Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16-2023: Đạo diễn Đặng Nhật Minh được vinh danh Giải thưởng Lớn
Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 16 năm 2023.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, nhằm trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thấm đượm tình yêu Hà Nội. Hội đồng giám khảo do nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội làm Chủ tịch, cùng các thành viên gồm: Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN; GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
Từ 31 hồ sơ đề cử ban đầu, qua các vòng sơ khảo, chung khảo, Hội đồng giám khảo đã thông qua Danh sách đề cử chính thức và các Giải thưởng năm nay, gồm 11 đề cử, trên 4 hạng mục. Trong đó riêng hạng mục giải Tác phẩm có tới 4 đề cử. Điều đó phản ánh sự phong phú và chất lượng nổi trội của các tác phẩm, công trình "vì tình yêu Hà Nội" được công bố trong thời gian qua.
DANH SÁCH ĐỀ CỬ GIẢI BÙI XUÂN PHÁI – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 16 – 2023
(Xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm, ý tưởng, việc làm)
I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh
II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 4 đề cử
1. Cuốn Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành)
2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
3. Cuốn Hà Nội chuyện xưa phố cũ của Tạ Thu Phong (NXB Hà Nội)
4. Cuốn Hà Nội đây chứ đâu của Đỗ Đức (NXB Hội Nhà văn)
III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử
1. Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức
2. Việc trùng tu di tích Cổng trại Bảo An Binh do Bộ Công an và UBND TP Hà Nội phối hợp thực hiện
3. Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối Công viên Thống Nhất do Công ty ICEP - Hanoi Classy phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất tổ chức
IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử
1. Dự án số hóa Có một Ba Vì như thế của nhóm Enter Việt Nam
2. Hai cuộc thi gắn với thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại không gian Hồ Gươm của Quỹ AIF và của dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" cùng Viglacera và UBND Quận Hoàn Kiếm thực hiện
3. Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội
Chi tiết về các đề cử như sau:
I. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI:
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được trao Giải thưởng Lớn vì đã có những cống hiến xuất sắc cho Hà Nội bằng những tác phẩm điện ảnh và văn học thấm đẫm giá trị lịch sử và nhân văn về Hà Nội.
Theo truyền thống của giải, mỗi năm, mặc dù xét trên một danh sách gồm nhiều ứng viên ở hạng mục quan trọng nhất này, nhưng HĐGK chỉ công bố duy nhất 1 đề cử Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội và trao giải cho đề cử đó.
Đây cũng là hạng mục quan trọng nhất của Giải, được trao hằng năm cho người "có những cống hiến suốt đời cho Hà Nội bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm xuất sắc, bằng sự gắn bó máu thịt với Hà Nội trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình" - như Quy chế của Giải quy định.
Trải qua 14 mùa giải đã có những tên tuổi sau được nhận Giải thưởng Lớn: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020), nhạc sĩ Hồng Đăng (2021), đạo diễn Trần Văn Thủy (2023).
"Bây giờ đã đến tháng Mười" và chúng ta cũng vừa thấy có rất nhiều tin vui đến với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim được xem là cuối cùng của ông - phim Hoa nhài, dự LHP Quốc tế Hà Nội vào năm ngoái - đã chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào và tình yêu Hà Nội bền bỉ, xuyên thời gian của vị đạo diễn gạo cội này. Ngay tối nay (5/10) tại rạp Dcine ở TP.HCM sẽ diễn ra buổi chiếu mở đầu của tháng phim mang tên "Bây giờ đã đến tháng Mười", giới thiệu 9 bộ phim nổi tiếng làm nên sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy của ông. Bộ phim mở màn của tháng phim này đương nhiên phải là "Bao giờ cho đến tháng Mười" - một kiệt tác thấm đẫm giá trị nhân văn, đi vào lòng người, đến nỗi ngay tên bộ phim cũng đã thành câu cửa miệng của nhiều thế hệ.
Giờ đây, tháng Mười này còn có một tin vui nữa, được công bố trong buổi lễ hôm nay: Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục cao quý nhất của Giải Bùi Xuân Phái, đã vinh danh đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
Quả thật, nhắc đến Đặng Nhật Minh, ta nghĩ ngay đến Bao giờ cho đến tháng Mười (1985) rồi Thương nhớ đồng quê (1995)… Đó là những tác phẩm đã đưa tên tuổi ông vươn tầm thế giới.
Thế nhưng sự nghiệp điện ảnh đồ sộ của Đặng Nhật Minh không chỉ có thế. Ông còn có những tác phẩm quan trọng khác như Trở về (1994), Hà Nội mùa đông năm 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009),… và mới nhất là Hoa nhài (2022). Đó là những bộ phim mà ít hay nhiều, đậm đặc hay phảng phất, chủ đề Hà Nội đều xuất hiện và được Đặng Nhật Minh khai thác ở nhiều chiều kích, từ thời cuộc cho đến con người. Để rồi dấu ấn Hà Nội trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp từ văn chương đến điện ảnh của Đặng Nhật Minh với những tác phẩm đi cùng năm tháng và thực sự Hà Nội.
