Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế (Bài 1): Những thay đổi từ cuộc di dân lịch sử

Quần thể di tích Cố đô Huế là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Với sự hỗ trợ của Trung ương, từ năm 2019 - 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời hơn 5.000 hộ dân đang sinh sống trong khu vực I, hệ thống Kinh thành Huế theo Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1).

Phát huy những kết quả đã đạt được, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 (2023 - 2025), điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án để di dời các hộ dân tại khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế nằm ngoài Kinh thành Huế và áp dụng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như thực hiện trong giai đoạn 1.

Phóng viên TTXVN tại Thừa Thiên - Huế thực hiện chùm hai bài viết nhìn lại kết quả, kinh nghiệm và bài học trong thực hiện quá trình di dân lịch sử giai đoạn 1; ý nghĩa cấp thiết của việc thực hiện giai đoạn 2; việc tiếp nhận, khai thác sử dụng hiệu quả mặt bằng sau khi người dân đã di dời.

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm. Được sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực của Đảng, Nhà nước, từ năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện Đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế". Cuộc di dân lịch sử này đã mở ra một trang mới cho hàng ngàn hộ dân sống trên đất di tích nhiều năm, đồng thời tạo diện mạo mới cho đô thị thành phố Huế.

Cuộc sống mới, tươi sáng hơn

Sáng sớm, vợ chồng ông Lê Viết Cao Nguyên (57 tuổi, Tổ dân phố 3, Khu tái định cư phường Hương Sơ, thành phố Huế) đã bắt đầu dọn dẹp những bộ bàn ghế ra trước sân nhà, tất bật chuẩn bị đón khách đến uống nước, giải khát. Đây là điều mà 4 năm về trước vợ chồng ông Nguyên không bao giờ làm được trong khuôn viên ngôi nhà cũ cấp 4 của mình tại phường Thuận Lộc, khu vực Kinh thành Huế.

Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế, một chặng đường mới: * Bài 1: Những thay đổi từ cuộc di dân lịch sử - Ảnh 1.

Những nhà dân trong khu vực lăng vua Dục Đức (thuộc diện di dời giai đoạn 2) đã xuống cấp, thiếu an toàn, gây mất mĩ quan cho thành phố Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Nhắc đến ngôi nhà cũ vỏn vẹn 32m2 của mình, ông Nguyên bộc bạch, lắm khi ông muốn mua một bộ bàn ghế tươm tất đón khách hay chiếc xe máy để tiện di chuyển nhưng rồi cũng chịu chỉ vì nhà quá bé, đến chỗ nằm ngủ của 7 người trong gia đình không đủ. Giờ ông vô cùng vui sướng vì đã có nhà cao, cửa rộng và khuôn viên rộng rãi để có thể mở hàng quán kiếm thêm thu nhập.

Cách nhà ông Nguyên không xa, gia đình ông Lê Viết Thiện (Tổ trưởng Tổ dân phố 3, anh trai ông Nguyên) cũng đã có cuộc sống ổn định trong căn nhà mới khang trang. Hai anh em ông là những hộ dân xung phong di dời đầu tiên trong giai đoạn 1 Đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế". Cả hai đều thấy đó là quyết định quan trọng, đúng đắn nhất trong cuộc đời.

"Ở tuổi này, sở hữu được mảnh đất, căn nhà kiên cố, con cháu có nơi vui chơi, học tập, đối với chúng tôi như trúng độc đắc vậy. Ra đây, chúng tôi được chính quyền quan tâm tạo điều kiện vay vốn xây nhà, kinh doanh, sản xuất. Hơn 300 hộ dân Tổ dân phố 3 đều rất hoan nghênh và ủng hộ chính sách di dời này của Nhà nước" - ông Thiện phấn khởi chia sẻ.

Trước đó, do phải sống trên đất di tích, các hộ dân sống trong khu vực thuộc diện di dời không được phép nâng cấp, xây dựng nhà ở. Nhiều hộ đông người phải chịu cảnh sống trong những căn nhà tạm bợ, không đảm bảo kết cấu và vệ sinh môi trường. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên tinh thần có lợi nhất cho người dân. Đề án đã mở được nút thắt khó khăn về nguồn kinh phí giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung mọi nỗ lực để thực hiện cuộc di dân lịch sử khu vực Kinh thành Huế. Trong giai đoạn 1 của Đề án, địa phương đã thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng và hoàn thành xây dựng 10 khu tái định cư với tổng diện tích gần 83 ha để bố trí, sắp xếp chỗ ở mới cho các hộ dân phải di dời theo quy định.

