Thương hiệu 'Thành phố sáng tạo Hà Nội': Sự cần thiết của 'hệ sinh thái' sáng tạo

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã kết thúc hôm qua, 28/11, với thành công vượt dự kiến khi được kéo dài thêm 2 ngày để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Trong khuôn khổ lễ hội này đã diễn ra tọa đàm quốc tế rất thiết thực mang tên"Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực".

1. Về mặt cơ chế, chính sách, "Hà Nội là thành phố duy nhất trong cả nước ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO" - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết tại tọa đàm quốc tế Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực, được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Cụ thể, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, kết nối các không gian sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm.

Thương hiệu 'Thành phố sáng tạo Hà Nội': Sự cần thiết của 'hệ sinh thái' sáng tạo - Ảnh 1.

KTS Đoàn Kỳ Thanh (thứ 2 từ trái qua) tại tọa đàm. Ảnh: Đức Hiệp

Theo ông Hồng, nội dung của nghị quyết có đầy đủ nội hàm về nhận thức, cơ chế, chính sách liên quan đến quy hoạch, nguồn lực, cách thức tổ chức để khơi dòng những lợi thế, tiềm năng mà Hà Nội đang sẵn có trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Ông cũng cho biết thêm, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có những điều khoản quy định về lĩnh vực công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo. Hoặc tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, những nội dung về thiết kế không gian sáng tạo cũng được đề cập.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, từ năm 2019 - 2023 nhiều sự kiện, hoạt động đã được thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Điều này nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết khi gia nhập UCCN, từ đó từng bước đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống.

Điển hình phải kể đến hoạt động phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn thành phố. Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN năm 2019, Hà Nội mới chỉ có 2 không gian tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn, thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian khác, gồm: Phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông - công viên Thống nhất.

Cùng với đó, Hà Nội cũng chú trọng tổ chức các lễ hội văn hóa, lễ hội thiết kế sáng tạo, các sự kiện văn hóa tiêu biểu, như: Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại (2019, 2020), Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2020, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (2021, 2022), Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo (2021), Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội (2022, 2023)... Trong đó, nổi bật là Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 với chủ đề Sáng tạo và công nghệ, và năm 2023 với chủ đề Dòng chảy, bao gồm hàng loạt các hoạt động tọa đàm chuyên sâu, triển lãm, trình diễn nghệ thuật, trải nghiệm trò chơi sáng tạo…

Thương hiệu 'Thành phố sáng tạo Hà Nội': Sự cần thiết của 'hệ sinh thái' sáng tạo - Ảnh 2.

Show nhạc rock “Dòng chảy” tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

2. Xây dựng và phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội trong thời gian qua mặc dù có những tín hiệu khả quan, song KTS Đoàn Kỳ Thanh, đồng sáng lập nhiều tổ hợp sáng tạo như Zone 9, X98, Hanoi Creative City cho rằng: "Hà Nội là nơi có "sức tụ" rất lớn so với các thành phố khác ở Việt Nam, nên có rất nhiều cơ hội. Thế nhưng cho đến tận bây giờ, so với những cơ hội đó, Hà Nội vẫn chưa có được sự phát triển xứng tầm, đáng phải có".

Từ thực tế này, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhấn mạnh đến vai trò của hệ sinh thái sáng tạo trong phát triển công nghiệp sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Ông Thanh cho biết, công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ. Sáng tạo có ở mọi ngành nghề, tuy nhiên công nghiệp sáng tạo chỉ giới hạn trong 13 nhóm ngành nghề. Khi các nhóm ngành nghề này có cơ hội làm việc, hợp tác cùng nhau, sẽ tạo ra được sự bùng nổ về lợi ích. Để có cơ hội cho các nhóm ngành công nghiệp văn hóa được làm việc cùng nhau cần đặt ra vấn đề xây dựng hệ sinh thái sáng tạo.

Thương hiệu 'Thành phố sáng tạo Hà Nội': Sự cần thiết của 'hệ sinh thái' sáng tạo - Ảnh 3.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tại nhà máy xe lửa Gia Lâm

"Một trong những điều kiện để xây dựng hệ sinh thái, đó là xây dựng được những tổ hợp sáng tạo đủ lớn" -  anh khẳng định - "Hầu hết những ngành công nghiệp sáng tạo đều có đặc điểm chung là những công việc liên quan đến trực giác rất nhiều. Và trực giác đó đòi hỏi phải có sự tiếp xúc, va chạm trong những không gian sáng tạo đủ lớn. Từ đó, nghệ sĩ hoặc những người thực hành nghệ thuật có thể quy tụ với nhau để xây dựng nên đời sống nghệ thuật trong nội tại các không gian sáng tạo".

Ở đây, theo KTS Đoàn Kỳ Thanh câu hỏi cần thiết đặt ra là: Làm thế nào nhanh nhất để Hà Nội có thể có được những hạ tầng sáng tạo như vậy? Theo ông, Hà Nội đang có rất nhiều những không gian trống, không gian bỏ hoang, mà những người nghệ sĩ, nhà sáng tạo hoàn toàn có thể tận dụng khai thác có hiệu quả.

Thương hiệu 'Thành phố sáng tạo Hà Nội': Sự cần thiết của 'hệ sinh thái' sáng tạo - Ảnh 4.

Trải nghiệm không gian sáng tạo tại nhà máy xe lửa Gia Lâm thuộc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023

"Với sức sáng tạo của các nghệ sĩ, những không gian đó có thể được khai thác ngắn hạn hoặc tạm thời, nhưng để lại những hiệu ứng tích cực. Khi nghệ sĩ làm việc trong những không gian sáng tạo đó có thể dễ dàng kết nối nhiều ngành nghệ thuật với nhau như kiến trúc, hội họa, thời trang…" -KTS Đoàn Kỳ Thanh nhận định - "Những kết nối đó vừa giúp khuyến khích sáng tạo, đồng thời cộng hưởng các giá trị khác nhau của công nghiệp sáng tạo. Đơn cử như việc những người nghệ sĩ có thể chia sẻ với nhau về khách hàng của mình. Qua đó, càng thấy rõ, công nghiệp sáng tạo thành công khi thương mại hóa được các sản phẩm nghệ thuật".

Nhưng nhìn về tương lai lâu dài của những không gian sáng tạo, KTS Đoàn Kỳ Thanh cũng nêu một thực tế đáng buồn. Đó là trong quy hoạch, các ngành công nghiệp chế tạo hoặc sản xuất đều có những quỹ đất để phát triển, trong khi ngành công nghiệp văn hóa thì vẫn chưa có quỹ đất để phát triển các không gian sáng tạo. Mặc dù vai trò của ngành công nghiệp sáng tạo đã được nhận thức, cũng như những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của ngành công nghiệp này cũng đã được nhận diện.

"Những người nghệ sĩ có thể chia sẻ với nhau về khách hàng của mình. Qua đó, càng thấy rõ, công nghiệp sáng tạo thành công khi thương mại hóa được các sản phẩm nghệ thuật" - KTS Đoàn Kỳ Thanh.

Công Bắc

Link gốc: TTVH