Như ông giãi bày: "Hà Nội thân thương với tôi như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào tôi phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội. Với Huế, tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi - một người làm điện ảnh cho đến hôm nay đều bởi Hà Nội".
Hà Nội đã chứng kiến Đặng Nhật Minh trưởng thành. Nhưng Đặng Nhật Minh cũng là người tường tận biết bao sự thay đổi của Hà Nội. Cứ thế với những gắn bó và thấu hiểu, từng giai đoạn của Hà Nội đã trở thành những thời để nhớ trên phim của Đặng Nhật Minh. Điển hình có thể kể tới chùm 3 phim Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi và Hoa nhài.
Đó là Hà Nội của một thời "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong Hà Nội mùa đông năm 46. Rồi một Hà Nội biến động của thời kỳ sau giải phóng Thủ đô cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước với công cuộc cải tạo nhà đất trong Mùa ổi. Đến Hoa nhài là một Hà Nội đương đại, nơi tụ hội bốn phương đổ về sinh sống, làm ăn với đủ những phức tạp trong các mối quan hệ xã hội. Nhưng Hà Nội vẫn hiện lên đậm chất nhân văn, chứa đựng những yêu thương, đùm bọc giữa người với người, và trở thành nơi chốn nâng đỡ bao phận đời.
Dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh - mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn. Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là một duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều. Đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế".
Ở chiều sâu, những bộ phim như Hà Nội mùa đông năm 46, Mùa ổi, Hoa nhài, cùng với cả Đừng đốt, Trở về, Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội.
Điển hình là Loan trong Trở về, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong Đừng đốt, một người con gái Hà Nội mang trong mình những vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Theo lời của đạo diễn Đặng Nhật Minh, làm phim về Hà Nội, cái quan trọng nhất là nói được cái bên trong của con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội. "Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn".
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Thừa Thiên Huế. Ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1993, được vinh danh giải thưởng "Thành tựu trọn đời" vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan Phim quốc tế Gwangju 2005. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh cho các tác phẩm: Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười, Hà Nội mùa đông năm 46 và Mùa ổi. Năm 2016, ông được Hà Nội vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú". Năm 2022, ông được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật cao quý của Pháp.
II. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 4 đề cử
1. Cuốn sách "Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ" của Hồ Công Thiết (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành)
Nếu thoáng qua Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ (NXB Lao Động và Chibooks ấn hành) của ông, sẽ chỉ thấy toàn chuyện vụn vặt. Có những câu chuyện được tác giả kể chỉ vài ba trang. Nhưng cũng chỉ cần có thế cũng đủ để tác giả Hồ Công Thiết (1952 - 2023) dựng nên đời sống đặc biệt của một con phố Hà Nội, nơi ông gắn bó cả đời mình.
Mở đầu sách bằng chùm bài Muôn gánh mưu sinh, ông kể về đủ nghề kiếm sống có trên con phố Hàng Bột thời bao cấp. Mỗi nghề lại gắn với từng người Hàng Bột cụ thể. Nào từ chuyện Anh Trung giò chả, Cháo gà bà Bi, Bánh cuốn bà Quảng, Bún chả bà Ba, Phở Tuyết Hàng Bột cho đến chuyện về những nghề nay đã không còn hoặc mai một ít nhiều như Nghề thục lốp, Khắc bút và bơm mực bút bi, Đắp lốp và ép lốp, Chiếu video, Dán hộp giấy,…
Nhưng những nghề, những người được kể ra trong sách đâu phải chỉ chuyện "tầm phào", được kể lại một cách ngẫu nhiên. Tác giả Hồ Công Thiết đã thành công khi dựng lên diện mạo của 3 thế hệ sống trên phố Hàng Bột với những đặc trưng riêng của từng lớp người trong cách nghĩ, cách sống. Chất liệu làm nên tác phẩm chính là ký ức và cảm xúc của tác giả, một cậu bé sinh ra và lớn lên trên con phố này. Bởi thế dẫu viết về một giai đoạn khó khăn với những quần quật lao động, mưu sinh nhưng Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ vẫn cứ hồn nhiên, ấm áp và vui tươi đến lạ.
Ít ai biết, Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ là cuốn sách cuối đời của tác giả Hồ Công Thiết. Ông mất trước khi sách được in. Những ngày cuối đời, trên giường bệnh ông chỉ kịp sửa những trang bản thảo cuối cùng với biết bao trăn trở. Ông tâm niệm: "Tôi không viết văn. Tôi chỉ đưa lên những kỷ niệm về phố Hàng Bột của tôi - con phố tuy nhỏ nhưng mang đủ đầy những nét đặc trưng của Hà Nội; con phố mà yếu tố lịch sử, địa lý, con người, xã hội đều như một Hà Nội thu nhỏ, được chắt lọc mà nên. Và tôi tin, cũng như mọi con phố bắt đầu bằng chữ "Hàng" ở Hà Nội, chỉ riêng phố Hàng Bột cũng đủ để tôi dành trọn cuộc đời tìm hiểu và yêu nó!"
