Trở lại ngày xưa với 'Chuyện phố thời bao cấp'

Không "ôn nghèo kể khổ", Chuyện phố thời bao cấp (kịch bản: Trần Lệ Chiến, đạo diễn: NSƯT Lê Ánh Tuyết) giàu tính kịch của sân khấu, mang đến một tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống, tôn vinh những giá trị âm nhạc và văn hóa một thời. Tác phẩm có sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Tuổi trẻ, sẽ ra mắt công chúng vào lúc 19h30 ngày 14/10 tại 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.

Với lối kể chuyện bằng âm nhạc mang phong cách của Nhà hát Tuổi trẻ, ê-kíp chương trình mong muốn khán giả quay trở lại miền ký ức, hoặc tạm gác lại những xô bồ tất bật của ngày hôm nay, để cùng "về dạo bước" trong Chuyện phố thời bao cấp.

Vở này có sự tham gia diễn xuất của NSƯT Đức Long, NSƯT Lê Ánh Tuyết. Các ca sĩ tham gia: Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang...

Khơi gợi về một quá khứ chưa xa

Mượn tứ là cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình "tứ đại đồng đường" ở Hà Nội, có 4 thế hệ với 4 phong cách sống và những sở thích khác nhau, đặc biệt là âm nhạc, Chuyện phố thời bao cấp là câu chuyện xoay quanh những mâu thuẫn của đời sống thông qua âm nhạc.

Trở lại ngày xưa với 'Chuyện phố thời bao cấp' - Ảnh 1.

Đạo diễn - NSƯT Lê Ánh Tuyết

Tính kịch sẽ được thể hiện thông qua những tình huống, hoàn cảnh trên sân khấu và mang đậm những nét văn hóa thời bao cấp. Đó là cách ăn mặc của giới trẻ khiến những bà hàng xóm lớn tuổi thấy khó chịu, mâu thuẫn diễn ra ở không gian máy nước công cộng, việc xếp hàng đi đong gạo ở cửa hàng mậu dịch… Tất cả sẽ tái hiện trên sân khấu một cách nhẹ nhàng, từ tốn.

Tính hài hước, vui nhộn trong từng bối cảnh sẽ được đẩy dần lên theo cách gợi mở, để khán giả có thể nhớ lại một thời bao cấp của riêng mình. Trong khi những câu chuyện nhỏ mang tính khơi gợi về quá khứ, thể hiện sự gắn kết, thì âm nhạc sẽ đóng vai trò là chất xoa dịu, kéo gần và hóa giải mọi mâu thuẫn trong gia đình, trong tình cảm láng giềng. Âm nhạc giống như một liều thuốc chữa lành.

Theo đó, các tác phẩm âm nhạc được thể hiện gồm Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng), Nhớ mùa Thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Thành phố buồn (Lam Phương), Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh), Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng), Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến), Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung)... sẽ được nhạc sĩ Tuấn Nghĩa hòa âm, phối khí với tinh thần vừa hoài niệm, vừa mới mẻ cho giới trẻ.

Trở lại ngày xưa với 'Chuyện phố thời bao cấp' - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ tham gia “Chuyện phố thời bao cấp”

Thương những ngày khốn khó

Là một người sinh ra ở Hà Nội (phố Khâm Thiên), cùng gia đình trải qua những năm tháng thời bao cấp, dù không dài, nhưng NSƯT Lê Ánh Tuyết cũng đủ biết "mùi vị" của văn hóa tàu điện, của văn hóa xếp hàng ở mậu dịch, hoặc đi gánh nước, thậm chí là cả chuyện xếp hàng đi vệ sinh công cộng.

"Tôi nhớ khi mình 5 - 6 tuổi, được gia đình giao nhiệm vụ đi đong gạo, vì bé tí, nên lúc xếp hàng giữa những người lớn ở quầy mậu dịch, tôi đã bị họ chen lên trước. Tôi cũng nhớ cả tiếng cô hàng xóm mỗi lần đi qua nhà mình, ghé vào ô cửa sổ nhỏ hỏi tôi có cần gì không, cô đi chợ mua giúp. Tôi nhớ mỗi sáng bố mẹ đi làm luôn mang theo chiếc cặp lồng cơm, đến chiều về, tôi đem đi rửa" - nghệ sĩ Lê Ánh Tuyết nhớ lại - "Tôi cũng không quên những câu chuyện đời sống nghệ thuật thời đấy được kể từ ông ngoại, một người hát văn và chơi đàn trong những buổi hát cô đầu. Nhưng những ký ức ấy, luôn mang lại cảm xúc rất đặc biệt. Tôi thấy rất thương những ngày khốn khó ấy của mình".

Trở lại ngày xưa với 'Chuyện phố thời bao cấp' - Ảnh 3.

Tái hiện một khung cảnh thời bao cấp

Nhưng không chỉ nhớ như in một thời gian khó của nhiều thế hệ, mà chị còn thấy thấm đẫm những giai điệu của tuổi trẻ bằng chính dòng chảy của âm nhạc thời bao cấp - tựa như mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ đã vượt khó vươn lên.

Chị cho rằng, dù âm nhạc thời nay có thể phát triển, "nhưng giá trị cốt lõi, giá trị tinh thần làm cho người ta có động lực phấn đấu, yêu lao động, yêu cuộc sống, gia đình xã hội thì chúng ta của thời nay vẫn nên học hỏi từ thời bao cấp" - Lê Ánh Tuyết khẳng định.

Âm nhạc thời bao cấp rất đặc biệt, với những ca khúc mang phong cách vui tươi, cổ vũ, động viên tinh thần làm cho nhiều người cảm thấy hăng hái lao động, thêm yêu cuộc sống.

"Tôi cứ suy bụng ta ra bụng người, rằng nhiều khán giả sẽ cảm thấy xốn xang khi nghe lại những bài ca như Gửi lại em, Như khúc tình ca… trong 120 phút của Chuyện phố thời bao cấp. Chúng tôi không thể kể hết những câu chuyện thời đó, nhưng hy vọng sẽ tái hiện được một vài nét văn hóa Hà Nội của một thời chưa xa, để lan tỏa đến nhiều thế hệ, đặc biệt giới trẻ".

Cởi mở về quá khứ

"Tôi từng tham gia trong dự án Hà Nội thời bao cấp trong phố cổ với các bạn trẻ cấp 3. Tôi thấy các bạn có cái nhìn rất hay, rất mở với quá khứ và lịch sử. Điều đó cho thấy lứa tuổi này không hề đóng cửa với những gì xưa cũ, mà thậm chí còn mong muốn tìm hiểu. Từ đó, tôi nghĩ rằng Chuyện phố thời bao cấp không giới hạn độ tuổi khán giả, mà còn hy vọng vở diễn có thể trở thành địa chỉ văn hóa đối với nhiều người, kể cả khách nước ngoài…, nếu muốn tìm hiểu hoặc trải nghiệm về một thời bao cấp ở Hà Nội" - đạo diễn Lê Ánh Tuyết.

Lam Anh

Link gốc: TTVH