LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Sáng 23/11, hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" được tổ chức tại TP. Đà Lạt trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XXIII.

Phát biểu đề dẫn cuộc Hội thảo, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng BTC LHP Việt Nam lần thứ XXIII – khẳng định: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế".

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng BTC LHP Việt Nam lần thứ XXIII. Ảnh: Trần Huấn

Theo đó, ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng, để đạt mục tiêu trên đây cần có sự chung tay, nỗ lực của các nhà hoạt động điện ảnh, nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành lĩnh vực khác như tài chính, du lịch, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông, cùng vai trò không kém phần quan trọng của công chúng khán giả.

Hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính… cùng chia sẻ thông tin, bàn thảo, nhận định, đánh giá, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh trong những năm tới.

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Lý Phương Dung (giữa) - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Tiểu ban Báo chí - Tuyên truyền của LHP Việt Nam lần thứ XXIII cùng các nghệ sĩ tại Hội thảo. Ảnh: Trần Huấn

"Công nghiệp điện ảnh là ngành kinh tế sáng tạo thông qua tài năng nghệ thuật, sức sáng tạo của các nghệ sĩ, và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên sản phẩm hàng hóa đặc biệt là những bộ phim lôi cuốn, đến với người xem bằng nhiều hình thức phổ biến hiện đại, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 và tính toàn cầu hóa của nghệ thuật điện ảnh. Cùng đó, các tác phẩm điện ảnh của chúng ta vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Sức sáng tạo độc đáo, nhân văn, hướng thiện của các nghệ sĩ điện ảnh trong mỗi tác phẩm điện ảnh đóng vai trò quan trọng để thu hút công chúng khán giả và khẳng định vị trí của điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế" – ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh thêm.

Hội thảo trao đổi xoay quanh một số nội dung như: Chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim, hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc huy động các nguồn vốn cho Điện ảnh, công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với công tác khán giả; Hoạt động gắn kết giữa điện ảnh và du lịch, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó các vấn đề về công nghệ, về trường quay, các kiến nghị, đề xuất được trao đổi nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong những năm tiếp theo.

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 3.

Quang cảnh Hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam". Ảnh: Trần Huấn

* Hợp tác quốc tế về điện ảnh có nhiều khởi sắc

Theo bà Trần Hải Vân – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VH,TT&DL – hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh thời gian qua có nhiều khởi sắc.

"Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam ngày càng thể hiện là thành viên tích cực và trách nhiệm trong các hoạt động thường kỳ, các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về điện ảnh... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, dự án về điện ảnh, nghe nhìn, lữu trữ trong khuôn khổ ASEAN, UNESCO, ủng hộ các nỗ lực của Hàn quốc trong việc thành lập tổ chức Điện ảnh ASEAN - Hàn Quốc…" – bà Hà Hải Vân cho biết.

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 4.

Cảnh phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Ảnh: TL

Được biết, hàng năm, Nhà nước đều dành kinh phí để điện ảnh Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế có uy tín như Liên hoan phim Tokyo, Liên hoan phim Busan… Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim3; Điện ảnh Việt Nam cũng gửi phim tham dự các Liên hoan phim, Giải thưởng phim danh tiếng như Oscar, Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Thượng Hải…

Một số dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua tại các liên hoan phim quốc tế có thể kể tới như: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2015, đạt giải thưởng Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road 2015, là đại diện chính thức của Việt Nam tại vòng sơ loại cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2017; bộ phim "Người bất tử" tham dự hạng mục Crosscut ASIA ở Liên hoan phim quốc tế Tokyo; bộ phim "Cha cõng con" đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, là đại diện của Việt Nam tham dự giải Oscars lần thứ 90; phim "Ròm" của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy dành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc); phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất và giải Đặc biệt của Ban giám khảo cho phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam; phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diện Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng lớn nhất tại Liên hoan phim 3 châu lục (Pháp)… Gần đây nhất, tại Liên hoan phim Cannes 2023, điện ảnh Việt Nam đã để lại dấu ấn đặc biệt với bộ phim "Bên trong vỏ kén vàng" của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng và đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất cùng bộ phim "The Pot-Au-Feu" (bộ phim này sau đó đã được chọn đại diện cho điện ảnh Pháp tranh giải tại hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong khuôn khổ Oscar 2023).

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 5.

Phim "Những đứa trẻ trong sương"

Cũng theo bà Trần Hải Vân nhiều phim Việt không chỉ gây ấn tượng ở phòng vé trong nước mà còn tạo kỳ tích vượt qua những tiêu chí khắt khe của thị trường phim nước ngoài để có mặt tại các rạp chiếu phim ở nhiều quốc gia vốn có thị trường điện ảnh lớn mạnh.

* Điện ảnh góp phần thu hút du lịch

Phát huy tiềm năng thế mạnh của điện ảnh trong thu hút khách du lịch được nhiều địa phương quan tâm triển khai thúc đẩy, như: Khánh Hoà, Phú Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, TP. HCM…

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên - con người, được biết, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho hàng trăm đoàn phim chọn bối cảnh của Lâm Đồng để thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc đã tạo ra nhiều bộ phim điện ảnh nổi tiếng được đông đảo khán giả yêu thích như: Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em, Dốc tình, Mùi oải hương năm ấy, Ống kính sát nhân, Em và Trịnh, Chuyến đi của thanh xuân… 

Theo ông Trần Thanh Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng - riêng năm 2022, tỉnh này đón 130 đoàn làm phim và đều áp dụng chính sách miễn phí cho các đoàn làm phim. Thông qua hoạt động này thu hút các nhà làm phim tiếp tục xây dựng ý tưởng, nội dung, sản xuất các bộ phim hay về Lâm Đồng - Đà Lạt góp phần giới thiệu, quảng bá về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, con người Lâm Đồng - Đà Lạt đến với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế; đẩy mạnh kích cầu du lịch, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

LHP Việt Nam lần thứ XXIII: Hội thảo về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Ảnh 6.

Phim "Ván bài lật ngửa" thực hiện các cảnh quay tại Đà Lạt. Ảnh: Viện Phim Việt Nam

Ông Trần Thanh Hoài cũng khẳng định khẳng định điện ảnh góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Về định hướng phát triển điện ảnh trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Lâm Đồng - Đà Lạt xây dựng các phim trường lớn; ưu đãi các nhà làm phim đến ghi hình, lấy bối cảnh và mong rằng các đoàn làm phim, các cơ quan phim ảnh chọn Đà Lạt - Lâm Đồng làm nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện, liên hoan phim trong nước cũng như quốc tế.

Trong năm 2024-2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án điện ảnh nhất là sau khi Đà Lạt chính thức được UNESCO công nhận Thành phố sáng tạo về âm nhạc vào tháng 10/2023 vừa qua. 

Hà Chi

Link gốc: TTVH