Anh Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả cho biết: "Những ngày cuối cùng, ông vẫn thường hỏi gia đình: Sách in xong chưa?". Câu hỏi của bố được nhắc mãi, khiến cho tôi cảm nhận được những tâm huyết, những chất chứa trong lòng bố về chuỗi ký ức với con phố Hàng Bột".
Ký ức của con người chính là một phần của lịch sử, và là một phần rất dễ mất đi, nếu không được ghi lại. Những câu chuyện mà tác giả khiêm tốn cho là "tầm phào" ở quanh ông trên phố Hàng Bột chính là một phần của lịch sử, văn hóa Hà Nội - một lịch sử chứa đầy hơi thở của cuộc sống, sinh động, nguyên gốc, không thể thay thế và thấm đẫm giá trị nhân văn. Càng nhiều những ký ức như thế được ghi lại thì bức tranh lịch sử văn hóa và tâm hồn người Hà Nội sẽ hiện lên càng rõ nét… Đấy cũng là lý do mà tác phẩm này được ghi nhận.
2. Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
Trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, nhiếp ảnh gia người Mỹ William Crawford đã dành đến 30 năm để chụp Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Sự gắn kết bằng thời gian ấy minh chứng cho một tình yêu dành cho Hà Nội không chỉ ở quá khứ mà còn cả hiện tại. Và thành quả của nó là cuốn sách ảnh về Hà Nội có tên: Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên). Và từ 26/4 - 20/5/2023 tại không gian Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội, một triển lãm cùng tên đã được tổ chức, giới thiệu 18 bức ảnh chọn lọc.
Trong hành trình cầm máy của mình, Việt Nam là một điểm dừng chân đầy bất ngờ và khó quên cho William ngay từ lần đầu tiên, năm 1985. Những dấu ấn của Hà Nội trong William lúc bấy giờ khiến cũng khiến ông nhanh chóng nhận ra những giá trị tiềm ẩn trong các bức ảnh chụp Hà Nội. "Tôi tin rằng, nếu theo đuổi chụp ảnh Hà Nội trong nhiều năm, mình sẽ có một dự án rất hiệu quả và có giá trị" - William Crawford nhớ lại. Ông viết: "Tôi tin tôi là nhiếp ảnh gia đầu tiên, cho dù là phương Tây hay Việt Nam, chụp ảnh Hà Nội qua các thời kỳ như một nghiên cứu và ghi chép. Trong những năm trước khi bùng nổ du lịch, tôi thường xuyên là người Mỹ duy nhất ở miền Bắc".
Theo thời gian, ở những lần đến Việt Nam sau này, William Crawford tiếp tục nhận ra sự quyến rũ của Hà Nội cũng đã vơi đi phần nào theo năm tháng và trước sự chuyển động của xã hội nhưng ông vẫn bày tỏ tình yêu Hà Nội theo cách của mình. "Tôi thích cả một Hà Nội trong quá khứ lẫn hiện tại vì kiến trúc của Hà Nội đầu thế kỷ XX rất lôi cuốn và đáng được bảo tồn" - William Crawford đưa ra quan điểm. Mặt khác, ông cũng mừng vì một Hà Nội hiện đại đã giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều.
Kể từ khi William sang Việt Nam, lần nào ông cũng có người bạn đồng hành đặc biệt, không ai khác chính là con trai mình: anh William J. Crawford. Khi triển lãm Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting diễn ra tại Hà Nội, chính William J.Crawford là người đã giúp bố thực hiện cuộc triển lãm này một cách đầy tâm huyết.
"Cha tôi luôn cảm thấy rất vinh dự được chào đón ở Hà Nội và tham gia vào hành trình nghệ thuật luôn tiếp diễn ở nơi đây. Đó là lý do tại sao giải thưởng Bùi Xuân Phái có ý nghĩa đặc biệt lớn đối với gia đình tôi" - anh William J.Crawford bày tỏ.
3. Tản văn "Hà Nội đây chứ đâu" của Đỗ Đức (NXB Hội Nhà văn)
Sách gồm 250 trang, là những câu chuyện có thật, dung dị về Hà Nội được tác giả quan sát và ghi lại trong suốt 15 năm qua. Với những chuyện nối chuyện, liên kết muôn mặt đời sống, từ những thói quen thường nhật như ăn sáng, cà phê của người Hà Nội; đến những suy tư về một thời ký ức lịch sử hào hùng Hà Nội xưa…
Hà Nội đây chứ đâu góp thêm một cái nhìn về Hà Nội ở nhiều ngõ ngách, soi cả vào một số khoảng tối để nhận chân một Hà Nội như đang hiện hữu. Bên cái lịch lãm Tràng An, giờ đây cũng có một Hà Nội suồng sã, thực dụng, xô bồ. Nhưng dù thay đổi thế nào thì Hà Nội vẫn là Hà Nội. Hà Nội vẫn là cuộc sống vừa dân dã vừa phồn hoa của cả nước. Nó luôn ổn định từng bước sau mỗi thay đổi.
