Ngẫm ngợi cuối tuần: Tôi nhổ 'cái đinh'
Lần ấy chị đem bản thảo đến nhà xuất bản chỗ tôi làm. Một tập phóng sự đồng quê, những gian nan của người dân trên đất nghèo. Tôi đọc biên tập cuốn sách đó. Chị viết bút kí phóng sự tốt lắm. Văn sáng, chữ nghĩa ngay ngắn rạch ròi, kể chuyện có duyên. Câu chữ gần như không phải chữa.
Trong tập phóng sự đó có một bài về cán bộ trẻ của hội phụ nữ để con ở nhà khi mới 3 tháng tuổi, leo đồi vượt núi, đi vận động sinh đẻ kế hoạch. Câu chuyện cách nay gần nửa thế kỉ rồi. Con ở nhà bà cho ăn cơm búng. Bị tức sữa, chị vắt đi, thương con nhưng không bỏ cuộc, vẫn lần mò bản này qua bản khác mải miết đi vận động. Có thời gian đi hơn nửa tháng...
Bài bút kí tôi đọc đi, đọc lại cứ thấy sao sao. Một cảm giác gì đó không ổn cứ cồn cào trong tôi. Hình ảnh đứa bé ba tháng tuổi khát sữa, bà cho ăn cơm búng cứ ngọ ngoạy trong đầu tôi.
Đành phải mời chị đến nhà xuất bản trao đổi. Chị kể hào hứng, bài ấy là cái đinh của cuốn sách đấy. Một tấm gương điển hình về sự hy sinh, lăn lộn với phong trào, đầy tinh thần trách nhiệm. Rồi chị khoe bài phóng sự ấy được đọc trên đài, được tỉnh trao giải cao trong đợt thi phóng sự.
Tôi ngồi im nghe chị kể rằng lăn lóc cả tuần mới tìm thấy chị ấy đang vận động ở bản D. để viết phóng sự này.
Nghe xong, tôi bảo, đúng là chuyện thật, không có tí "riêu cua" nào. Viết hay, chân thực rất cuốn hút. Nhưng đó là bài phóng sự không ổn nhất trong cuốn sách.
Chị có vẻ giật mình không hiểu. Tôi bảo chị không phải văn có lỗi gì, nhưng đề nghị rút bài phóng sự khỏi cuốn sách! Chị tròn mắt ngạc nhiên: sao lại rút cái "đinh" của em? Nhân vật của em là tấm gương sáng trong hoạt động phong trào.
Để chị bình tâm lại, tôi bảo chị nuôi con thì biết. Chặt chẽ lắm mà nhà nước vẫn phải để cho cán bộ sinh con được nghỉ 4 tháng (hồi đó, nghỉ thai sản chưa lên tới 6 tháng như bây giờ). Sau đó đi làm, nhưng ngày vẫn được mấy tiếng cho con bú để bảo đảm đứa trẻ phát triển bình thường. Đó là thời gian tối thiểu, chứ nước ngoài họ khuyến khích cho bú mẹ kéo dài hàng năm cơ. Tuyên truyền thế này là phản khoa học.
Với lại thiên chức người mẹ nuôi con là chính. Nuôi con giỏi, dạy con ngoan mới là thành tích của người mẹ! Bỏ con mình chưa đủ cứng cáp đi vận động nọ kia, nó sài mòn sài đẹn thì ai gánh hay chính chị ấy?
Tôi không nhớ mình còn nói thêm gì nhiều nữa không. Chỉ biết sau đó chị chảy nước mắt, ôn lại đận một mình nuôi đứa con dặt dẹo sài đẹn do thiếu dinh dưỡng. Sau khi chùi nước mắt, nhấp chén trà tôi pha mời chị lúc này đã nguội lạnh, chị trầm ngâm chia sẻ: Em đã làm mấy cuốn sách mà chẳng thấy ai biên tập lạ như anh. Bây giờ em hiểu anh nói đúng. Đúng là viết em chỉ nhìn theo phong trào và vận động theo phong trào. Không bao giờ nhìn lại mình.
Đến đây thì chị đồng ý rút bài phóng sự ra khỏi cuốn sách. Tôi đã nhổ "cái đinh" của cuốn sách như thế!