Chữ và nghĩa: Cả bì, trừ bì và phủ bì
Cả bì, trừ bì và phủ bì -ba tổ hợp đều chung cấu trúc "x + bì" (có chung thành tố "bì" đứng cuối). Vậy bì là gì thế?
"Bì" 皮là từ Hán-Việt. Trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2020) từ này có 4 nghĩa. Nhưng có một nghĩa liên quan tới vấn đề mà bài viết này đang bàn, đó là nghĩa chỉ "vật dụng làm bao, làm vỏ bọc ngoài (một số vật dụng)" (xuất phát từ nghĩa của "bì" chỉ da lợn, da trâu… hoặc lớp vỏ ngoài của một số cây, quả). Mọi vật dụng, hàng hóa, sản phẩm nói chung đều phải có bao đựng (túi giấy, túi ni-lon, túi vải, bao tải, hộp gỗ, thùng đựng các loại…) để tiện cho việc trao đổi, bảo quản, dễ chuyên chở, tránh hư hao, mất mát…
Tất nhiên, trong giao dịch người ta phải căn cứ vào định lượng cân nặng của vật dụng. Nhưng vì vật dụng có bao bì nên sau khi cân xong, người ta phải trừ trọng lượng của bao bì để tính phần trọng lượng thực. Một mớ cá, một thúng khoai, một hộp bánh, một bao gạo… cân xong đều phải "trừ bì" cho người mua biết số lượng hàng thực tế cần thanh toán (hoặc trao đổi).
Nhiều người bán bị coi là "cân điêu" khi lờ đi không trừ bì. Trong trường hợp hàng hóa hoặc vật dụng phải cân nhiều lần và dùng đi dùng lại một loại "bì" (mỗi lần cân là một "mã cân") thì người ta phải cân "tịnh bì" (cân bì một lần làm căn cứ).
Ví dụ, để cân một số lượng khoai tây lớn, đổ thành đống, người ta phải xếp khoai vào thúng, rổ, sọt hoặc hộp đựng… thì thúng, sọt, hộp kia phải đặt lên cân trước. Cân xong cả "mẻ" sẽ lấy tổng trọng lượng trừ đi "trọng lượng bì nhân với số mã cân". Trọng lượng tổng thể thường được gọi là "trọng lượng cả bì". Sau đi "trừ bì" sẽ cho ta "trọng lượng tịnh".
Trọng lượng tịnh là trọng lượng thực tế của hàng hóa, không có trọng lượng bao bì. Trọng lượng trừ bì có khi rất nhỏ (bao ni-lon, bao giấy, bao tải mỏng…), nhưng có khi rất nặng, như phải cân cả một container hoặc ô tô chở hàng cỡ lớn thì chiếc container hoặc ô tô rỗng (lúc chưa có hàng) chính là một dạng bao bì, có khi lên tới hàng tấn…
Nhưng trong giao dịch nhà cửa hiện nay, người ta có dùng một thuật ngữ có liên quan tới bì là "phủ bì".
Thí dụ ta đi mua một căn hộ nào đó, chủ đầu tư (hoặc chủ nhà) thường đưa ra hai thông số tính diện tích là "diện tích thông thủy" và "diện tích phủ bì".
Diện tích thông thủy là diện tích căn hộ được đo đạc theo phạm vi (theo cách nói dân gian) là "nước có thể lan tỏa (trong nhà)", bao gồm diện tích bên trong căn hộ + diện tích ban công + diện tích lô gia + diện tích tường ngăn các phòng bên trong (không dùng cột) căn hộ đó. Diện tích phủ bì là diện tích tường bao quanh căn hộ (hoặc bao quanh ngôi nhà) + tường phân chia căn hộ có cột + hộp kỹ thuật nằm trong căn hộ.
Diện tích phủ bì chính là toàn bộ không gian chiếm chỗ khi xây dựng. Diện tích thông thủy là diện tích sử dụng thực tế. Việc xây tường mỏng (tường 10cm, tường con kiến) hoặc tường dày (20, 30cm hoặc hơn) sẽ làm giảm hoặc tăng diện tích phủ bì và kéo theo là sẽ tăng hoặc giảm diện tích thông thủy. Các nhà xây dựng hiện nay có xu hướng gia cố kết cấu chính (dựng cột), xây tường mỏng để tận dụng tối đa diện tích sử dụng.
Như vậy, "bì" trong phủ bì hoàn toàn không còn mang nghĩa chỉ "cái bao bì (bao gói)" thông dụng như ta vẫn dùng trước đây mà là khái niệm phân biệt các loại diện tích trong kiến trúc. Đó là hiện tượng "chuyển di - phái sinh ngữ nghĩa" mà tiếng Việt (cũng như nhiều ngôn ngữ khác) vẫn sử dụng như một phương thức tạo từ đơn giản, tiết kiệm và tiện dụng (do có sự liên tưởng gần nghĩa).
Quà nom "hoành tráng" thế thôi
"Trừ bì" vỏ hộp đi rồi nhẹ không