Vốn là một họa sĩ, Đỗ Đức hòa sắc thật khéo nơi các trang văn của mình, chất sử thi hào hùng và chất châm biếm sắc sảo. Có chỗ lại tô viền đậm nhạt, nhấn nhá tối sáng, thi vị hóa những nét đẹp xưa mà tác giả muốn bảo tồn. Ông phát hiện rồi níu giữ nền nã Tràng An, văn hiến kinh kỳ còn lại, ngay ở những người vô danh.
Đỗ Đức đi nhiều nên có nhiều chuyện để kể. Trí nhớ ông lại rất tốt, nên ai trò chuyện với ông sẽ nhận thấy ông quả thực là bậc thầy của "hoạt kê". Nhưng suy cho cùng thì những câu chuyện về cuộc sống bên ngoài chỉ là một phần. Đỗ Đức đã sống cả một cuộc đời đầy ngẫm ngợi. Từ những mẩu chuyện nhỏ nhất tình cờ được biết đến cũng khiến ông suy luận, tưởng tượng, chắp nối lại với những gì mình từng quan sát, trải nghiệm trong quá khứ để tìm ra trong đó những ý tứ mang đậm tính triết lý về nhân sinh.
Từ Đại Từ (Thái Nguyên), nơi ông lớn lên, từ làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) quê gốc nơi ông tìm về, và nhất là cao nguyên đá Hà Giang nơi ông đi đi về về để vẽ, cho đến cuộc sống ồn ào nơi phố phường Hà Nội - nơi ông sống và làm việc đến nay... nơi nào cũng lặng lẽ thẩm thấu vào đời ông, vào các tác phẩm của ông.
Sinh năm 1945, tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970 và Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980, trong suốt sự nghiệp hội họa, họa sĩ Đỗ Đức say mê nghiên cứu và thành công với mảng đề tài trang phục và văn hóa miền núi. Các tác văn học của ông đã xuất bản phải kể đến như: Tiếng khèn Mông (2005), Ý của người xưa (2006), Người nếm rượu ở Tà Ngào (2007), Tuổi thơ ơi (2021)…
4. "Hà Nội chuyện xưa phố cũ" của Tạ Thu Phong (NXB Hà Nội): 39 chuyến du khảo về quá khứ
Ra mắt cuối năm 2022, trong bối cảnh những cuốn sách khảo cứu về lịch sử, văn hóa và đời sống của Hà Nội cũ đang dần trở thành một xu thế trên thị trường xuất bản, nhưng với cách tiếp cận và góc nhìn riêng của Tạ Thu Phong, cuốn du khảo này vẫn được đón nhận bởi một lượng độc giả đặc thù, với tâm thế cũng rất đặc thù…
Tâm thế đặc thù ấy trước hết đến từ những người vốn biết tới Phong trên tư cách một nhà sưu tập tư liệu và sách báo cổ có tiếng tại Hà Nội. 49 tuổi, công việc chính là luật sư, thú sưu tập ấy tưởng như chỉ là một thú chơi. Để rồi, trong một chừng mực, nó cộng hưởng cùng ước mơ từ thời trẻ của anh - trở thành một nhà nghiên cứu - để mang đến một Tạ Thu Phong - tác giả với một số đầu sách khảo cứu từng thực hiện, trong đó có Hà Nội một thân (NXB Hồng Đức, 2020).
Lần này, "trở lại" cùng Hà Nội, cuốn sách của Tạ Thu Phong gồm 39 đoản văn ở dạng biên khảo về một Hà Nội đầu thế kỷ XX và xa hơn nữa. Tại đó, độc giả được biết về chuyện ăn - mặc - chơi với Cao lâu tửu điếm, Món Pagpag Cửa Đông, Chợ hoa phố Hàng Lược; chuyện của những nơi chốn cụ thể như Vui nhất có chợ Đồng Xuân, Ngõ Tạm Thương, Thương em thì ngỏ, Trường tư thục Thăng Long; chuyện về những thân phận đặc biệt xưa của kiếp người làm phu xe, làm đao phủ tại Hà thành… Tất cả như những mảnh ghép được người viết dựng lại từ quá khứ để tạo ra bức tranh đa diện về Hà Nội một thời.
Giá trị nổi bật của Chuyện xưa phố cũ nằm ở nguồn tư liệu dồi dào dùng tra cứu trong cuốn sách. "Là một nhà sưu tầm, tôi may mắn sở hữu số lượng khá lớn các sách báo cổ, trong đó có nhiều thông tin rất quý giá về Hà Nội thời xưa. Từ nguồn tư liệu đồ sộ ấy - trong đó có những câu chuyện dường như ít khi được đề cập khi nói về Hà Nội, tôi hi vọng sách cũng khiến độc giả thấy hứng thú sau khi đã đọc các cuốn sách khác theo phong cách tản văn hoặc thiên về ký ức, hoài niệm" - Tạ Thu Phong chia sẻ.
III. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử.
1. Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức
Cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội, Ô Quan Chưởng, hoa Mê Linh, làng cổ Đường Lâm… được tái hiện như những điểm đến du lịch Hà Nội hấp dẫn vào mùa Thu. Rồi, những không gian Hương sắc mùa thu, Hương vị mùa thu, Quà tặng mùa thu cũng mang đến biết bao những cảm xúc, trải nghiệm riêng có của Thu Hà Nội. Tất cả đã xuất hiện trong Festival Thu Hà Nội 2023 như một cách để tôn vinh vẻ đẹp của Hà Nội mỗi độ thu sang.
Đây là sự kiện do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tổ chức từ 29/9 - 1/10 tại khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên tổ chức, Festival Thu Hà Nội 2023 mang chủ đề "Thu Hà Nội - Đến để yêu", nhằm tôn vinh, quảng bá các điểm đến, các sản phẩm du lịch vào thời điểm mùa thu Hà Nội.
Festival Thu Hà Nội đã được tổ chức để tôn vinh vẻ đẹp của thành phố ngàn năm tuổi trong những ngày thu sang. Nhiều hoạt động kết hợp đặc sắc giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và ẩm thực đã biến Festival Thu Hà Nội trở thành một bức tranh đa sắc để Thu Hà Nội vốn đã hấp dẫn, nay càng quyến rũ hơn.
Đặc biệt ấn tượng là các gian hàng mô phỏng Phố Phái được dựng lên ở góc phố Lê Thạch đã trở thành một nét chấm phá làm nên sắc thu Hà Nội tại Festival Thu Hà Nội 2023. Những con phố liêu xiêu với mái ngói thâm nâu, rêu phong cổ kính trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái tự bao giờ đã trở thành một phần của phố cổ Hà Nội. Để rồi, tìm về Phố Phái những ngày thu sang như được trở về với một Hà Nội xưa với những góc phố cũ, những cửa hàng mậu dịch hay quán ăn tem phiếu của một thời chẳng thể nào quên.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội, thống kê sơ bộ, Festival Thu Hà Nội 2023 đã thu hút khoảng 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm. Với kết quả khả quan trong năm đầu tổ chức, Festival Thu Hà Nội hứa hẹn là một sự kiện du lịch văn hóa thường niên đặc sắc của thành phố Hà Nội với nhiều hoạt động kích cầu du lịch.
Rõ ràng, ngành Du lịch Hà Nội đang từng bước khai thác vẻ đẹp mùa thu, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và sáng tạo. Sự ra đời của Festival Thu Hà Nội cho thấy một quyết tâm lớn của Thành phố trong việc khẳng định thương hiệu du lịch Hà Nội. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô Hà Nội - điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn và thân thiện. Và cũng để như Hãng tin CNN từng nhận định: "Hà Nội - một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới vào mùa Thu".
2. Việc trùng tu di tích Cổng trại Bảo An Binh do Bộ Công an và UBND TP Hà Nội phối hợp thực hiện
Tháng 7 vừa qua, khi Nhà hát Hồ Gươm tại 40 phố Hàng Bài (Hà Nội) được Bộ Công an và UBND TP Hà Nội khánh thành, rất nhiều người hướng sự chú ý vào một kiến trúc nằm phía trước công trình này: Cổng trại Bảo An Binh.
Không bề thế và hoành tráng, lại mang dáng dấp của một cổng tam quan trong kiến trúc chùa, Cổng trại Bảo An Binh thật ra đã nằm tại đây rất lâu trước khi trở lại với một diện mạo mới vào tháng 7/2023.
Theo giới nghiên cứu Sử học, vào cuối thế kỷ XIX - một thời gian sau khi chiếm được Hà Nội - lực lượng quân đội thuộc địa Pháp tại đây đóng trong thành. Đồng thời, để bảo vệ trị an cho thành phố, một trại lính được xây trên đất làng Vọng Đức vào năm 1895 để dành cho lực lượng mang tên Garde civile Indigène (Lực lượng phòng vệ bản xứ), thường được dân gian gọi là lính khố xanh. Đây là sắc lính được người Pháp lập ra từ khi mới đặt ách bảo hộ tại Bắc kỳ và Trung kỳ.
Đặc biệt, vào đúng dịp Cách mạng tháng Tám (1945) bùng nổ, không gian quanh cổng trại Bảo An Binh là nơi diễn ra một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam - như nhận xét của nhà Sử học Dương Trung Quốc. Thời điểm đó, lực lượng hơn 1.000 lính khố xanh tại đây vẫn còn nguyên vẹn cả về quân số và vũ khí và có thể gây nguy hiểm cho chính quyền cách mạng, nếu không được sớm khống chế.
