Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 73): Đường Cổ Ngư - con đường di sản
Sách vở chép tên chữ của đường này là "Cố Ngự" (đắp vững chãi) cũng có lý. Nhưng không hiểu vì sao mà dân gian quen mồm vẫn gọi là "Cổ Ngư" ("Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về" như một ca từ rất quen thuộc).
Hồ Tây rộng lớn ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long (đến đầu thế kỷ XIX thì chỉ còn được gọi là Bắc Thành rồi Thành Hà Nội) vốn là dấu tích của lòng sông Cái, sông Cả hay tên chữ là "Nhĩ Hà", vì chỉ đến thời Tây sang mới quen gọi là sông Hồng (Fleuve Rouge). Theo luật tự nhiên, lòng sông dịch chuyển lên phía Bắc tạo ra rất nhiều vũng đất trũng trải dọc từ Hồ Tây xuống tận Thanh Trì, trong đó có cả "Hồ Lục Thủy" mà dấu tích còn lại đến nay chính là Hồ Hoàn Kiếm.
Nhà Lý định đô đã đắp đê Cơ Xá tách hẳn hồ khỏi sông, thuở ban đầu có tên gọi "Dâm Đàm". Mặt hồ quá rộng nên cư dân sống quanh vùng đã đắp một con đập nhỏ bằng đất, tách đôi hồ và tạo một con đường nay ta hay gọi là "đường dân sinh" để tiện bề sinh kế.
Sử sách có nhắc đến thời Lê Thái Tổ đầu thế kỷ XV vây đánh thành Đông Quan đã "mượn" con đường này để đổ bộ từ sông Cái thọc thẳng vào Cửa Bắc và Cửa Tây thành lúc này giặc Minh đang chiếm đóng. Như thế thì, sách vở chép tên chữ của đường này là "Cố Ngự" (đắp vững chãi) cũng có lý. Nhưng không hiểu vì sao mà dân gian quen mồm không sửa được đến nay vẫn gọi là "Cổ Ngư".
Nhu cầu khai thác lòng hồ rộng lớn và lối đi lại thuận tiện cho cư dân ngày càng một đông khiến con đường ngày càng được đắp điểm và rộng mở. Từ ngày có đường Cổ Ngư, tên Hồ Dâm Đàm được thay thế, hồ lớn gọi là Tây Hồ tựa như một thắng cảnh nổi tiếng bên Trung Quốc, còn hồ bé gần phía thành thì mang tên Trúc Bạch tích hợp cả câu chuyện xóm dệt lụa của các cung tần thời Chúa Trịnh bị thải hồi lẫn một loại cây "trúc" nào đó từng mọc ở đây, bây giờ thành tên một phường đông đúc… Riêng Tây thì gọi Hồ Tây là Hồ Lớn (Grand Lac) và Hồ Hoàn Kiếm là Hồ Bé (Petit Lac).
Tây sang vào thời điểm kinh đô nhà Nguyễn đã rời vào Huế được hơn 80 năm (1804 - 1888) và Hà Nội đã trở thành "thành phố nhượng địa". Trong số những con đường trọng yếu mà chính quyền thực dân quy hoạch sớm nhất có cái "vành đai" nối kết từ khu "nhượng địa" Đồn Thủy chạy dọc sông Hồng về phía Bắc, xây kè (Quai Clémenceau và Quai Commerce) vừa làm chuỗi bến tàu, vừa tạo con đường trục ngang qua chợ Đồng Xuân và đường lên cầu Doumer (Long Biên) rồi lên tới Yên Phụ và quành xuống đường Cổ Ngư đi thẳng vào khu trung tâm hành chính của Đông Dương mà Phủ Toàn quyền là điểm chốt. Do vậy trục đường này được đầu tư hạ tầng tốt với đường trải nhựa và hệ thống đèn chiếu (ban đầu bằng đất đèn, dầu hỏa và cũng là tuyến lắp đèn điện trước tiên).
Riêng đường Cổ Ngư thì lấy tên của viên thống chế nổi tiếng như một nhà lý thuyết về chế độ thuộc địa của Pháp là Maréchal Lyautey. Thời thuộc địa con đường lên cầu Doumer và đường Lyautey luôn được coi là những tuyến đường dạo mát đẹp nhất về cảnh quan lại được hưởng gió sông rộng và hồ lớn.
