MU từng gặp vấn đề với nhà tài trợ của giải đấu
Vụ việc xung đột hợp đồng tài trợ của CLB và giải đấu giống như HAGL và VPF không phải chuyện mới trên bóng đá thế giới. Một đội bóng lớn như MU cũng từng gặp vấn đề tương tự vào năm 2013.
Xung đột giữa CLB và giải đấu
Bóng đá là môn thể thao thu hút được sự quan tâm từ nhiều người trên thế giới. Vì thế, các thương hiệu, nhãn hàng cũng muốn quảng bá và phát triển hình ảnh của bản thân thông qua môn thể thao vua. Khi mà ai cũng muốn và sử dụng bóng đá như một công cụ để truyền thông thì dĩ nhiên khó tránh khỏi những xung đột.
Vào năm 2013, Man United từng có lịch du đấu mùa Hè tại Úc. Trận đấu này có nhà tài trợ là hãng nước Coca-Cola. Tuy nhiên trước đó, "Quỷ đỏ" có hợp đồng tài trợ với hãng Pepsi kèm điều khoản độc quyền không cho phép đội chủ sân Old Trafford có những thỏa thuận hợp đồng liên quan tới các đối thủ cùng ngành hàng. Coca-Cola và Pepsi không chỉ là những thương hiệu có cùng ngành hàng với nhau mà còn là đối thủ chính của nhau trong nhiều năm. Dù chỉ là trận đấu giao hữu nhưng trên thực tế, việc Man United tới Úc thi đấu vẫn là một sự kiện thương mại. Vì thế, để Man United tới và thi đấu vào năm 2013, BTC trận đấu đã buộc phải loại bỏ hình ảnh của Coca-Cola ra khỏi các hình ảnh quảng cáo và quảng bá cho sự kiện này.
Ở cấp độ giải đấu chuyên nghiệp, Premier League cũng từng ở phải đứng giữa trong vụ xung đột hợp đồng tài trợ. Ai cũng biết nhà tài trợ nổi tiếng của Premier League là ngân hàng Barclays. Hai bên đã hợp tác với nhau từ năm 2001. Vào tháng 7/2010, Liverpool ký hợp đồng tài trợ với ngân hàng Standard Chartered. Điều này tạo ra xung đột chẳng khác gì HAGL ký hợp đồng tài trợ với Carabao trong khi Sâm Ngọc Linh là nhà tài trợ của V-League. Sau đó, Premier League và Barclays đã buộc phải có những điều chỉnh về hợp đồng tái ký vào năm 2012. Hiện tại, Barclays vẫn đang tài trợ cho Premier League nhưng những điều khoản về độc quyền ngành hàng đã được thay đổi để phù hợp hơn với thời đại.
Giá trị hình ảnh cá nhân cầu thủ
Những vụ việc xung đột về quảng bá hình ảnh không chỉ dừng lại ở cấp CLB. Xã hội ngày càng phát triển nên tầm ảnh hưởng của các cầu thủ còn nằm ngoài sân cỏ. Từng cá nhân các cầu thủ cũng đều có những hợp đồng quảng cáo riêng. Gần đây nhất, vụ việc xung đột hình ảnh quảng bá của cá nhân có liên quan tới Quế Ngọc Hải và đội tuyển quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Ở kỳ World Cup 2022, Kylian Mbappe từng từ chối chụp hình quảng bá cho nhãn hàng cá cược và đồ ăn nhanh của Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF).
Trong khi đó, ở kỳ World Cup 2018, cầu thủ Mohamed Salah cũng gặp vấn đề với chính Liên đoàn bóng đá Ai Cập (EFA). Theo đó, EFA đã sử dụng hình ảnh của Salah để in lên máy bay của hãng hàng không EgyptAir. Mặc dù được in hình cùng các cầu thủ khác nhưng hình ảnh Salah khi to hơn và đứng riêng. Hành động của EFA khi đó đã vi phạm vào bản quyền hình ảnh của cá nhân cầu thủ. Chưa kể, hình ảnh của Salah lại còn được in bên cạnh hãng viễn thông Telecom Egypt, trong khi anh có hợp đồng với Vodafone. Vụ việc sau đó được đàm phán và kết thúc trong êm đẹp nhưng điều đó cho thấy bóng đá thế giới không hề thiếu những vụ việc xung đột về hợp đồng thương mại.