Giờ đây, những xóm nghèo sống cheo leo, nương nhờ vào di tích đã trở thành ký ức. Cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đang bước sang một trang mới, tươi sáng hơn.

Bàn giao, chỉnh trang mặt bằng còn chậm

Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Việc di dời dân cư khỏi khu vực di tích, trả lại giá trị nguyên vẹn của di sản là nhiệm vụ đã được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt ra từ lâu. Được Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, đồng bộ về cơ chế và hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, từ năm 2019 đến nay, việc triển khai giai đoạn 1 Đề án đã cơ bản thành công. Hàng nghìn hộ dân của 9/11 khu vực thuộc diện di dời giai đoạn 1 đã xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống ở nơi ở mới với cơ sở hạ tầng khang trang.

Di dời dân cư trong Quần thể di tích Cố đô Huế, một chặng đường mới: * Bài 1: Những thay đổi từ cuộc di dân lịch sử - Ảnh 2.

Khu phố mới của người dân từng sống “treo” trên đất di tích với đầy đủ cơ sở hạ tầng khang trang. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Tuy nhiên, quá trình bàn giao mặt bằng của người dân diễn ra vẫn còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Dọc tuyến đường Xuân 68 khu vực Thượng Thành, vài hộ dân đang sống tạm bợ, chưa bàn giao mặt bằng cho chính quyền. Một số người chưa thống nhất được phương án đền bù, một số khác giải thích không đủ khả năng nộp tiền để nhận đất tái định cư.

Sau khi người dân bỏ lại "bãi chiến trường", các lực lượng tình nguyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân dọn dẹp, chỉnh trang nhưng đến nay, cỏ dại đã mọc um tùm, cao gần nửa người dọc khu vực bờ thành, pháo đài Nam Xương Kinh thành Huế. Phức tạp hơn, những ngôi nhà bị tháo dỡ, đập phá ngổn ngang trở thành nơi hút chích lý tưởng cho những "con nghiện"; gây mất mỹ quan cho đô thị Huế.

Bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ người dân, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế Đặng Minh Thắng lý giải, sự tác động của COVID-19 trong hai năm 2020 - 2021 và khối lượng công việc quá lớn đã làm chậm tiến độ bàn giao, chỉnh trang mặt bằng ở các khu vực giải tỏa. Mặt khác, đơn vị gặp nhiều vướng mắc liên quan đến xét bố trí tái định cư; bồi thường, hỗ trợ các hộ đang sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

"Với những hồ sơ có số nhân khẩu quá lớn trên diện tích đền bù quá nhỏ, Trung tâm đã rà soát, xin ý kiến các ban, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện bố trí tái định cư theo quy định. Song song đó, đơn vị đang nỗ lực giải quyết các vướng mắc, thống nhất phương án di dời, đền bù cho các hộ dân chậm bàn giao; phấn đấu cuối năm 2023, việc tái định cư cho các hộ dân thuộc hai khu vực Xiển Võ Từ và Thượng Thư đường Bộ Công (Lục Bộ) sẽ được phê duyệt, để sớm hoàn thành giai đoạn 1 của đề án và tiếp tục triển khai giai đoạn 2" - Ông Đặng Minh Thắng chia sẻ.

Diện tích mặt bằng được hoàn trả từ giai đoạn 1 của Đề án rất lớn. Riêng khu vực Mang Cá là khoảng 42 ha; khu vực Thượng Thành, Eo bầu, tuyến Phòng Lộ trên 20 ha… Mặt bằng bàn giao sẽ tiếp tục được mở rộng và trải dài qua nhiều phường của thành phố Huế. Đây là một bài toán khó cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trong việc phân cấp quản lý, khai thác các địa điểm di tích, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một đề án cụ thể.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, diện tích mặt bằng rộng lớn này cần được quản lý tập trung và trùng tu thống nhất bởi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Quá trình chỉ đạo di dời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và chính quyền, người dân sinh sống trong các khu vực, phường thuộc diện di dời. Việc khai thác di tích sẽ được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và chính quyền địa phương để phòng, chống sự lấn chiếm, sử dụng trái phép di tích.

Đề án "Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế" sẽ là "bàn đạp" tạo đà phát triển toàn diện cho Cố đô Huế trong tiến trình tiến đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mai Trang - Tường Vi/TTXVN

Link gốc: TTVH