Góc nhìn 365: Từ 'ngày sách' Việt Nam tới 'ngày sách' thế giới
Chúng ta vừa đi qua Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Để rồi hôm nay 23/4, những người quan tâm tới văn hóa đọc lại có dịp đón một sự kiện khác: Ngày Sách và Bản quyền thế giới.
Có thể khác nhau về tên gọi, (và cả một số chi tiết nhỏ, nếu chúng ta "mổ xẻ" kĩ) nhưng chắc chắn, cả 2 cột mốc ấy đều gợi lên ở độc giả những ý tưởng liên quan tới câu chuyện đọc sách - cũng như tiếp nhận tri thức qua sách.
Xa hơn, việc đón cùng lúc 2 "ngày sách" của Việt Nam và thế giới hẳn cũng ít nhiều mở ra cho chúng ta những suy nghĩ về nền văn hóa đọc của mình.
Như những gì được chia sẻ, ngày đặc biệt này đã manh nha ra đời tại Tây Ban Nha từ hơn 8 thập niên trước, với truyền thống tặng sách giữa những người yêu quý nhau (hoặc tặng hoa cho người mua sách) vào dịp 23/4. Để rồi, từ năm 1995, UNESCO đã chính thức chọn cột mốc này là Ngày Sách và Bản quyền thế giới để thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và quyền tác giả.
Còn tại Việt Nam, từ năm 2014, chúng ta mới chính thức có Ngày sách Việt Nam (từ năm 2017 đổi thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam) vào dịp 21/4 thường niên. Nhưng trước đó, từ đầu những năm 2000, cùng với sự phát triển của thị trường xuất bản, Việt Nam cũng đã có những hoạt động và sự kiện để hưởng ứng tinh thần của "ngày sách" thế giới.
Như thế, sự hội nhập với thế giới ở lĩnh vực sách và văn hóa đọc cũng chính là một bước đi tất yếu của xã hội Việt Nam trong quá trình phát triển. Và thực chất, những năm qua, các hoạt động chào mừng "ngày sách" của Việt Nam cũng thường trải trên phổ thời gian khá dài, trong đó bao hàm cả 2 ngày 21/4 và 23/4.
***
Ở góc độ khác, hẳn cũng nhiều người có sự tự ti nhất định khi so sánh về sự phát triển của văn hóa đọc tại Việt Nam so với thế giới. Xét cho cùng, không ai phủ nhận thực tế ấy khi nó đến từ nhiều lý do, trong đó có cả những yếu tố lịch sử: Suốt nhiều thế kỷ, lượng nho sĩ - trí thức của chúng ta chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cấu trúc xã hội. Còn khi văn minh phương Tây bắt đầu vào Việt Nam và hình thành một tầng lớp trí thức mới, chúng ta lại lỡ cơ hội thuận lợi để đặt nền móng cho văn hóa đọc bởi những biến động liên quan tới chiến tranh, mưu sinh và việc phải làm quen với kinh tế thị trường…
Nhưng thay vì bi quan hoặc triền miên với những chỉ số chưa tốt về thói quen đọc sách tại Việt Nam, sẽ hợp lý hơn nếu nhìn câu chuyện ở một hướng khác: Phát triển văn hóa đọc là một chặng đường dài và bền bỉ, nhưng chắc chắn nó sẽ thuận lợi và hanh thông hơn rất nhiều, nếu chúng ta chủ động tiếp cận nhanh - đủ - đúng với nguồn tri thức cơ bản và giàu giá trị của nhân loại.
Đã từng có những chuyên gia khẳng định rằng xã hội không thể sớm tiến bộ từ việc dịch và đọc những cuốn sách "làng nhàng", rằng phải đọc đúng, đọc một cách khoa học và có sự thẩm thấu về nguồn tri thức mà sách vở mang lại thì mới có thể dùng khái niệm "văn hóa đọc".
Bỏ bớt phần cực đoan (và coi nhẹ yếu tố giải trí) trong những ý kiến ấy thì cũng không thể phủ nhận một thực tế cần nhắc đến trong "ngày sách" thế giới này: Đã đi sau, chúng ta càng phải có sự chọn lọc, nỗ lực và nghiêm túc trong cách tiếp cận về văn hóa đọc.