Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 4): Người đàn bà chết vì tai nạn ở Xóm Rền 3.500 năm trước

Xóm Rền (Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ) là một địa điểm gắn bó nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời khảo cổ của tôi. Đây là nơi lần đầu tôi tham gia khai quật khảo cổ (1968), cũng là nơi đã phát hiện ngôi mộ thủ lĩnh độc đáo với hai nha chương và nhiều vòng đá quý…

1. Và hôm nay, tôi muốn kể về ngôi mộ của một người đàn bà chết do một tai nạn bị đá hay cây đè vào đùi bên phải. Ngôi mộ này được phát hiện trong cuộc khai quật 2005 và tôi là người trực tiếp sử lý. Do tính độc đáo nên ngôi mộ được giữ nguyên trạng thành một phần của bảo tàng ngoài trời tại đây.

Tôi cũng đã đắn đo khi đưa bài này vào chuyên mục Thế giới Người lớn thời Đông Sơn, bởi niên đại ngôi mộ Phùng Nguyên này có sớm hơn Đông Sơn cả ngàn năm. Tuy nhiên, có thể nói đây chính là một chứng nhân của lớp tổ tiên trục tiếp của người Đông Sơn, khi hòa huyết giữa những người trồng lúa mang kiểu sọ hình trứng với nhiều đặc trưng Mongoloid từ phía Bắc xuống đã cộng sinh và dần thay thế lớp người săn bắn hái lượm bản địa Dabutian, Hoabinhian mang dạng sọ dài với nhiều đặc trưng Austroloid đã tạo ra sự thắng thế của những người trồng lúa nhập cư gốc Nam Á cổ phương Bắc.

Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 4): Người đàn bà chết vì tai nạn ở Xóm Rền 3.500 năm trước - Ảnh 1.

Trong phòng nghiên cứu các dấu hiệu thương tích, bệnh lý trên xương người cổ từ các cuộc khai quật khảo cổ học

Tôi sẽ còn trở lại chủ đề này khi giới thiệu khu mộ táng Mán Bạc trên cùng bình truyến Phùng Nguyên này. Mục tiêu của bài này nói nhiều về ứng dụng kỹ thuật giám định Khảo cổ học hình sự (Forensis Archaeology) để tìm hiểu nguyên nhân cái chết còn để lại trên bộ xương 3.500 năm tuổi.

Cũng xin được nói qua về địa điểm Xóm Rền. Đây là một rìa đồi dốc thoai thoải trong một vùng dày đặc các mương rạch chi lưu hữu ngạn sông Lô, thuộc xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là quê hương của Phó Giáo sư khảo cổ học Hán Văn Khẩn. Chính người dân trong làng đã thông báo cho ông và ông đã cùng giáo sư Hà Văn Tấn đưa sinh viên chúng tôi về khai quật năm 1968.

Sau này, cũng đã hai lần Phó giáo sư Khẩn đưa sinh viên về khai quật và đã viết một cuốn sách chuyên khảo về di tích này. Năm 2002, Viện khảo cổ học khai quật, và một đợt khai quật nữa cũng được thực hiện bởi Bảo tàng Lịch sử vào 2005.

Tôi tham gia khai quật đợt 1968 và 2005. Ngôi mộ được đề cập đến trong bài này được phát hiện năm 2005. Trước đó, năm 1968 chúng tôi cũng phát hiện một mộ, năm 2002 cuộc đào của Viện Khảo cổ học do tiến sĩ Nguyễn Kim Dung phối hợp cùng tiến sĩ Tang Chung (Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cũng phát hiện một số mộ nữa. Đặc biệt, năm 2008, người dân làm vườn đã làm xuất lộ một một ngôi mộ thủ lĩnh chôn theo 2 nha chương bảo vật và nhiều vòng tai, tay bằng đá quý.

Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 4): Người đàn bà chết vì tai nạn ở Xóm Rền 3.500 năm trước - Ảnh 2.

Hình minh họa vị trí xương bị rạn nứt trong quá trinh phục hồi, trường hợp bộ xương người đàn bà chết do tại nạn khai quật ở Xóm Rền 2005

2. Cuộc khai quật năm 2005, tôi đặc biệt chú ý đến phân bố của gốm vỡ thường tập trung thành vùng, đống tương tự việc hiến tế sau một bữa tiệc cúng thần linh - một hiện tượng khá phổ biến trong văn hóa Tam Tinh Đôi, Kim Sa (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Gốm Xóm Rền có rất nhiều thuộc loại đồ lễ khí, chúng được tạo chân đế dạng mâm bồng, vò, thạp. thố, chạc gốm, tượng thú nhỏ… và trang trí miết bóng màu chì, thổ hoàng, dùng vôi bột chít vào các khe lỗ làm nổi các đồ án trang trí. Luận văn nổi tiếng của giáo sư Hà Văn Tấn Người Phùng Nguyên và đối xứng chủ yếu dựa trên tư liệu cuộc khai quật năm 1968. Sau này một luận văn tiến sĩ chuyên về gốm Phùng Nguyên cũng dựa chủ yếu vào khối lượng mảnh gốm Xóm Rền khai quật 2002.

Có thể nói, ngoài nha chương, vòng đá, thì gốm lễ nghi có trang trí của Xóm Rền đạt trình độ tuyệt đỉnh trong nghệ thuật gố thô tiền sơ sử Việt Nam. Tuy nhiên, trọng tâm của chuyên mục "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" hôm nay sẽ chỉ tập trung vào con người Xóm Rền, thông qua nghiên cứu mộ của một người đàn bà chết vì tai nạn 3.500 trước phát hiện tại đây năm 2005.

Trước hết, việc xác định tuổi của bộ xương khá dễ nhờ một nồi gốm tùy táng niên đại Phùng Nguyên còn khá nguyên vẹn nằm ở sát chân người chết. Cạnh đó việc phân tích huyệt mộ trong tương quan trầm tích văn hóa cũng đồng nhất với nhận định: Người chết được chôn ngay sát rìa "làng", phía chân đồi thoải dần ra dòng nước nhỏ bên dưới. Huyệt mộ được đào ngay trong tầng văn hóa chứng tỏ người chết thuộc lớp dân cư muộn sau khi "làng" đã hình thành được dăm ba trăm năm (khoảng 3.500 năm trước).

Để nhận ra bộ xương này là nam hay nữ chúng tôi đã dựa vào bốn yếu tố: Độ lớn của xương u tai, độ dày nhô của xương mày mắt - gò má, kích cỡ răng hàm, góc xương hông và độ tròn hay oval của mặt cắt xương đùi. Độ mòn của răng giúp định tuổi. Các chỉ số đều hướng tới một người phụ nữ khoảng 28 - 32 tuổi, cao khoảng 150cm. Thi hài nằm ngửa hai tay và hai chân duỗi thẳng.

Thế giới người lớn Đông Sơn (kỳ 4): Người đàn bà chết vì tai nạn ở Xóm Rền 3.500 năm trước - Ảnh 3.

Nha chương đá quý và gốm lễ nghi ở Xóm Rền

3. Điều đáng chú ý là màu xám xanh tụ máu và nhiều vết rạn trên xương đùi phái phía trên gối. Đối chiếu với sưu tập xương mang thương tích hiện lưu tại bảo tàng Phạm Huy Thông, dễ nhận ra vùng tụ máu là kết quả chảy máu trong ngấm vào xương do bầm dập. Các rạn xương xuất hiện nhiều trên xương người cổ có cả nguyên do bị đất nén và rạn nứt tự nhiên. Nhưng trên phần đùi phải của chủ nhân ngôi mộ này các vệt rạn nứt có dấu hiệu sùi xương của một vết gãy, rạn trên cơ thể người vẫn còn sống.

Khi học tập và nghiên cứu ở châu Âu, tôi đã rất ấn tượng với những sọ thời đại đá mới được mổ khoét sau đó đạy lại. Những sọ chủ nhân chết ngay sau ca mổ để lại vành "nắp đậy" rời ra rất sạch sẽ. Trái lại một số "nắp đậy" mà chủ nhân còn sống tiếp tục có dấu hiệu sùi xương hàn kín vết nối, như dạng bó bột xương gãy hiện nay vậy. Hiện tượng hai rìa các đường nứt, rạn xương trên đùi phải của người phụ nữ 3.500 năm trước ở Xóm Rền cũng vậy, chúng đang mọc tiếp để tự hàn, chống chọi với vết thương. Tuổi của quá trình đùn xương trên bộ xương này được các chuyên gia xương cốt người đánh giá là chỉ chừng vài tháng thì dừng. Có lẽ vết thương nhiễm trùng đã gây ra cái chết của người phụ nữ xấu số.

Kết quả nghiên cứu đã được tôi san sẻ và nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia nước ngoài (Anh, Nhật) đã cùng tôi trực tiếp viếng thăm ngôi mộ ngay khi đang và liền sau khi khai quật. Tôi đã công bố trong một báo cáo tại Hội nghị Khảo cổ học ở Hà Nội năm 2007 và Hội nghị Khoa học hình sự quốc tế tại Kualalumpua năm 2012.

Qua kết quả nghiên cứu ứng dụng phương pháp khoa học hình sự có thể kết luận người phụ nữ Xóm Rền có thể đã bị tai nạn do một vật nặng (gỗ hay đá) đè vào phần đùi trên gối bên phải. Vật nặng đó đã khiến xương đùi bị rạn nứt, tụ máu chứ không gãy. Bà đã được cứu chữa và sống tiếp môt vài tháng rồi qua đời, có thể do nhiễm trùng vết thương.

Trường hợp nghiên cứu trên là một kiểu mẫu khảo cổ học hình sự ở Việt Nam, giúp chúng ta tiếp cận gần hơn, chân xác hơn về thân phận mỗi tổ tiên chúng ta thời dựng nước. 

"Những sọ chủ nhân chết ngay sau ca mổ để lại vành "nắp đậy" rời ra rất sạch sẽ. Trái lại một số "nắp đậy" mà chủ nhân còn sống tiếp tục có dấu hiệu sùi xương hàn kín vết nối, như dạng bó bột xương gãy hiện nay" - TS Nguyễn Việt.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH