Nan giải chuyện bảo quản hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật
Kiểm kê, bảo quản được Cục Di sản Văn hóa xác định là công tác có vai trò hết sức quan trọng trong các hoạt động bảo tàng. Trên tinh thần đó, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức tọa đàm Công tác kiểm kê, bảo quản các hiện vật tại các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. Qua đây, các bảo tàng mỹ thuật cùng nhìn lại những thiếu sót trong công tác này và tìm ra giải pháp khắc phục.
1. Tại tọa đàm, GS-TS Trương Quốc Bình (nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa) cho biết: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, một bảo tàng phải đáp ứng được 2 tiêu chí cơ bản là bảo quản và trưng bày hiện vật. Nhưng lâu nay, việc kiểm kê, bảo quản ở nhiều bảo tàng trên cả nước nhìn chung chưa được chú trọng đúng mức.
Từ thực tế của đơn vị mình, bà Đinh Thị Hoài Trai (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế) nhận thấy: Những cán bộ được đào tạo chuyên sâu về công tác kiểm kê, bảo quản hầu như không có. Bản thân các cán bộ tại đơn vị dù rất tâm huyết với nghề, nhưng chưa đủ "nội lực" để có thể tự học, tự mày mò.
Đây không chỉ là chuyện của riêng đơn vị bà Trai, mà là tình trạng chung khiến nhiều bảo tàng đang loay hoay. Theo thông tin từ ông Phạm Định Phong (Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa) thì: Năm ngoái, một quả chuông có niên đại cả trăm năm, được lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia. Cổ vật này có liên quan đến vấn đề chủ quyền, được cấp cho hải quân triều Nguyễn. Nhưng qua kiểm tra thực tế, Cục phát hiện ra hiện vật bị tu sửa sai.
Đang từ một hiện vật mang đầy đủ dấu trầm tích, sau khi trục vớt lên từ dưới biển, người thi công đã cạo sạch vỏ sò bám trên thân quả chuông, rồi vệ sinh lại sạch sẽ. Về cơ bản, những văn tự thể hiện giá trị lịch sử của hiện vật đã biến mất. Chính vì thế, quả chuông đã bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch loại ra khỏi danh sách. Đáng tiếc thay, người trực tiếp tu sửa hiện vật nguyên là cán bộ làm công tác bảo quản tại một bảo tàng.
Chưa hết, trước đây, một số bảo tàng còn dùng dầu nhớt để lau súng ống. Từ trường hợp kể trên, ông Phong nhận định, cán bộ có kinh nghiệm bảo quản hiện vật ở bảo tàng này chưa chắc có thể làm tốt công tác bảo quản hiện vật ở bảo tàng khác. Đặc biệt, đối với các tác phẩm mỹ thuật thì càng phải thận trọng. Bởi trước hiện trạng này, nếu các hiện vật không được bảo quản tốt, thì sau này có điều kiện thuận lợi, cũng chẳng còn giá trị để đem ra trưng bày.
2. Trước đây, theo thống kê, có khoảng 90% cán bộ bảo tàng chưa biết bảo quản thực sự. Nhưng sau khoảng 5-6 cuộc tập huấn, ông Phong nhận định, có thể yên tâm bước đầu về đội ngũ hiện giờ, họ đã có ý thức không đụng chạm tùy tiện vào hiện vật. Công tác bảo quản hiện vật dần dần được tiến hành với tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là rút kinh nghiệm từ những sai sót trong thời gian trước.
Nhìn nhận được vấn đề này, ông Phong nhấn mạnh, thiếu sót lớn ở các trường đại học, cao đẳng đào tạo mỹ thuật là chưa có ngành học riêng biệt về tu sửa, phục chế các tác phẩm mỹ thuật. Thiếu vắng đội ngũ được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước đã dẫn đến thực trạng nhiều đơn vị phải thuê chuyên gia nước ngoài về tu sửa.
Đồng thời, một số đơn vị đã cử cán bộ ra nước ngoài học tập, tu nghiệp. Đáng tiếc, sau khi về nước, lại không giữ chân được nguồn nhân lực có kinh nghiệm, trình độ cao. Vì vậy, ông Phong đề xuất, cần tiếp tục phối hợp với các chuyên gia quốc tế đầu ngành về mỹ thuật, đào tạo rộng hơn, chuyên sâu hơn cho đội ngũ cán bộ. Hướng tới kế hoạch đào tạo 10 người thì hình thành được 2-3 chuyên gia.
