Ngẫm cùng 'vùng trời âm nhạc' Đà Lạt
Đà Lạt chính thức được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một tin vui. Thế nhưng, điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc Đà Lạt đang sở hữu các giá trị sáng tạo theo ý nghĩa hoàn bị nhất. Đà Lạt đang trong quá trình xây dựng một môi trường kích cầu sáng tạo nghệ thuật thực thụ, theo đúng các cam kết trong hồ sơ trình duyệt với UNESCO.
Ưu đãi từ thiên nhiên, khí hậu, môi trường sống an lành, pha hòa nét lãng mạn rất riêng trong tính cách con người tại chỗ đã khiến Đà Lạt trở thành điểm đến lý tưởng, không chỉ để du lịch, nghỉ dưỡng, mà đó còn là nơi để học hành, trau dồi tri thức, tìm tòi nguồn cảm hứng sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật.
Đi từ vùng trời ký ức
Vào thập niên 1950 - 1960, vị thế này đã biến Đà Lạt là tâm điểm của nhiều mô hình quan trọng. Đà Lạt nở rộ nhiều studio ảnh được du khách miền Nam ghé đến như Văn Hoa, Đại Việt, Mỹ Dung, Vân Khánh, Người Ảnh, Hồng Thủy, Hồng Châu...
Nhiều loại hình sinh hoạt văn nghệ và học thuật có liên quan tới âm nhạc, kịch nghệ, các studio làm đẹp, nhiếp ảnh nghệ thuật, khoa giảng dạy âm nhạc Tây phương... Chưa kể cộng đồng ca đoàn hùng hậu ở nhiều giáo xứ đã tôn thêm môi trường và tạo cảm hứng cho đông đảo giới văn nghệ, trí thức.
Trên địa hạt âm nhạc, bên cạnh âm nhạc nhà thờ (các ca đoàn, dàn hợp xướng), âm nhạc thính phòng (thông qua các phòng trà ca nhạc), ngay trong các bản làng dưới chân núi Langbiang cũng luôn dưỡng nuôi suối nguồn âm nhạc dân gian độc đáo của bà con Cil – Lạch...
Phim ảnh, mỹ thuật, văn thơ và nhất là âm nhạc lấy cảm hứng từ Đà Lạt nở rộ với hàng loạt tác phẩm thanh nhạc vẫn còn đi cùng năm tháng. Nổi bật là sáng tác của Minh Kỳ, Phạm Duy, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Trần Thiện Thanh, Quốc Dũng, Lam Phương... Thập niên 1960 - 1970, những sáng tác đó góp phần tạo lập uy thế riêng của miền ký ức âm nhạc mang tên Đà Lạt.
Nhiều tài danh âm nhạc ít nhiều gắn bó hoặc có liên quan tới Đà Lạt, từng sống - sáng tác hoặc ra đi từ vùng đất khơi nguồn sáng tạo này: Khánh Ly, Thanh Tuyền, Sơn Tuyền, Trần Thiện Thanh, Tuấn Ngọc (gia đình Lữ Liên), Duy Quang (gia đình Phạm Duy), Nguyễn Ánh 9, Từ Công Phụng, Trịnh Nam Sơn, Lệ Thu, Dũng Đà Lạt... cùng lớp ca sĩ sau này (Nguyên Thảo, Xuân Phú, Đình Nguyên, Bonneur Trinh, Trọng Bắc, Minh Đức, Tuyết Mai, Mỹ Ngọc...).
Đặc biệt, từ thập niên 1980 trở đi, "làng ca hát" dưới chân núi Langbiang đầy cảm hứng của Krajăn Plin, Krajăn Dick, Mơbon Ka Thiếu, Cil K'Rao, Bonneur Trinh, Cil Pơi, Krajăn Út, Cil Glé, Panting Sally, PangTin Ben Ziên, Krajăn Drim , Krajăn Doan, Liêng Hót Uyên Ly… sang thế hệ nối tiếp hiện nay như Dagout Brice Liêm, Krajăn Sik, Krajăn Diôn, Liêng Hót Kinh, Cil Dalin, Cil Jolin, Daguot Đoát, Pàngpề Duil, Krajăn K'Druynh… cùng hàng chục nhóm diễn tấu cồng chiêng hằng đêm phục vụ nhu cầu giao lưu thưởng thức của đông đảo du khách thập phương.
Từ thập niên 1990 trở đi, Đà Lạt cũng là nơi đưa loại hình âm nhạc dân tộc - không gian văn hóa cồng chiêng vào phục vụ du lịch, gần như sớm nhất. Dòng chảy của âm nhạc dân gian K'Ho (từ các điệu cồng chiêng, các điệu dân vũ, hát ru, những sáng tác mới...) theo đó cũng liên tục được cọ xát, mài giũa để tạo tác một linh hồn riêng, phong cách riêng cho gia tài âm nhạc chung của Đà Lạt.
Sau thập niên 1980, Đà Lạt còn có nhà sáng tác thuộc Bộ Văn hóa - nơi thường xuyên duy trì các trại sáng tác đa thể loại hàng năm. Riêng âm nhạc cũng có nhiều dạng thức (thanh nhạc, hợp xướng, rondo, concerto, romance, tổ khúc, tác phẩm khí nhạc hoặc chuyển soạn cho nhạc cụ trình tấu...). Từ cánh sóng của radio Lâm Đồng, chuyên mục Văn nghệ truyền hình Lâm Đồng, nhiều sáng tác mới ra lò từ các trại sáng tác đã liên tục được giới thiệu rồi lan tỏa trên đài và đi xa khắp nơi. Đó là tác phẩm mới của Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Từ Huy, Dương Thụ, Phú Quang, Miên Đức Thắng, Thế Hiển, Thế Bảo, Trần Kiết Tường, Dương Toàn Thiên, Mạnh Đạt, Đình Nghĩ, Quỳnh Hợp, Trọng Thủy, Sông Trà, Sóng Trà, Ái Lan, Dương Toàn Thắng, Khánh Vinh...
Về khí nhạc thì có Trọng Đài, Phú Quang, Mạnh Đạt, Đỗ Hồng Quân, Phạm Tuyên, Phó Đức Phương và rất nhiều nhạc sĩ khác, đến từ mọi miền đất nước.
Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng cũng chính là nơi duy trì thường xuyên các chương trình âm nhạc (Bài ca đất nước, Ca nhạc thiếu nhi, Nhạc quốc tế, Tác giả và tác phẩm). Cuối thập niên 1990 trở đi, khi công nghệ phát thẳng (do tổ chức Sisa, Thụy Điển chuyển giao) các chương trình giao lưu ca sĩ - nhạc sĩ - nghệ sĩ - khách mời đa lĩnh vực và ngành nghề liên tục thu hút thính giả, trong đó âm nhạc là cầu nối, là chất liệu kết dính không thể thiếu vắng; vừa tạo cảm hứng tiếp cận, nâng cao tri thức thẩm mỹ cho công chúng một cách mềm mại hơn. Nổi bật là loạt chương trình Thời sự và âm nhạc, Giao lưu chuyên đề, Hộp thư âm nhạc, Quà tặng âm nhạc, Ca nhạc theo yêu cầu... Nhiều ca sĩ - nghệ sĩ thành danh hoặc tên tuổi trẻ đã tham gia vào chương trình, tạo nên mạch cảm hứng cho không gian văn hóa chung (Bảo Yến, Lan Ngọc, Hồng Nhung, Thu Phương, Lam Trường, Minh Thuận, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Vân Khánh, Nguyên Thảo...).
Thực tế cho thấy, chính âm nhạc qua phát thanh và sóng truyền hình đã trở thành nhu cầu không thể thiếu vắng của công chúng trong và ngoài tỉnh, nhất là giới công chức, hưu trí, sinh viên học sinh, quân nhân, công nhân, tiểu thương, tài xế... đang sinh sống, làm việc, học tập tại Lâm Đồng. Đáng tiếc là thời gian gần đây, ảnh hưởng của bản quyền âm nhạc buộc kênh sóng này đã phải tạm gián đoạn vì nguồn kinh phí của các đài có hạn. Thực tế cho thấy: việc tự sản xuất các chương trình văn nghệ không hề dễ dàng, trong lúc nguồn thu - nguồn xã hội hóa - tại chỗ rất khó khăn; mặc khác, từ trước đến nay hầu hết các chương trình phát sóng đều là phục vụ miễn phí cho công chúng.
