Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly giữ lửa âm nhạc truyền thống
Tối qua, 16/1, tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra sự kiện ra mắt album Tinh hoa đạo học (Vol.1) của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly. Đây là cô "con gái nhận" mà tôi rất quý yêu, nể phục về niềm đam mê, tâm huyết, trách nhiệm cho nghệ thuật truyền thống.
Album Tinh hoa đạo học (Vol.1) gồm 6 tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam, gồm Phiêu bồng trần gian, Tứ linh huấn tử, Tinh hoa đạo học, Đồng dao hành trình đạo học, Đệ nhất sắc hương, Vinh quy bái tổ. Đinh Khánh Ly đang say mê đi tìm những nét mới trong âm nhạc dân gian, truyền thống.
Ca ngợi đạo học của người Việt Nam
Album là một sản phẩm nghệ thuật thuộc Chương trình trải nghiệm Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sử dụng công nghệ 3D mapping, phối hợp cùng kỹ thuật dàn dựng ánh sáng và âm thanh chuyên nghiệp, độc đáo. Dù mới đi vào hoạt động, nhưng chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc cho du khách, với những trải nghiệm, khám phá văn hóa dân tộc đậm không gian đạo học tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam thế kỷ 11.
Toàn bộ album với 6 bản hòa tấu hòa quyện 5 nhạc cụ dân tộc, tương ứng với các lớp không gian ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (trống đồng, sáo, nguyệt, nhị, thập lục), nhằm bám sát chủ đề của 3D mapping Tinh hoa đạo học và sử dụng một phần nhạc nền ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua từng khúc nhạc, từng chủ đề được khắc họa về hành trình của những Nho sinh đến với đạo học, giúp khán giả thấu hiểu sâu sắc những giá trị của tinh hoa đạo học từ truyền thống hiếu học; từ gia đạo, gia phong, gia huấn trong mỗi gia đình; từ ý chí phấn đấu bền bỉ của mỗi Nho sinh trên con đường khai mở mang tri thức.
Ca khúc Phiêu bồng trần gian là bản phối lấy ý tưởng từ ý thơ trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du: "Phong lưu phú quý ai bì/ Vườn xuân một cửa để bia muôn đời". Câu thơ gợi phúc lộc "phong lưu phú quý" cùng cảnh nhà tươi đẹp như vườn hoa mùa Xuân. Chữ "để bia muôn đời" chính là để tiếng khen, tiếng thơm cho muôn đời. Ca khúc này cũng xuất hiện ở cuối phim Đại thi hào Nguyễn Du, như lời kết cho cuộc đời đầy phong trần của Nguyễn Du.
Lấy chất liệu từ Truyện Kiều, bản phối Phiêu bồng trần gian gợi sự lắng đọng, da diết, mang âm hưởng dân gian, nhưng cũng khá hiện đại. Câu thơ ca ngợi chí lớn của các bậc Nho sinh xưa trên con đường lập thân, lập chí.
Khúc Tứ linh huấn tử gợi cảm hứng từ 4 bức phù điêu Huấn tử trên tứ trụ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gồm Lão long huấn tử (rồng già dạy con), Kỳ lân huấn tử (kỳ lân dạy con), Lão quy huấn tử (cụ rùa dạy con), Phượng hoàng huấn tử (phượng hoàng dạy con).
Nhạc sĩ Đinh Khánh Ly bày tỏ: "Nghệ nhân thật khéo léo, tài tình thể hiện trên phù điêu hình ảnh một con lớn được chạm khắc công phu, rõ nét, tỉ mỉ đến từng chi tiết ở trên cao, quay đầu xuống như đang nói chuyện với con nhỏ phía dưới, còn non nớt, chưa trưởng thành".
Nhạc sĩ đã cảm nhận được những thông điệp nghệ thuật từ các nghệ nhân gửi gắm qua phù điêu về tích truyện thể hiện sự truyền dạy nghiêm khắc mà tràn đầy yêu thương, thông qua những động tác như vờn múa, bay lượn uyển chuyển, tinh tế. Lão long, kỳ lân, lão quy, phượng hoàng cùng hình ảnh người cha dìu dắt con thành đạo từ thuở tấm bé, nuôi dưỡng ý chí bền bỉ qua từng tháng năm đã làm nên giai điệu đầy xúc cảm.
Khúc Tinh hoa đạo học mở ra một cánh cửa âm nhạc đặc biệt, truyền tải những giáo lý, giá trị và ca ngợi đạo học của người Việt Nam từ bao đời nay: "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".
Lấy cảm hứng từ những đường nét mềm mại của hoa sen, Đinh Khánh Ly sáng tác Khúc đệ nhất sắc hương bằng giai điệu mộc mạc, tinh tế, gợi lên dáng vẻ thanh tao, thuần khiết của hoa sen. Nhạc sĩ muốn chuyển tải một thông điệp quan trọng là tâm hồn, cốt cách của con người, của dân tộc Việt Nam như đóa sen vươn cao, tỏa hương thơm ngát, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Khúc Vinh quy bái tổ trang trọng và đầy tự hào dành tôn vinh cho tân khoa đỗ đạt làm rạng danh dòng họ và quê hương.
Album là hòa tấu nhạc cụ dân tộc gồm sáo trúc, trống, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu... trên nền nhạc EDM, epic và world music, nên chỉ Đồng dao hành trình đạo học là có lời:
"Nghe về tinh hoa đạo học
Người quân tử dùng ngòi bút tu thân
Mở rộng tấm lòng giúp dân giúp nước
Nuôi dưỡng điều thiện xa rời điều ác
Tiếng tăm lưu danh sử sách ngàn đời
Vun trồng điều chính thuận lý hợp tình
Muôn đời không đổi tu sửa chính mình
Thanh tâm quả dục ý thiện ngôn lành
Tiếng thơm muôn thuở quyết nuôi chí lớn
Giữ đạo nho gia góp hết tâm tài
Để không phụ lòng các bậc tiền nhân"
Khúc nhạc này viết về hành trình người quân tử dùng ngòi bút tu thân, mở rộng tấm lòng, giúp dân giúp nước, không phụ lòng các bậc tiền nhân.
Khúc Tinh hoa đạo học mở ra một cánh cửa âm nhạc đặc biệt, truyền tải những giáo lý, giá trị và ca ngợi đạo học của người Việt Nam từ bao đời nay.
Album đầu tiên về Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Trong khuôn khổ sự kiện, nhạc sĩ Đinh Khánh Ly cũng trình diễn các khúc hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng các nghệ sĩ, mang lại không gian trải nghiệm âm nhạc ý nghĩa và nhiều cảm xúc cho du khách.
TS Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên có một nhạc sĩ sáng tác riêng một album về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những giá trị của di tích gắn liền với đạo học được thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật rất hấp dẫn - là âm nhạc - sẽ mang đến cho công chúng những cảm xúc đặc biệt, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản này".
Ông Xuân Kiêu nói thêm: "Chúng tôi hy vọng album Tinh hoa đạo học của nhạc sĩ Đinh Khánh Ly sẽ mở đầu cho nhiều sáng tác của nhiều người khác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, để không gian này luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ về sáng tạo, về văn hóa trong thời gian tới".
Ngoài hình ảnh bằng công nghệ ánh sáng ấn tượng, góp phần làm nên thành công của phim 3D mapping còn có sự hỗ trợ rất lớn từ âm thanh và những bản nhạc được viết riêng cho chương trình. Đinh Khánh Ly giữ vai trò sáng tác, sản xuất và hòa âm.
***
Đinh Khánh Ly sinh năm 1990 tại tỉnh Hòa Bình, năng khiếu âm nhạc được bộc lộ từ nhỏ. 12 tuổi, bé Khánh Ly được gia đình cho học chuyên ngành đàn bầu tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc. Sau đó về Hà Nội học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương…, cùng nỗ lực của bản thân, Khánh Ly đã hiện thực hóa được ước mơ, để thủy chung với con đường âm nhạc truyền thống.
Ra mắt album Tinh hoa đạo học (Vol.1), Đinh Khánh Ly mong muốn gửi gắm tâm huyết, đam mê, ý thức, trách nhiệm của một nghệ sĩ trẻ được trao truyền, chuyển tải, lan tỏa âm nhạc truyền thống. Đồng thời, góp phần tôn vinh các danh nhân, nền văn hóa giàu bản sắc đến đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng chung niềm đam mê, tự hào với âm nhạc dân tộc.
Nhạc phim hiện đại gợi mở từ âm nhạc dân gian
Đinh Khánh Ly là nhạc sĩ rất có duyên với nhạc phim. Cô là tác giả phần nhạc cho rất nhiều bộ phim như Sao xanh nơi biển sóng, Bình minh phía trước, Hoa hồng mua chịu (ca khúc Nụ hồng cho em), Hạt mưa sa (ca khúc Như hạt mưa sa), Trái tim người mẹ (ca khúc Chỉ có thể là mẹ), Huyền thoại Mường Trời (ca khúc Hoa trên đá), Những người lính thầm lặng (ca khúc Lặng thầm người lính), Bình minh đang lên, Đại thi hào Nguyễn Du, Hoa lan đệ nhất sắc hương...
Với cách làm nghệ thuật chỉn chu, nghiêm túc, say mê, Đinh Khánh Ly luôn nỗ lực tìm cái mới trong âm nhạc dân gian. Cô mạnh dạn đưa hát xẩm và ca trù cổ vào phim Bình minh phía trước (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), tạo nên hiệu quả thẩm mỹ và cho thấy sức thể nghiệm với nhiều thể loại âm nhạc.
Gần đây, Đinh Khánh Ly được Quảng Ninh mời viết nhạc cho bộ phim Bình minh đang lên, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Sáng tác 5 ca khúc cho bộ phim, Đinh Khánh Ly luôn tìm hiểu, vận dụng sáng tạo, đưa vào tác phẩm bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Đông Bắc. Cô còn kiêm ca sĩ, hát chính 4 ca khúc với chất giọng đẹp, ấm áp, trữ tình, giàu cảm xúc.