Thư gửi robot citizen: Độ 'mềm' của dòng sông

Sophia thân mến! Khá đặc biệt, trong nửa đầu tháng 8 này, nhiều thông tin liên quan tới quy hoạch không gian ven sông Hồng được đưa ra và thu hút sự chú ý của người dân Hà Nội.

Cụ thể, theo thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố, cùng với tiến độ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, từ cuối năm 2023 và năm 2024, Hà Nội sẽ đồng loạt triển khai đối với các quy hoạch 2 bên sông Hồng. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về vấn đề này.

Rồi, cũng liên quan tới việc lập quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, một "thành phố nổi" ven sông Hồng vừa được các đơn vị tư vấn đề xuất thực hiện.

Thực tế, những bước tiến - và cả viễn cảnh - về quy hoạch không gian quanh sông Hồng luôn được người dân thành phố đón nhận với sự háo hức lẫn chút… băn khoăn.

Thư gửi robot citizen: Độ 'mềm' của dòng sông - Ảnh 1.

Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Háo hức, bởi đã quá lâu, chúng ta vẫn mong chờ ngày con sông lớn nhất chảy quanh thành phố được cải tạo và quy hoạch, để thật sự mở ra một trục không gian mới trong đô thị. Còn băn khoăn, bởi với quy mô quá lớn, cộng cùng những đặc thù riêng, bất cập do lịch sử để lại, việc chỉnh trang và tái phát triển khu vực liền kề sông Hồng luôn đối mặt với những thách thức đặc biệt.

Chẳng hạn, trước khi có đề xuất về "thành phố nổi", thực tế nghiên cứu những năm qua cho thấy: Sông Hồng đặc biệt… khó tính với dòng chảy luôn biến động  phức tạp, khó định hình. Và, mọi quy hoạch gắn với nó đều phải tính tới sự biến đổi của dòng chảy, của lưu lượng nước, đồng thời hạn chế tối đa sự can thiệp từ kè cứng hay bê tông hóa.

Rồi, nhiều chuyên gia từng khẳng định: không chỉ hạn chế nhà cao tầng, không gian bên sông Hồng cũng cần hạn chế cả nhà ống lẫn các khối cửa hàng san sát như các dãy phố nội thị. Những khối công trình ấy cần được tổ chức thành từng cụm cách xa nhau, đan xen cùng công viên, cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa... Để rồi, dải không gian ven sông  phải có màu sắc chủ đạo là màu xanh của cây lá và mặt nước, phải có chiều sâu và độ dày với những tuyến phố vuông góc, những lối đi xanh, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi cho tất cả cộng đồng.

Như lời GS Hoàng Đạo Kính, giữa những phần đô thị hóa "cứng" đang phát triển liên tục tại Hà Nội, sông Hồng cần có không gian chuyển tiếp"mềm" với hệ thống sinh thái tự nhiên, để dần  trở thành một dòng sông chảy lững thững giữa thành phố trên nền thiên nhiên hiền hòa của nó. Nơi ấy phải có không gian của cây xanh mặt nước, có dáng dấp của những công viên được chăm sóc tốt - nhưng là những công viên tự nhiên, nơi sông thở, đất thở và con người cũng muốn bước tới đó để hít thở và tìm kiếm sự tự do, khoan thai cho mình…

Sophia thân mến!

Như vậy, sự mềm mại của dòng chảy sông Hồng, của không gian xanh quanh nó - thay cho những khối bê tông đồ sộ - của hình thái kết nối và chuyển tiếp giữa sông với 2 bờ đô thị… luôn là giấc mơ của rất nhiều người. Nó gắn với xu thế hiện hữu, khi cộng đồng giữa một đô thị phát triển luôn có xu hướng đề cao và tìm về với không gian sinh thái, với cây xanh hay mặt nước.

Và những ý tưởng phát triển quanh sông Hồng của chúng tôi sẽ còn được bàn thảo - và tất nhiên, nên được tính tới để điều chỉnh cho phù hợp với xu thế ấy. Dù ai cũng hiểu, đó không thể chỉ là câu chuyện của một sớm một chiều.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Trí Uẩn/TTXVN

Link gốc: TTVH