Đến giai đoạn "Thành phố sáng tạo" về âm nhạc
Niềm vui, sự hãnh diện chung cho Đà Lạt khi thành phố chính thức được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Cơ hội lớn để Đà Lạt trở thành điểm đến quốc tế, một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch - dịch vụ nâng lên một tầm cao mới.
Kinh nghiệm từ nhiều thành phố di sản - thành phố sáng tạo khác trên thế giới cho thấy: lượng khách sẽ có sự tăng trưởng nhanh và thường xuyên hơn, kết hợp với đó là chất lượng sống, nhu cầu phát triển tinh thần của cộng đồng dân cư cũng được nâng lên rõ rệt. Song, để đáp ứng được yêu cầu của một "Thành phố sáng tạo", Đà Lạt cần sớm quy hoạch tổng thể và đồng bộ hơn về hệ thống cơ sở vật chất. (Không gian phục vụ sáng tạo, tổ chức biểu diễn có quy mô đáp ứng đủ, từ các sân khấu biểu diễn, nơi hội thảo trao đổi cho tới các studio đạt chuẩn quốc tế để thu in các tác phẩm âm nhạc, kéo theo chính là sự đồng bộ của hệ thống thiết bị âm thanh, nhạc cụ, trại sáng tác, nơi đủ sức cung ứng cho các dàn nhạc - nhóm nhạc trình tấu...).
Đà Lạt chưa có viện đào tạo âm nhạc, ngay trong các trường cao đẳng, đại học... cũng chưa có khoa âm nhạc. Giáo dục âm nhạc phải mang tính toàn dân và theo hướng đại chúng hóa, nghĩa là nó phải được quan tâm thường xuyên, liên tục ngay từ cấp học cơ sở.
Đến một thành phố sáng tạo âm nhạc, nghĩa là giác quan nghe - nhìn - cảm thụ và ứng tác được đáp ứng và thỏa mãn ở mức cơ bản nhất. Từ sinh hoạt âm nhạc gia đình, trường học, đường phố ra đến các môi trường biểu diễn chuyên nghiệp hơn (đoàn nghệ thuật, sân khấu trình diễn, các đại nhạc hội âm nhạc, lễ hội âm nhạc... hội tụ dòng dân gian, bác học cho đến các dòng nhạc thịnh hành, đương đại khác).
Đà Lạt thiếu mặt bằng đủ rộng cho các sự kiện đông người, thiếu các sân khấu hiện đại, hoành tráng, thiếu cả đội ngũ chuyên nghiệp đủ tầm cho các sự kiện quy mô quốc tế (tổ chức sự kiện, lực lượng nhạc công và nghệ sĩ tương xứng, hậu cần phục vụ sự kiện âm nhạc...).
Đà Lạt hiện có một trường âm nhạc tư nhân nhiều dấu ấn do nhạc trưởng Nguyễn Bách và vợ là pianist Đoàn Lê Thanh Tú thành lập, từng tổ chức hai show âm nhạc thính phòng quy mô, đó là Tiếng dương cầm hát, phục vụ miễn phí công chúng Đà Lạt.
Có 2 dự án nghệ thuật tư nhân có liên quan tới mảng nghệ thuật và âm nhạc, đó là Phố Bên Đồi (hình thành hơn 5 năm, tiên phong trong cổ súy nghệ thuật đa hình thái gắn với giáo dục) và Stop and Go Art Space (Cung đường nghệ thuật Đà Lạt). Một công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp (Hồ Thiên Hà Event), một sân khấu hiện đại, đầu tư trước dịch Covid-19 (Dalat Opera House)… Thế nhưng, họ chưa có đủ sự hậu thuẫn mạnh mẽ, thường xuyên từ thành phố, tỉnh nhà.
Nói tóm lại: công nghệ sản xuất, biểu diễn, phục vụ cho một đời sống âm nhạc lớn, đa dạng và xứng tầm, không phải là giấc mơ một sớm một chiều. Đó là cả một sự nghiệp dài lâu, cần phải có sự chung tay đầu tư của các tổ chức quốc tế, nhưng trước hết vẫn là năng lực vận động, liên kết tự thân của chính địa phương, một khi đã chấp nhận vào sân chơi lớn, đầy thử thách, nhưng hấp dẫn này vậy. Âm nhạc không đứng riêng biệt, mà nó phải gắn bó hữu cơ với nhiều loại hình văn hóa nghệ thật khác, trong đó có kinh tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ...