 1987), đang là sinh viên Nhạc viện TP.HCM, trên đường đi học về gặp cơn mưa mùa Hè nên tấp vào trú trong một quán cà phê khu hồ Con Rùa. Anh ngắm mưa và rút tờ giấy viết vội lại dòng cảm xúc đó. Đến mùa Hè năm sau, anh lại ngắm mưa và thấy những cơn mưa sao đẹp quá, bèn nhớ ra những giai điệu đã viết năm ngoái, còn chưa xong, nên viết tiếp.

Ca khúc này sau đó được biểu diễn trên nhiều sân khấu thiếu nhi và thường được các đội ca dàn dựng trong các cuộc thi âm nhạc. Lê Vinh Phúc nói rằng sau khi ca khúc ra đời, mỗi lần ngồi chấm thi, nghe các bé hát bài này, anh đều cảm động.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - Bền bỉ cùng những âm thanh trong lành - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc (trái) với nữ ca sĩ Như Quỳnh (học trò cũ) trong bức hình kỷ niệm

Một kỷ niệm khác gắn vớica khúc Nhớ con. Năm 2017, con gái lớn của anh được học bổng piano ở Pháp. Ngày ra sân bay tiễn con đi học, cảm xúc của anh thật khó tả: Vừa vui, vừa bùi ngùi, xót xa và lo lắng cho con một mình ở xứ lạ. Cảm giác ấy theo anh suốt 2 tháng, đến khi ca khúc ra đời, chia sẻ tâm trạng chung của những đấng sinh thành dành cho con cái: "Dù rằng mùa Đông nhiều băng giá/Lòng này mẹ cha là tia nắng/Mãi luôn sưởi ấm con".

Lê Vinh Phúc không chỉ sáng tác cho trẻ em, anh có viết nhiều cho người lớn. Những giai điệu nhẹ nhàng, mộc mạc, đã được đông đảo khán giả đón nhận, như Nhớ quê, Cho những ai còn mẹ...

Một điểm dễ nhận thấy từ hàng trăm ca khúc của anh, dù viết cho thiếu nhi hoặc người lớn, thì luôn có những nốt nhạc và ca từ tươi sáng, không nhuốm màu bi lụy. Có lẽ gần 40 năm công tác ở các nhà thiếu nhi và sáng tác cho các em, nên anh tập cho mình thói quen hướng đến niềm lạc quan trong khi viết.

Từ chàng trai thôn quê mê nhạc cổ điển

Lê Vinh Phúc kể: "Thuở nhỏ, tôi sống ở Quảng Ngãi, nhưng không hiểu sao mới học mẫu giáo tôi đã thích nghe nhạc cổ điển một cách lạ kỳ. Hồi ấy, những năm trước 1975, ở một làng quê nghèo, tôi chỉ có thể nghe nhạc trên radio. Trên đường đi, hễ đến đoạn nào có nhạc cổ điển được phát ra là tôi đều dừng lại nghe và lần nào cũng có cảm giác rất lạ".

Ba mẹ anh là những người lao động bình thường, nên cách Lê Vinh Phúc yêu âm nhạc và muốn theo đuổi bộ môn này nằm ngoài sự tưởng tượng và hiểu biết của những con người lam lũ. "Tôi muốn học nhạc, điều này quá xa lạ với ba mẹ tôi", anh chia sẻ.

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc - Bền bỉ cùng những âm thanh trong lành - Ảnh 5.

Nhưng có lẽ âm nhạc đã chọn anh! Năm học lớp 8, anh theo vài người trong gia đình vào Sài Gòn vì những biến cố trong chiến tranh. Tại đây, anh được một nhạc sĩ nhận dạy guitar cổ điển. Với anh, đây là một niềm mơ ước. Được thầy nhận dạy, chàng tuổi trẻ Lê Vinh Phúc ngày ấy mừng như thi đậu đại học.

"Nhưng tiền đâu để học?" là câu hỏi khiến anh đau đầu. Anh để dành tiền ăn sáng, lén gia đình đi học đàn. Sau một thời gian, người anh trai phát hiện, liền đem cây đàn đi vứt, vì muốn em mình toàn tâm cho việc học.

Đó là một cú sốc với chàng trai mới lớn. Anh học hành chểnh mảng, vì nhớ nhung những ngày ôm guitar luyện tập 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Thi rớt đại học, anh chán nản, nên xin gia đình về lại Quảng Ngãi.

Tưởng đâu chuyện học nhạc đã khép lại, ngờ đâu niềm đam mê lại một lần nữa được chắp cánh. Một người anh họ đã để dành tiền mua tặng Lê Vinh Phúc một cây đàn. Từ đó, một góc của miền quê thanh vắng mỗi ngày lại vang lên tiếng đàn của anh.

Một niềm vui khác, lớn hơn, khi một người trong họ giới thiệu anh thi vào Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM vào năm 1982. Sự nghiệp âm nhạc của anh đã bắt đầu suôn sẻ hơn. Sau 3 năm học, anh tốt nghiệp và được về công tác ở Nhà Thiếu nhi quận 1. Đó là những ngày tháng anh ngập tràn trong hạnh phúc, vì mới ra trường đã có được công việc yêu thích.

Sau đó, anh tiếp tục học Khoa Sáng tác ở Nhạc viện TP.HCM, song song với công tác ở các nhà thiếu nhi.

Rất nhiều ca sĩ nhí đã được anh đào tạo trong quá trình công tác của mình và sau này trở thành những cái tên rất nổi tiếng như ca sĩ Như Quỳnh, nhóm Tam ca Áo trắng, Hiền Thục, Quang Vinh... Dịp 20/11 hằng năm, nhiều học trò cũ đã mời anh gặp mặt. Thầy trò được ấm áp ôn lại những kỷ niệm xưa luôn làm cho anh thấy công việc của mình có nhiều ý nghĩa.

Hiện tại, Lê Vinh Phúc đã về hưu. Tưởng rằng sự nghiệp âm nhạc của anh đã hoàn thành, con cái theo học nhạc như mong muốn, đã viên mãn, nhưng anh nói mình còn nhiều ấp ủ. Vừa ngoài tuổi 60, quá sớm để một nhạc sĩ phải dừng lại. Anh muốn tập trung viết khí nhạc, opera.

Hỏi anh rằng, đó là mong muốn để chứng minh rằng mình được đào tạo bài bản? Anh nói chẳng muốn chứng minh điều gì, chỉ mong muốn đóng góp vào mảng khí nhạc đang còn yếu của Việt Nam. Anh mơ về một ngày, rất nhiều bản giao hưởng và opera của Việt Nam, cả cũ và mới, thường xuyên được biểu diễn ở các nhà hát, đến gần hơn với công chúng.

Vài nét về nhạc sĩ Lê Vinh Phúc

Nhạc sĩ Lê Vinh Phúc sinh năm 1962 tại Quảng Ngãi, hiện sống tại TP.HCM. Từng là giảng viên Khoa Sáng tác, Nhạc viện TP.HCM, hiện nay vẫn còn dạy thỉnh giảng.

Anh sáng tác khá đa dạng (ca khúc, opera, nhạc múa) và dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ.

Các giải thưởng:

- Giải Nhì (không có giải Nhất) Hội Nhạc sĩ Việt Nam với hợp xướng Tình yêu hòa bình

- Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với vở opera Bạch tuyết và bảy chú lùn

- Nhiều lần nhận giải Nhất của Hội Âm nhạc TP.HCM với các tác phẩm: Bác nông dân và con trâu đen, Em hát về Trường Sa, Vui cùng cà kheo...

Nếu chỉ biết Lê Vinh Phúc là giảng viên Khoa Sáng tác, Nhạc viện TP.HCM, ca sĩ Thanh Nga - vợ anh - là giảng viên Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện TP.HCM, con gái lớn đang học piano ở Pháp và con gái nhỏ vừa tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM, hẳn nhiều người sẽ nghĩ anh xuất thân trong gia đình có truyền thống về âm nhạc. Thực ra, ba mẹ anh không ai theo lĩnh vực này.

Lâm Hạnh

Link gốc: TTVH