Góc nhìn 365: Khi di tích tăng giá vé...

Đã gần 2 tuần trôi qua kể từ khi năm 2024 bắt đầu. Đó cũng là quãng thời gian mà một số di tích, danh lam thắng cảnh và công trình văn hóa tại Hà Nội tăng đáng kể về mức phí thăm quan, theo Nghị quyết mới của HĐND thành phố Hà Nội.

Chẳng hạn, từ 1/1, mức phí thăm quan tại khu Hoàng thành Thăng Long và  Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70 ngàn đồng (mức phí cũ là 30 ngàn đồng); tại đền Ngọc Sơn và nhà tù Hỏa Lò là 50 ngàn đồng (mức cũ 30 ngàn đồng); tại chùa Hương là 120 ngàn đồng (mức cũ cao nhất là 78 ngàn đồng); tại di tích Cổ Loa là 30 ngàn đồng (mức cũ 10 ngàn đồng).

Cũng cần nói thêm, dù tăng giá vé, các di tích và danh thắng vẫn cơ bản áp dụng các hình thức giảm giá cho các đối tượng đặc biệt như người già, học sinh sinh viên, đồng bào đến từ vùng xa... Và thực tế, ở kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, du khách vẫn nườm nượp đổ về chật kín tại những điểm đến này.

Góc nhìn 365: Khi di tích tăng giá vé... - Ảnh 1.

Đông đảo người dân và du khách tham quan tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Nhưng, trong cái nhìn về lâu dài, cũng đã có những ý kiến đa chiều quanh sự thay đổi của mức phí tham quan.

Một mặt, đó là sự lo ngại cho khả năng thu hút du khách tại các di tích khi mức vé tăng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp tổ chức lữ hành hoặc tour du lịch, câu chuyện này có thể sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, khi họ hoặc phải tăng mức giá đối với các tour du lịch, hoặc phải tự cân đối về phần tiền vé phụ trội trong thời gian trước mắt.

Còn ở phía ngược lại, nhiều chuyên gia chỉ rõ: Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, việc thu phí từ hoạt động tham quan, du lịch vẫn là nguồn lực chủ yếu tại các di tích, danh thắng trên thành phố. Để có thể thực hiện tốt công tác bảo tồn và vận hành, việc tăng giá vé tại các điểm đến này là điều khó tránh.

Nhưng tới đây, người viết muốn nhắc lại một câu chuyện cũ. Khoảng chục năm trước, trong một cuộc tọa đàm về phát triển du lịch tại Hoàng thành Thăng Long, đã có hãng lữ hành chỉ rõ: Mức phí tham quan Hoàng thành khi đó là 30 ngàn đồng (khoảng 1,5 USD) - nghĩa là thuộc loại rẻ... nhất thế giới. Nhưng, mức phí rẻ ấy chưa bao giờ là ưu thế tuyệt đối để các đơn vị du lịch chọn ghé thăm điểm đến này.

Đơn giản vì hành trình tham quan Hà Nội của các hãng du lịch thường rất ngặt nghèo về thời gian. Nếu ghé Hoàng thành, du khách sẽ có nhu cầu nghỉ trưa, dùng cà phê, ăn nhẹ, kết hợp mua sắm đồ lưu niệm. Nhưng thực tế, như nhiều điểm du lịch khác, các dịch vụ này vẫn chưa phát triển mạnh tại Hoàng thành Thăng Long.

Điều ấy cũng giống như một vấn đề mà nhiều chuyên gia đã chỉ ra: Tại nhiều điểm đến trên thế giới, vé vào cửa thường chỉ là một trong nhiều nguồn thu cho di tích. Phần còn lại - và thường là phần chính - lại đến từ việc kinh doanh, tổ chức mọi  loại hình dịch vụ, kể từ ăn uống, vui chơi cho tới việc phục vụ nhu cầu muốn tìm hiểu sâu về di tích của một số người.

Như thế, trước mắt, nếu nhìn việc tăng giá vé tại các di tích của Hà Nội như một điều khó tránh khỏi thì cũng cần xác định: sự thay đổi này phải đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ khách. Và xa hơn, trong tương lai, các di tích cũng cần nghĩ tới việc tổ chức những loại hình dịch vụ phù hợp vừa để phục vụ nhu cầu và trải nghiệm của du khách, vừa để đa dạng hóa nguồn thu thay vì chỉ trông vào tiền bán vé như hiện nay...

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH