Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm

Đã từ trên 20 năm nay, tên tuổi của người đang "rì rầm" cùng các bạn hôm nay được gắn với những thành tựu về nghiên cứu vải sợi thời Đông Sơn. Chừng ấy năm đi rất sâu vào nghiên cứu vải sợi thời dựng nước trên 2.000 năm trước đã để lại cho tôi cả một bảo tàng vải sợi cổ truyền với hàng ngàn tiêu bản quý giá, không chỉ ở Việt Nam mà có giá trị quốc tế.

1. Mới chỉ vài ngày trước, hai chuyên gia khảo cổ học đến từ khoa Khảo cổ, Đại học Warsaw (Ba Lan) vừa rời kho bảo tàng vải sợi của chúng tôi sau một tuần miệt mài nghiên cứu.

Báo cáo trình bày của tôi tại trường này dịp mùa Hè 2023 có đề cập đến Khảo cổ học Đất ướt (Wetland Archaeology) với tiềm năng và kết quả nghiên cứu vải sợi từ các mộ thân cây khoét rỗng và đã lôi cuốn các đồng nghiệp Ba Lan. Họ dự kiến sẽ cùng tôi khai quật một địa điểm mộ thân cây còn bảo tồn tốt như những mộ Châu Can, Động Xá, Yên Bắc và chuẩn bị đề xuất một đề tài vải sợi khảo cổ quốc tế dài hơi hơn trên phạm vi toàn châu Á. Đặc biệt, họ muốn bắt đầu từ tư liệu vải sợi Đông Sơn của chúng ta.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 1.

Đồng nghiệp viện khảo cổ trong quá trình khai quật (từ trái sang phải ): Lân Cường, một dân công địa phương, Trịnh Sinh và Đăng Cường. Phía trên đầu quan tài là chiếc khay gỗ và bát gỗ đựng hoa quả, xương lợn tùy táng

Tôi bắt đầu với vải sợi khảo cổ từ 1977 khi trực tiếp in ra từ các mảnh gốm Đa Bút (trên 6.000 năm trước) dấu sợi vỏ cây xe xoắn. Để tạo dáng gốm, người Đa Bút dùng bàn đập bằng tre, gỗ, to hơn chiếc đũa cả, trên đó cuộn những vòng bằng dây thừng, xe từ các sợi cây thực vật để làm nhuyễn bề mặt ngoài của đồ đựng gốm, khi nung gốm nhanh chín hơn, đồng thời tạo hoa văn áo gốm.

Việc xe xoắn sợi vỏ cây đương thời đồng hành với sự có mặt của dọi xe chỉ bằng phiến đá tròn, mỏng có lỗ nhỏ ở giữa và những viên chì lưới đánh cá có rãnh buộc thừng. Tuy nhiên, những chứng cớ về xe sợi và đan lưới đánh cá trong văn hóa Đa Bút vẫn là những chứng cứ suy luận gián tiếp.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 2.

Một xác người Đông Sơn bọc nhiều lớp vải trong mộ ĐX04-M01 (Động Xá, Kim Động, Hưng Yên) đang được tác giả cùng các chuyên gia Bảo tàng và Đại học Quốc gia Úc xử lý lấy mẫu vải

Phải đến gần mười năm sau, khi tham gia cuộc khai quật khảo cổ tại Friesak, một làng đánh cá ven hồ ở vùng Potsdam (Đức) niên đại 8.000 năm trước, tôi mới trực tiếp tận mắt thấy những mảnh lưới đánh cá trong tầng văn hóa khảo cổ. Phát hiện mảnh lưới thời đại đá giữa ở Friesak hôm đó cũng là một sự kiện lớn đối với khảo cổ học Đức và Châu Âu. Tiến sĩ Gram, Giám đốc Bảo tàng tiền sử Potsdam, chủ trì khai quật, đã cùng chúng tôi ghi hình gửi ngay về đài truyền hình quốc gia CHDC Đức khi đó. Trước ống kính, ông mừng rớt nước mắt.

"Khoảng 12h30, tôi đã đưa được miếng vải đầu tiên ra khỏi ngực trái người thanh niên chết trẻ 2.400 năm trước (ngôi mộ được giám định là của một nam thanh niên khoảng 25 tuổi, cao trên 170 cm, xương rất khỏe)" - TS Nguyễn Việt.

2. Những miếng vải khảo cổ thực sự đến với tôi cũng khá ngẫu nhiên.

Tháng 12/2000 là những ngày lạnh giá cuối năm. Một buổi tối, khi xem chương trình thời sự trên VTV, tôi biết tin Viện Khảo cổ đang khai quật "chữa cháy" hai ngôi mộ thân cây khoét rỗng vừa mới phát lộ trong khi vét mương ở xã Châu Can, Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Tôi gọi ngay hai đồng nghiệp ở Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, sáng sớm hôm sau đến thẳng nơi khai quật.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 4.

Miếng vải Đông Sơn đầu tiên rời khỏi tay tôi bơi trong nước trong phòng thí nghiệm rạng sáng ngày 19/12/2000

Len qua đám đông ở giữa cánh đồng, tôi nhận ra dưới đoạn mương sâu chừng 3m đã được be bờ tát nước đang lộ ra hai quan tài thân cây đã được mở ra. Các đồng nghiệp của Viện Khảo cổ là Trịnh Sinh, Lân Cường và Đăng Cường đang xắn quần trên đầu gối bì bõm trong giá lạnh để làm rõ tình trạng hài cốt và đồ tùy táng. Ngôi mộ số 2 đã làm xong, ngôi mộ thứ nhất đang được gạt bùn phần đầu, mặt, xuống ngực - nơi có một khay gỗ và mũi giáo đồng cạnh vị trí thái dương bên trái bộ xương. Tất cả còn nguyên vẹn.

Thấy tôi đến, Trịnh Sinh mời chào: "Nguyễn Việt xuống giúp một tay cho khỏi nhớ nghề nhé!". Chúng tôi vốn cùng một phòng nghiên cứu khi tôi còn công tác ở Viện Khảo cổ học. Tôi cởi phăng áo khoác ngoài, xắn quần, lội xuống hiện trường trong khi mọi người khác bị ngăn lại. Trước mắt tôi là nguyên lớp vải bọc thi hài từ hơn 2.000 năm trước, đồng nghiệp Lân Cường đang vuốt bùn bên trên phủ lớp vải đó để ra ngoài, để lộ bộ xương và chiếc khay gỗ trên ngực bộ xương.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 5.

Mảnh vải làm từ loại sợi “bí hiểm” khai quật ở Yên Bắc 2004, cho đến nay chúng tôi cùng các chuyên gia vải sợi Nhật Bản chưa tìm được lời giải đáp

Tôi kêu lên: "Vải kìa"! Trịnh Sinh nói: "Nhiều lắm, ở khắp nơi trong quan tài, nhưng không cách nào lấy được, động vào là mủn tan ra như bùn".

Tôi lấy mấy túi nilon chìa ra hứng những vợt bùn quánh mà anh Lân Cường vừa vuốt ra khỏi bộ xương. Tôi đề nghị bứng cho tôi nửa ngực bên trái còn nguyên vẹn, cả bùn đất lẫn xương cốt. Tôi đã có một tảng nguyên vẹn trầm lắng 2.000 năm trước, đủ chứa đầy hộp mỳ ăn liền.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 6.

Miếng vải Đông Sơn khai quật ở Động Xá (Hưng Yên) 2001 còn tươi trong nước, được dệt bằng ba loại sợi khác nhau: gai (ramie – boehmira sp.), lanh (hemp – cannabis sativa) và lụa (silk)

3. Tối hôm đó, cùng anh Trần Tấn Cường, đồng đội hải quân chuyển ngành về làm phóng viên VTV2 mới nghỉ hưu về làm Chánh Văn phòng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chỗ tôi, khoảng 12 giờ 30, tôi đã đưa được miếng vải đầu tiên ra khỏi ngực trái người thanh niên chết trẻ 2.400 năm trước (ngôi mộ được giám định là của một nam thanh niên khoảng 25 tuổi, cao trên 170 cm, xương rất khỏe. Mẫu gỗ quan tài được xác định tuổi C14 là gần 2.400 năm cách ngày nay).

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 7.

Một góc chỉ 1cm2 vải gai Đông Sơn khai quật ở Động Xá năm 2001

Bác Cường nhanh tay chộp được thời khắc miếng vải tươi màu nâu đất rời khỏi tay tôi bơi trong chậu nước. Đó là một kỹ thuật tôi mầy mò nghiên cứu và thử nghiệm để lấy hạt quả và các tàn tích hữu cơ từ trầm tích đất khảo cổ ngập nước. Để tách được vải đã mủn ra khỏi bùn mà không khiến chúng hư hại, vẫn giữ nguyên hình, tôi phải sử dụng 5 loại ống tiêm khác nhau, soi kính lúp để bơm tách bùn từng mối dệt vải một.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đón nhận miếng vải đầu tiên như vậy. Chỉ ở trong nước chúng mới bung hết cấu trúc bộ khung celulo tự nhiên của mình khi mà linic và pertin (hai thành phần cùng tham gia với celulo tạo cấu hình sợi) đã biến mất. Đây chính là lý do mà khi rời nước lên cạn, gỗ cũng như sợi vải bị co ngót biến dạng tới 60 - 80%.

Để tiếp tục gỡ những miếng khác, tôi dùng một tấm kính hứng miếng vải đó và lưu giữ đến tận hôm nay tại bảo tàng vải sợi cổ truyền thuộc chuỗi Bảo tàng Phạm Huy Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 1): Từ tấm vải trong ngôi mộ cổ 2.400 năm - Ảnh 9.

Phần xương sườn ngực trái thi hài mộ 00CC-M01 đã được tôi mang về phòng thí nghiệm ngày 18-12-2000

Đêm đó, tôi và bác Cường đã thức trắng vì vui mừng, hạnh phúc bởi thành công, mang theo cảm xúc suốt đời khi chứng kiến miếng vải Đông Sơn như còn mới bơi lượn trong nước. Sáng hôm sau, tôi chụp nhanh 118 miếng vải to, nhỏ đã lọc vớt ra được từ phần ngực trái thi hài Đông Sơn mang số hiệu khai quật 00CC-M01 (Năm 2000, địa điểm Châu Can, mộ số 01) mang đến cuộc bảo vệ luận văn của Bùi Văn Liêm về mộ thuyền Đông Sơn.

Xem những hình vải này, có nhà khảo cổ học thốt lên: "Ông Việt lấy vải mới trộn vào đây mà!". Quả là những miếng vải Đông Sơn mà tôi vừa lọc ra trong đêm còn rất mới.

Cuộc "trường chinh" qua các phòng thí nghiệm

Những buổi "rì rầm" tiếp theo, tôi sẽ kể cuộc trường chinh qua nhiều phòng thí nghiệm trong, ngoài nước cũng như những cuộc khai quật tiếp theo ở Động Xá, Yên Bắc nhằm lấy mẫu xác nhận sợi vải làm từ loại sợi nào và loại cây nào đã cho các sợi đó? Sợi được chế làm sao và đã dệt, nhuộm chúng theo cách thức thế nào trước khi thành tấm vải may phục trang cho con người thời Đông Sơn?

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH