'Thời hoàng kim' của người lao động tại các nước giàu
Vào giữa những năm 2010, người lao động đối mặt với giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009 với khoảng 7% lực lượng lao động tại các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thiếu việc làm, tăng trưởng tiền lương yếu và bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Tuy nhiên, giờ đây mọi sự đã thay đổi.
Khan hiếm lao động trong xã hội già hóa
Theo tờ The Economist, người lao động tại các quốc gia giàu có đang tận hưởng "thời kỳ hoàng kim" khi xã hội đang già đi, lao động ngày càng khan hiếm và được trả lương cao, đặc biệt là công việc thủ công khó thay thế bằng công nghệ. Để điều hành nền kinh tế nóng, các chính phủ đang tăng chi, hỗ trợ nhu cầu tăng lương và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp diễn.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp người lao động, đặc biệt là lao động tay nghề thấp, tăng năng suất, dẫn đến mức lương cao hơn. Ở những nơi khan hiếm lao động, việc sử dụng công nghệ giúp người lao động được nhận lương cao hơn. Kết quả là diễn ra sự chuyển đổi trên thị trường lao động.
Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang giảm, trong khi các nước nghèo khác đang nỗ lực xây dựng năng lực công nghiệp và những bất ổn địa chính trị đang khiến sản xuất gia công trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thế giới giàu có cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động với số người trong độ tuổi 20-54 (có khả năng lao động chân tay) suy giảm. Một khảo sát do công ty nhân sự ManpowerGroup thực hiện tại 41 quốc gia cho thấy 77% công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, cao gấp đôi so với năm 2015. Tại Đức, các dịch vụ giao thông công cộng giảm do thiếu tài xế xe buýt và lái tàu. Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người già làm việc do thiếu lao động: khoảng 59% số người ở độ tuổi 55-79 tuổi làm việc, so với mức 53% trong thập kỷ trước.
Lao động trở nên quý đến mức các doanh nghiệp bắt đầu tìm cách giữ nhân lực. Một khảo sát tại các công ty nhỏ của Mỹ cho thấy hơn 90% tìm cách giữ chân nhân viên nếu có thể. Tại Đức, khoảng 730.000 vị trí tuyển dụng được quảng cáo tại các trung tâm việc làm, mức gần cao kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3%.
Hầu hết các quốc gia OECD, trong đó có Mỹ và Pháp, đã cố gắng duy trì hoặc thậm chí tăng lương tối thiểu theo giá trị thực trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Các quốc gia giàu cũng chi hàng nghìn tỷ USD nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tạo việc làm, mang đến lợi thế về lương cho người lao động trong các ngành công nghiệp được bảo hộ.
Các chuyên gia nhận định, với xã hội già đi, biến đổi khí hậu và bất ổn địa chính trị, các chính phủ khó có thể sớm thắt chặt chi tiêu. Trong khi các ngân hàng trung ương, dù muốn giảm lạm phát, sẽ không muốn đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu và mức tăng giá thấp như trong những năm 2010. Điều này đã mang lại lợi ích cho người lao động.
Trong một nghiên cứu mới đây, ông David Autor và đồng nghiệp tại MIT đã chứng minh thị trường lao động thắt chặt tại Mỹ đang dẫn đến tăng trưởng tiền lương nhanh khi người lao động đổi việc để được trả lương cao hơn. Xu hướng tương tự đang diễn ra tại các nước giàu. Theo thống kê của Cơ quan việc làm của Đức, trong năm 2023 đã có thêm 48 ngành nghề được bổ sung vào danh sách 152 ngành nghề thiếu lao động nghiêm trọng. Các ngành này hầu hết yêu cầu trình độ kỹ thuật, thay vì trình độ học thuật, trong đó ngành xây dựng và chăm sóc sức khỏe đối mặt tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhất. Nhật Bản, quốc gia ghi nhận mức lương tăng nhanh nhất trong vòng ba thập kỷ, đang cấp thị thực có thời hạn cho người lao động trong hàng chục lĩnh vực, gồm chế tạo máy móc và đóng tàu, trong khi lương trả cho những người có trình độ đại học đang giảm và hiện có khả năng giảm nhanh hơn.