Cục Di sản văn hóa cũng đã đệ trình về việc xây dựng 2 trung tâm bảo quản trong thời gian tới. Cụ thể, trung tâm bảo quản các chất liệu hiện vật thông thường, dự kiến đặt ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn trung tâm tu sửa mỹ thuật, đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi thành lập, ông Phong hy vọng, các trung tâm như vậy cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, đồng thời hỗ trợ cho các bảo tàng địa phương. Bởi hiện nhiều địa phương còn gặp hạn chế trong công tác tu sửa hiện vật. Từ đó, nhiều đơn vị phải thuê chuyên gia bên ngoài, vô tình dẫn đến hậu quả như đã chia sẻ.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ kinh nghiệm thực tiễn, cần phát huy vai trò là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các bảo tàng mỹ thuật, nhằm hỗ trợ các bảo tàng ngoài công lập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân sự.
3. Thành lập đến nay đã được 5 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Huế hiện vẫn chưa có một trụ sở cố định. Trước mắt, đơn vị đang đang tạm thời trưng bày hiện vật tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. Bà Đinh Thị Hoài Trai bày tỏ niềm trăn trở, do thiếu không gian trưng bày, nên nhiều bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật chưa có dịp được trưng bày, phục vụ công chúng.
Ta đều biết, đối với mỗi tác phẩm mỹ thuật, tùy thuộc vào chất liệu, loại hình, thì cần phải điều chỉnh độ sáng tương thích, nhằm tăng tính thẩm mỹ cho tác phẩm. Nhưng do điều kiện về không gian còn hạn chế, cơ sở vật chất tận dụng, nên đã vô tình bỏ qua một số tiêu chí đáp ứng yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ.
Đội ngũ cán bộ bảo tàng thường xuyên theo dõi hiện trạng các tác phẩm, để kịp thời đưa tu sửa, bảo quản những tác phẩm bị hư hỏng. Dẫu vậy, bảo tàng chưa được đầu tư hệ thống điều hòa, chiếu sáng, máy hút ẩm,… đầy đủ, đúng tiêu chuẩn. Nên khó tránh khỏi những yếu tố môi trường, con người, đặc biệt là khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao của miền Trung tác động trực tiếp đến tuổi thọ, hiện trạng của tác phẩm.
Thiếu không gian trưng bày là thế, hiện bảo tàng cũng gặp vấn đề nan giải về diện tích kho bảo quản. Tuy có 9 kho bảo quản, nhưng tổng diện tích chỉ chiếm hơn 100m2. Qua khảo sát từ các chuyên gia nước ngoài, họ đánh giá tổ chức kho của bảo tàng rất khoa học. Dẫu thế, kho cơ sở còn chưa đủ diện tích, trang thiết bị hiện đại, nên chưa thể phân loại sắp xếp vào từng kho theo chất liệu, loại hình, để đảm bảo điều kiện bảo quản tốt nhất về nhiệt độ, độ ẩm.
Trong khi những kiến nghị chưa được đáp ứng trọn vẹn, bà Đinh Thị Hoài Trai đề xuất: Mỗi bảo tàng cần phải bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ. Cụ thể, cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa cho các tác phẩm, để công tác kiểm kê, bảo quản được tiến hành dễ dàng hơn. Cùng với đó, đây là giải pháp sáng tạo giúp giải quyết hạn chế trong không gian trưng bày ở các bảo tàng. Bởi mỗi bảo tàng chỉ có thể trưng bày tại cơ sở một số lượng hiện vật khiêm tốn trong tổng số lượng các hiện vật.
Nếu hiện vật nằm im trong kho được đưa lên không gian mạng, có thể quảng bá, phát huy giá trị hiện vật trong điều kiện các bảo tàng hầu như không đủ không gian để giới thiệu được hết các tiềm năng trong bộ sưu tập mình hiện có. Đồng thời, đem đến cho khán giả sự trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật độc đáo ngay tại nhà.
Chú trọng đến trải nghiệm của người xem là một tiêu chí rất cần được các bảo tàng lưu tâm. Mỗi bảo tàng phải đưa ra những phương án tốt nhất trong điều kiện cho phép, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp của công chúng. Để làm được điều đó, cán bộ bảo tàng cần quan tâm tới tâm lý của công chúng nhiều hơn, bằng cách khảo sát những người tới thưởng lãm bảo tàng dưới hình thức trực tiếp và cả trực tuyến.
Cục Di sản Văn hóa đã đệ trình về việc xây dựng 2 trung tâm bảo quản trong thời gian tới. Cụ thể, trung tâm bảo quản các chất liệu hiện vật thông thường, dự kiến đặt ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, còn trung tâm tu sửa mỹ thuật, đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.