Đối diện với "Thủy Trung Tiên" ở phía bên Hồ Tây, người Pháp đã lập một bến thuyền thể thao, thú chơi nhập từ chính quốc. Còn ở sát gần bờ của Trường Bưởi là bãi đáp và gara thủy phi cơ nhằm tận dụng khoảng rộng của mặt hồ lại kề bên khu phố và công sở của người Âu…
Điều đáng nói là chính con đường này đã kết nối với những công trình tôn giáo tín ngưỡng gắn với kinh đô ngay từ rất sớm. Chùa Trấn Quốc tương truyền có từ thời Lý Nam Đế trước cả kinh Thành Thăng Long, và đền Cẩu Nhi (thờ Chó Con) hay "Thủy Trung Tiên" (dù còn ý kiến khác nhau) nhưng cũng gắn với các truyền thuyết thời định đô của Lý Thái Tổ (liên quan đến "Năm Tuất"). Hẳn khi chưa có con đường này thì ngôi chùa mà tên gọi đã đủ thấy tầm vóc linh thiêng, là chùa Trấn Quốc (sau này còn gọi là Chùa Khai Quốc) hẳn nằm giữa hồ lớn, nay cũng như đền Cẩu Nhi đã đắp đường hay xây cầu đi lại dễ dàng…
Nói đến đường Cổ Ngư không thể không nhắc đến một trong "tứ trấn" vốn được coi là "linh địa" thờ các vị thần bảo hộ cho Kinh đô Thăng Long. Đó là đền Trấn Vũ án ngữ phía Bắc kinh thành (cùng với các đền Bạch Mã, Kim Liên và Voi Phục). Ngôi đền có quy mô khá lớn án ngữ ngay đầu đường Cổ Ngư mà thuở ban đầu tam quan hướng ra và bậc tam cấp đi xuống dưới mép hồ. Còn dân quanh vùng vẫn nhắc lại lời kể của người xưa là việc đi lại, rước, lễ đến các đền, phủ hay chùa chiền quanh vùng này chủ yếu đều đi bằng thuyền.
Đền Trấn Vũ được xây dựng vào thế kỷ XI, thời nhà Lý, được trùng tu lớn vào thời Vĩnh Trị (thế kỷ XVII) trở nên nổi tiếng hơn với việc pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc bằng đồng vào năm 1677, thân tượng cao 3,96m nặng 4 tấn để thay thế cho tượng nguyên thủy vốn bằng gỗ. Tác phẩm đúc đồng này cũng gắn với một làng nghề ngụ ngay trong vùng hồ Trúc Bạch là Làng Ngũ Xã.
Có một sự kiện được lịch sử ghi lại là khi thực dân Pháp mới chiếm đóng Hà Nội thì công việc đầu tiên là phá thành (chỉ giữ lại Cửa Bắc vì có dấu tích đại bác của Tây công phá), rồi phá luôn hai ngôi chùa lớn ở trung tâm Hà Nội là phế tích chùa và tháp Báo Ân (nay là vị trí xây Nhà Thờ Lớn) và chùa Quan Thượng hay Báo Ân (để xây Nhà Bưu điện)... nên bị cư dân bản xứ và kể cả một số người Pháp thức thời phê phán. Vì thế, nhân dịp hoàn thành việc trùng tu đền Quán Thánh, ngày 7-1-1894, chính quyền Pháp ở Hà Nội cũng góp phần cũng cư dân thành phố tổ chức lễ khánh thành rầm rộ, có cả Toàn quyền Đông Dương De Lanessan và Tổng đốc Hoàng Cao Khải đến dự. Có thể coi đây là cuộc trùng tu một kiến trúc mang giá trị di tích lịch sử đầu tiên được thực hiện có sự can thiệp của chính quyền thuộc địa. Một thời gian sau, công việc này được trao cho Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) đảm nhiệm trong suốt thời kỳ thuộc địa và những giai đoạn sau đó với tư cách là một tổ chức văn hóa và khoa học thuần túy của Pháp hợp tác với Việt Nam.
Ngày nay con đường Cổ Ngư xưa đã mang tên mới do Bác Hồ đặt là "đường Thanh Niên", ghi dấu một thời giới trẻ lao động tình nguyện đóng góp xây dựng Thủ đô. Đường xá, kiến trúc cảnh quan ngày càng hiện đại, tỏ rõ những thay đổi to lớn, nhưng đáng tiếc là nó không giữ được những vẻ đẹp một thời nhưng vẫn có giá trị muôn thuở. Đó là vẻ nên thơ của thiên nhiên đang bị những hình khối kiến trúc tùy tiện và thực dụng hủy hoại, khiến Hồ Tây ngày càng "hẹp" và ít đẹp hơn trong tầm mắt con người…