Thị trường lao động thắt chặt cũng khuyến khích các công đoàn yêu cầu thêm giờ nghỉ. Công nhân ngành thép ở Đức sẽ yêu cầu thời gian làm việc 32 giờ/tuần trong các cuộc đàm phán sắp tới, so với mức 35 giờ/tuần hiện nay. Tại Tây Ban Nha, chính phủ mới muốn giảm thời gian làm việc 40 giờ/tuần xuống còn 37,5 giờ/tuần.
Thời đại của AI
Nhiều nhà tuyển dụng hy vọng máy tính sẽ giải quyết vấn đề này. AI có thể thực hiện các công việc đòi hỏi sự sáng tạo và ứng biến mà máy móc trước đây không làm được. Một nghiên cứu của Đại học Carnegie Mellon, sử dụng dữ liệu bằng sáng chế tại Mỹ từ năm 1990-2018, cho thấy các công ty đổi mới các dạng AI cơ bản có mức tăng trưởng việc làm cao hơn 25% và tăng trưởng doanh thu cao hơn 40% so với các công ty tương tự khác.
Một khảo sát của OECD cũng cho thấy, khoảng 80% nhân viên trong ngành sản xuất và dịch vụ tài chính sử dụng AI cho biết AI giúp cải thiện sản lượng cũng như điều kiện làm việc.
Các chuyên gia cho rằng AI sẽ mang lại cho nhiều người công việc chuyên gia với mức lương cao hơn, như các y tá sẽ thực hiện một số nghiệp vụ của bác sĩ hay những lập trình viên có thể thực hiện các công việc phức tạp hơn với sự trợ giúp của AI. Một bằng chứng là thu nhập hàng tháng của các dịch giả hoặc biên tập viên tự do đã giảm 5,2% với sự xuất hiện của ChatGPT.
Nếu nhu cầu tăng mạnh trong khi giá giảm, những người làm công việc bị ảnh hưởng bởi AI có thể hưởng lợi từ năng suất cao hơn: họ có thể phục vụ nhiều khách hàng hơn, ngay cả khi được trả ít hơn. Và năng suất cao sẽ làm tăng nhu cầu. Ví dụ, việc sử dụng robot để sản xuất điện thoại dẫn đến chi phí sản xuất thấp hơn, khiến giá rẻ hơn, vì vậy tăng nhu cầu và kết quả là sản xuất tăng.
Một nền kinh tế hiệu quả là nền kinh tế giàu hơn, tạo ra nhu cầu lao động cũng như nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ ít chịu tác động của AI. Theo ông Acemoglu và Pascual Restrepo tại Đại học Boston, việc làm mới chiếm 50% mức tăng trưởng việc làm trong giai đoạn 1980-2010.
Quá trình này sẽ tiếp tục và có thể tăng tốc. Mặc dù AI sẽ thay thế người lao động, sẽ có những việc làm mới liên quan tới AI được tạo ra. Và các công việc mới không nhất thiết yêu cầu các kỹ năng kỹ năng kỹ thuật số mà là những kỹ năng bổ sung tốt nhất cho AI.
Bà Melanie Arntz từ Đại học Heidelberg cho biết, tiến bộ công nghệ đã thay thế những công việc thông thường, như lao động chân tay vào những năm 1970, sau đó là công việc văn phòng vào những năm 1990. Với cuộc cách mạng AI, những người có trình độ chuyên môn thấp hơn đã được hưởng lợi, như có thể thấy trong các ngành như chăm sóc sức khỏe và các ngành công nghiệp xanh mới khi các công ty nỗ lực thu hút nhân lực bằng mức lương cao hơn.
Những nơi có dân số già nhanh sẽ thiếu hụt lao động, đặc biệt là những ngành nghề đòi hỏi lao động chân tay. Chừng nào các chính sách vĩ mô còn mở rộng thì áp lực tăng lương sẽ vẫn còn, vì vậy thúc đẩy việc sử dụng AI, khiến tiền lương được nâng lên. Các chính phủ sẽ cần dỡ bỏ các rào cản trong các ngành nghề như chăm sóc sức khỏe để người lao động có thể được hưởng những lợi ích này.