Đội tuyển Việt Nam: Khi 'giấc mơ' đẹp vừa khép lại...

Đội tuyển Việt Nam bị loại sớm ở vòng bảng sau 3 trận thua, còn bóng đá Đông Nam Á cũng không có đội nào lọt vào đến tứ kết, cho dù đây là lần đầu tiên mà khu vực này giành được 4 suất thông qua thi đấu để có mặt tại Asian Cup. Những dữ kiện này đủ để cho chúng ta một cái nhìn thực tế hơn cho các nhiệm vụ còn lại trong năm 2024.

2024 là năm mà bóng đá Việt Nam tranh tài ở 3 đấu trường lớn nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Nói một cách hình tượng, là gói gọn cả hiện tại và tương lai của làng cầu chỉ trong 12 tháng.

Khởi đầu với giải vô địch châu Á (Asian Cup 2023), kết thúc bằng AFF Cup 2024, phần thời gian còn lại trải đều suốt năm là vòng loại thứ 2 và thứ 3 của World Cup 2026 khu vực châu Á.

Bóng đá Việt Nam đã chuẩn bị cho "đại công trường" của năm 2024 hết sức kỹ lưỡng. Tân HLV Philippe Troussier đến từ tháng 3 năm trước và có khởi đầu tương tự người tiền nhiệm Park Hang Seo hồi năm 2018, tức là làm việc ngay cùng đội tuyển U23 với một giải quốc tế tại Doha – Qatar.

Nhà cầm quân người Pháp cũng không chịu áp lực thành tích ở SEA Games 32 dù đội U22 chỉ về thứ 3. Ông cũng không phải trực tiếp dẫn dắt đội Olympic tham dự Asiad 19. Bên cạnh đó, là một loạt trận giao hữu vào các thời điểm FIFA Days rất chất lượng trước các đối thủ hàng đầu châu Á như Syria, Hàn Quốc, Uzbekistan…

Chưa bao giờ mà kế hoạch dành cho đội tuyển lại được thực hiện dài hơi, từ việc xây dựng đội ngũ kế cận đến thời gian gần trọn một năm chỉ để tập luyện, cọ xát và tiếp nhận triết lý chơi bóng mới mẻ từ HLV Troussier, người từng 2 lần dự World Cup và được xem là đã tạo lập nền tảng thành công cho đội tuyển Nhật Bản hiện nay.

Nói cách khác, chúng ta đã làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình để biến giấc mơ đẹp - dự World Cup - thành hiện thực. Về lý thuyết, tấm vé dự World Cup chưa bao giờ ở gần với đội tuyển Việt Nam như lúc này.

Việc lọt vào vòng đấu loại cuối cùng ở World Cup 2022 đã đưa chúng ta chạm đến khả năng này. Kể từ World Cup 2026, châu Á được phân bổ hơn 8 suất, điều đó đồng nghĩa với tỷ lệ cơ hội của những đội bóng như Việt Nam sẽ tăng thêm 50%. Điển hình là việc đội tuyển nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup cũng thông qua vòng play-off và việc nâng số lượng đội dự giải.

Thế nhưng, những gì xảy ra tại Asian Cup 2023 lại là một khía cạnh khác của tham vọng ấy: Dữ dội hơn, gian nan hơn và có khi là nằm ngoài tầm với của chúng ta.

Khi giấc mơ đẹp vừa khép lại... - Ảnh 1.

Để có thể hiện thực hoá giấc mơ World Cup thì HLV Troussier không thể chỉ sử dụng các cầu thủ trẻ như Thái Sơn (16) mà bắt buộc phải cậy nhờ cả vào kinh nghiệm của những cựu binh như Hùng Dũng (8). Ảnh: Hoàng Linh

Nếu 3 trận thua tại vòng bảng chưa đủ sức thuyết phục, thì cứ lấy thất bại của 3 đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á còn lại để thấy: Việc dự World Cup không nằm ở các con số về tỷ lệ cơ hội, số suất dự mà quan trọng nhất, cốt lõi nhất, vẫn là năng lực của nền bóng đá có ở chiều hướng đi lên hay không. Vì thực tế khá rõ ràng: chúng ta tiến thì đối thủ cũng chẳng đứng yên. Những đội bóng đang xếp trên chúng ta ở châu Á đều có tiềm lực và nền tảng để đi nhanh hơn. Khi số suất dự World Cup tăng, người ta ngay lập tức chỉ ra các cái tên: UAE, Iraq, Uzbekistan, Qatar…Hoàn toàn không có những đội bóng đến từ Đông Nam Á.

Nếu chúng ta không thay đổi, thì giấc mơ vẫn sẽ mãi là giấc mơ. Nhưng hãy nhìn một chút ở giải vô địch quốc gia (V-League) thì nói một cách công bằng nhất, có ai thấy gì mới mẻ không?

Ngay sự có mặt của VAR cũng chưa chắc đã cải thiện tính công bằng và sự minh bạch của các trận đấu, trong khi mọi thứ thì đứng yên. Chức vô địch vừa qua của CAHN chỉ là một mô tuýp chiến thắng quen thuộc của hơn 20 năm trước mà HAGL đã làm. Việc thay đổi phiên hiệu các CLB gần đây hầu như đã tái diễn lại giai đoạn khó khăn của bóng đá Việt Nam thời kỳ 2010-2013.

Đa số  các CLB V-League hiện tập trung từ Hà Tĩnh đổ ra Bắc, nghĩa là một khu vực rộng lớn phía Nam bóng đá đang "chết dần", đồng nghĩa với việc mất đi những nguồn cung cấp cầu thủ từng có thời điểm chiếm đến hơn 50% số lượng tuyển thủ quốc gia.

Thế nên, câu chuyện của năm 2024 sắp đến chắc chắn không phải là "mơ" mà là cách chúng ta sẽ đối diện với những thực tế ra sao. Ví dụ như 2 trận đấu tại vòng loại World Cup 2026 liệu có đủ quan trọng để ai đó có trách nhiệm phải "làm việc" với HLV Troussier?

Rõ ràng, ý muốn của ông Troussier có thể tốt, nhưng ông đâu thể làm điều đó chỉ với một nhóm cầu thủ mà vài người còn không thể có chỗ đứng tại V-League. Cần phải thực tế hơn, đó có lẽ là cách tích cực và phù hợp nhất mà chúng ta chờ đón năm mới.


Long Khang

Link gốc: TTVH