Do vậy, vào trưa ngày 19/8/1945, một lực lượng cách mạng và quần chúng đã cùng Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết trực tiếp tới đây vận động, yêu cầu lực lượng Bảo An Binh hạ vũ khí. Đáng nói hơn, khi biết thông tin này, lực lượng quân sự Nhật tại Hà Nội cũng đã điều xe tăng và binh lính tới để uy hiếp phía cách mạng.
Dù vậy, trước tinh thần sục sôi của cách mạng, cũng như khí thế áp đảo của cuộc khởi nghĩa, sau quá trình đàm phán, phía quân đội Nhật đã chấp thuận rời khỏi trại Bảo An Binh, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thành công trọn vẹn. Riêng với lực lượng lính bảo an tại đây, ngoài một bộ phận giao nộp vũ khí và tìm đường về quê theo sự vận động của cách mạng, một bộ phận quan trọng khác đã bước sang hàng ngũ cách mạng, tham gia vào lực lượng vũ trang của Chính quyền mới.
Như thế, ngoài vai trò là một công sở quân sự được chính quyền thuộc địa xây dựng gần như cùng lúc với thời điểm thành lập thành phố Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, trại Bảo An Binh cũng là chứng nhân quan trọng, gắn với lịch sử Việt Nam hiện đại, cũng như lịch sử Hà Nội trong cuộc cách mạng tháng Tám của dân tộc.
Sau khi Nhà hát Hồ Gươm được Bộ Công an và UBND TP Hà Nội khởi công xây dựng tại đây từ cuối năm 2021, việc cổng trại Bảo An Binh được quyết định trùng tu và bảo tồn - dù chưa được xếp hạng di tích - là một thông tin rất đáng mừng. Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái nhận định: Công trình tuy không lớn nhưng có giá trị lịch sử rất cao. Đó là minh chứng về việc chúng ta không chỉ tập trung xây dựng những công trình mới mà còn chắt chiu, tập trung bảo vệ những giá trị truyền thống và lịch sử".
Việc bảo tồn những dấu tích kiến trúc cũ khi xây dựng những công trình hiện đại để tạo sự kết nối với lịch sử đô thị không phải là điều ít gặp trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, nhiều năm trước, chúng ta cũng đã có một ví dụ về cách làm này, khi phần ống khói của nhà máy gạch Đại La cũ được gìn giữ và trở thành điểm nhấn mỹ quan, góp phần tạo nên thương hiệu riêng của khách sạn Horison (nay là khách sạn Pullman) được xây dựng liền kề. Nhưng với trường hợp của Cổng trại Bảo An Binh, câu chuyện còn đi xa hơn thế, khi một di tích lịch sử/cách mạng được bảo tồn cạnh một nhà hát hiện đại vừa xây dựng, tạo nên sự kết nối đặc biệt - và bình đẳng - trong một quần thể không gian văn hóa…
3. Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối Công viên Thống Nhất do Công ty ICEP - Hanoi Classy phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất tổ chức
Đầu tháng 9 vừa qua, bản đồ không gian sáng tạo Hà Nội chính thức có thêm một địa điểm mới. Đó là "Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất".
Bên cạnh những không gian sáng tạo khác đã có sẵn ở Thủ đô, việc Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm và ẩm thực của nhân dân, từ đó phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của Hà Nội.
Theo đó, Không gian sáng tạo nghệ thuật phố đi bộ kết nối công viên Thống Nhất được thiết kế theo chủ đề Hà Nội những năm 90 dần chuyển mình qua thời bao cấp, trong khuôn viên tự nhiên xanh mát của công viên Thống Nhất. Không gian có những gian hàng mang sắc màu tuổi trẻ, đầy tính sáng tạo thu hút các bạn trẻ. Cùng đó là các gian hàng ẩm thực với các món ăn đặc sản của Hà Nội, từ phở gánh Hàng Chiếu, cốm làng Vòng... đến những món ăn vùng miền do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định và SlowFood Việt Nam phụ trách.
Ngoài ra, sự ra mắt của sân khấu Khóa Sol vào các tối cuối tuần, hòa quyện những làn điệu dân gian với các loại hình âm nhạc hiện đại khác, cũng hứa hẹn trở thành điểm giao thoa văn hóa, gặp gỡ giữa thế hệ và thế hệ tại Thủ đô.
Trả lời câu hỏi có nên nhân rộng mô hình không gian sáng tạo nghệ thuật kiểu như công viên Thống Nhất cho các công viên khác ở Hà Nội, KTS Nguyễn Thanh Tú (Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng) cho rằng, chọn công viên nào để làm không gian sáng tạo cũng đều xứng đáng.
Với những công viên khác nói chung ở Việt Nam, theo KTS Nguyễn Thanh Tú không cần phải mở hàng rào, nếu bên trong các công viên này đã có đủ các không gian công cộng cần thiết. Vấn đề còn lại, chỉ là nguồn lực để chuyển những địa điểm ấy thành các không gian sáng tạo.
Với trường hợp công viên Thống Nhất, theo KTS này, việc mở ra không gian sáng tạo tại đây có tính chất biểu tượng và mở ra một dấu mốc lịch sử cho thành phố. Điều này giống như việc Hà Nội đã chuyển không gian khu vực Hồ Hoàn Kiếm thành phố đi bộ, từ đó dẫn đến việc nhiều không gian đi bộ khác nhau ra đời.
IV. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: có 3 đề cử
1. Dự án Có một Ba Vì như thế của Enter Việt Nam – từ một ý tưởng tôn vinh "núi thiêng" Ba Vì bằng công nghệ số
Dự án Có một Ba Vì như thế của Enter Việt Nam được triển khai trên cơ sở số hóa, xây dựng các dữ liệu về quần thể núi Ba Vì và trình bày ở dạng một bản đồ tương tác. Bắt đầu từ mùa Thu 2020, dự án đến nay đã hoàn thành cơ bản version (phiên bản) 1 và đang hướng tới việc phát triển những version tiếp theo trong tương lai.
Chỉ vài phút cài đặt bản đồ tương tác này, người dùng đã có thể khám phá "tất tần tật" thông tin về Ba Vì với bề dày lịch sử văn hóa vốn có. Dựa trên một mô hình núi Ba Vì ở dạng 3D, lần lượt nhiều lớp dữ liệu được trình bày theo từng cú click chuột. Tất cả thiết kế theo nguyên tắc thị giác, sử dụng đồ họa, để người xem có thể đi từ cái nhìn tổng thể đến chi tiết.
Cái tên Enter Việt Nam thật ra không xa lạ với báo giới. Hơn 20 năm trước, nhóm nghiên cứu tự nguyện này được thành lập với ý tưởng: Xây dựng một ngân hàng cơ sở dữ liệu số về đất nước con người Việt Nam, nơi người dùng có thể tìm thấy mọi thông tin từ lịch sử, địa lý, văn hoá xã hội, dân tộc, điểm đến… với đầy đủ hình ảnh, âm thanh phong phú, sống động.
"Trong quá trình làm cơ sở dữ liệu về Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều gợi ý về Ba Vì - vốn từng được cụ Nguyễn Trãi coi là núi tổ của Việt Nam trong sách Dư địa chí. Từ đó, việc triển khai dự án Có một Ba Vì như thế nhận được sự đồng thuận của toàn bộ nhóm biên tập" - Trưởng nhóm Lê Văn Thao cho biết - "Và chúng tôi phân công nhau tổ chức thực hiện dự án theo một dàn ý chung".
Như chia sẻ của các thành viên, sau sản phẩm ở version 1 vừa hoàn thành, version 2 trong tương lai của dự án được kỳ vọng sẽ thiết kế ở dạng game, với mục đích đưa vào các trường học tại Hà Nội để trở thành một tài liệu ngoại khóa, giúp các thế hệ học sinh hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, giá trị của núi thiêng Ba Vì.
2. Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa môn "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội
Từng được nhắc tới từ khá lâu và trong năm 2023 vừa qua, đề xuất đưa môn "Hà Nội học" thành một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tại Hà Nội đã có thêm những bước đi khá cơ bản và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Thực tế, đề xuất này xuất phát từ một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô thuộc chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025". Trong đó, có nội dung: "Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Thực hiện nội dung này, Thành ủy Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Đại học Thủ đô Hà Nội xây dựng và triển khai Đề án "Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án, cho biết: Để có cơ sở khoa học xây dựng đề án, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức Hội thảo Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội - thực trạng và giải pháp. Hiện nay, các nhà khoa học cùng với nhóm tác giả đang triển khai xây dựng nội dung các chuyên đề, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 để dạy thử nghiệm ở một số đối tượng. Đến năm 2024, các lớp bồi dưỡng sẽ bắt đầu diễn ra trong vòng khoảng hơn một năm.
Về lâu dài, như các chuyên gia đã nhắc tới trong hội thảo vừa qua, chúng ta cần đưa hẳn một môn học có tên Hà Nội học vào chương trình giáo dục tại các trường phổ thông ở Thủ đô. Môn học này cần được đào tạo giáo viên một cách bài bản, đồng thời phải được đối xử công bằng như những môn học khác trong nhà trường. Việc đưa Hà Nội học trở thành một môn học chính thức trong các trường của thành phố - từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông - là hợp lý và hết sức quan trọng. Thực chất công việc này đang gián tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho Hà Nội trên mọi lĩnh vực.
Một câu hỏi được nhiều người đặt ra: "Khi chính thức là môt mộn học, liệu "Hà Nội học" có trở thành "gánh nặng" kiến thức cho học sinh vốn đã chịu nhiều áp lực học tập? TS Lê Thị Thu Hương cho biết, về bản chất, đây không phải là (thêm một) môn học mới, mà chỉ có tên gọi mới! Bởi trước đây, khi chưa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta vẫn lồng ghép nội dung về địa phương Hà Nội trong các trường phổ thông dưới hình thức hoạt động ngoại khóa hoặc hoạt động ngoài giờ. Khi đó những hoạt động này chưa mang tính bắt buộc. Đến khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai, Giáo dục địa phương đã là môn học bắt buộc. Cho nên, ngay cả khi Hà Nội học thay thế môn Giáo dục địa phương, đó vẫn không phải là thêm một môn học mới mà đó vốn đã là môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục 2018 (hiện đang thực hiện).
3. Hai cuộc thi gắn với thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại không gian Hồ Gươm của Quỹ AIF và của dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" cùng Viglacera và UBND Quận Hoàn Kiếm thực hiện
Một sự trùng hợp thú vị: Cùng một lúc, trong năm 2023 này, 2 cuộc thi thiết kế liên quan tới nhà vệ sinh công cộng tại khu vực Hồ Gươm đã được tổ chức.
Và, dù là những đồ án từ sinh viên hay từ những kiến trúc sư chuyên nghiệp, những ý tưởng sáng tạo ở đó vẫn gặp nhau tại một điểm chung về giá trị "đánh thức" cộng đồng, trước một vấn đề tưởng tế nhị nhưng lại rất thiết thực trong đời sống hàng ngày.
Giữa năm 2023, cuộc thi PSP 01 2023: Không gian công cộng cho mọi người - cảnh quan & nhà vệ sinh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm được quỹ Đổi mới sáng tạo Kiến trúc - AIF (Đại học Xây dựng Hà Nội) tổ chức và thu hút hơn 200 sinh viên từ các trường Đại học trên toàn quốc.
Với đề bài này, Hội đồng giám khảo của cuộc thi đã đặt ra tới 11 tiêu chí khá chặt chẽ, trong đó có các yêu cầu về tính khả thi, hòa nhập bối cảnh, tính thẩm mỹ, tính đa chức năng, tính bình đẳng (cân nhắc những đối tượng cần ưu tiên và yếu thế), tính an toàn và riêng tư với phụ nữ hoặc trẻ em gái... Để rồi, trên thực tế, các đồ án đoạt giải tại cuộc thi này đều nhận về sự đánh giá khá tính cực theo các tiêu chí trên.
Gần như song song với cuộc thi của quỹ AIF, một cuộc thi khác cũng được tổ chức: Nhánh đề bài Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm trong lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi Designed by VietNam, do dự án "Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet" (Ashui.com phụ trách) phối hợp cùng UBND Quận Hoàn Kiếm và Viglacera thực hiện trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 (lần thứ tư).
Các đồ án dự thi được yêu cầu chọn 3 vị trí thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại các điểm bãi đỗ xe Bờ Hồ (đối diện tòa nhà "Hàm cá mập"), đối diện ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ và đối diện Công ty Điện lực Hà Nội (gần cây lộc vừng). Thực tế, các vị trí này cũng gắn với 3/6 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động quanh khu vực Hồ Gươm.
Từ hàng chục đồ án dự thi, Hội đồng giám khảo đã chọn được 10 thiết kế vào chung khảo và trao 3 giải đồng hạng.
"Trong đời sống hàng ngày, có những câu chuyện tưởng tế nhị nhưng lại vô cùng thiết thực. Và từ lâu, chúng ta đã nói với nhau về một bài toán không dễ giải quyết: Làm sao để những nhà vệ sinh công cộng tại Hồ Gươm vừa có sự hợp lý để giải quyết một nhu cầu thiết yếu của con người, vừa phù hợp với cảnh quan nơi đây?" - nhà Sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng giám khảo nhận xét - "Do vậy, tôi đánh giá rất cao 2 cuộc thi. Ở đó, các KTS đã cho thấy sự trân trọng, nhưng cũng rất thực tế, khi hướng về một không gian văn hóa của Hà Nội".
***
Trên cơ sở Danh sách đề cử chính thức, Hội đồng giám khảo đã bỏ phiếu để lựa chọn kết quả cuối cùng. Điều đặc biệt là ở hạng mục giải Tác phẩm, do số lượng tác phẩm dự giải năm nay rất phong phú, có tới 4 tác phẩm/công trình được đưa vào đề cử chính thức, nên Hội đồng giám khảo quyết định trao 2 giải Tác phẩm trong năm.
KẾT QUẢ GIẢI BÙI XUÂN PHÁI – VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI LẦN 16 – 2023
1. Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vì đã cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm văn học, điện ảnh xuất sắc.
2. Hai Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho:
- Cuốn sách Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ của Hồ Công Thiết (do NXB Lao động và Chibooks ấn hành)
- Triển lãm ảnh Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting (Hà Nội 1985 - 2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford do Không gian nghệ thuật Manzi, Phòng tranh Art Vietnam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam
3. Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Festival "Thu Hà Nội - Đến để yêu" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (UBND TP Hà Nội) tổ chức
4. Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng các đơn vị liên quan nhằm đưa "Hà Nội học" thành một môn học trong giáo dục phổ thông tại Hà Nội