Thờ 'Phụ' và thờ Mẫu trong văn hóa Việt (Kỳ 1): Từ vai trò nữ giới tới quyền năng của Mẫu thần
Bước sang tháng 3 Âm lịch này, hẳn nhiều người sẽ nhớ tới câu "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ" vốn rất quen thuộc trong văn hóa Việt. Và từ câu chuyện "giỗ mẹ" (ngày 3/3 Âm lịch) để tưởng nhớ công đức của Mẫu Liễu Hạnh, hãy cùng nhìn lại tấm lòng "thờ mẹ kính cha" của người Việt Nam từ đạo ra ngoài đời.
1. "Nguyên buổi đầu xã hội chưa khai hóa, tri thức người ta đương còn thấp, con người sinh ra chỉ biết mẹ mà không biết cha, cho nên bấy giờ chỉ có gia đình mẫu hệ", là quan điểm được sử gia Đào Duy Anh nêu trong Việt Nam văn hóa sử cương.
Thực tế, nhiều xã hội cổ đại ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, vào khoảng 5.000 đến 6.000 năm trước đều theo chế độ mẫu hệ. Buổi ấy, vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình là tối quan trọng. Mọi việc trong nhà do tay bà quán xuyến, quyền sở hữu gia sản ắt cũng thuộc về bà, và sau đó được truyền cho con gái.
Thế rồi, lịch sử biến thiên, do các hoạt động sản xuất cần đến lao động có nhiều sức khỏe chuyển dịch với quy mô lớn, vai trò của người phụ nữ dần trở nên lu mờ trước người đàn ông. Dần dà, nam giới không chỉ đảm nhận công việc nặng nhọc, mà còn nắm giữ quyền quyết định trong nhà. Những tư tưởng, triết lý trong tôn giáo từ đó hình thành và bảo vệ nhiều hơn cho quyền lợi của người đàn ông. Đơn cử, quan niệm "Nam tôn nữ ti" trong đạo Khổng đã định rõ nam giới có địa vị cao quý hơn và hạ thấp địa vị của nữ giới.
Dù vậy, trong nhiều nền văn hóa, hình tượng người phụ nữđược thần thánh hóa để trở thành nữ thần, đứng cùng hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo với các vị nam thần khác. Trong đó, có những vị nữ thần còn được nâng lên thành Mẫu thần. Chẳng hạn, từ ngàn xưa, thần Parvati - vợ của Shiva trong Hindu giáo - được tôn vinh là Nữ thần Đức mẹ, đại diện cho nguồn năng lượng sống dồi dào, vĩnh hằng. Văn minh Trung Hoa cũng sáng tạo nên huyền thoại về Nữ Oa tạo ra loài người từ bùn của sông Hoàng Hà và tôn là Đại Địa Chi Mẫu, tức mẹ của vùng đất rộng lớn. Rồi, những yếu tố thiên nhiên ngoài việc được thần thánh hóa, còn được dân gian thổi vào đó tính nữ, như thần Mặt trời Amaterasu - nữ thần quan trọng bậc nhất trong Thần Đạo của Nhật Bản…
2. Trở về Việt Nam, đất nước có truyền thống lâu đời làm nông nghiệp và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, đất, nước, giống cây… Vì vậy, nhiều cộng đồng trên khắp cả nước đã gửi gắm ước mong về một mùa màng bội thu vào thế lực siêu nhiên. Cùng với đó, các tộc người đã gắn quá trình sinh trưởng của cây trồng với quyền năng sinh -dưỡng của người phụ nữ, từ đó vun đắp thêm cho hình tượng nữ thần trong hệ thống tín ngưỡng nông nghiệp.
Đi lên vùng núi Trường Sơn - Tây Nguyên, đồng bào người Hrê, Ba Na, Ca Dong (một chi của dân tộc Xơ Đăng) và Chăm H'roi (một chi của dân tộc Chăm) đã tạo dựng nên hình tượng Thần Bà Lúa, vị thần chuyên bảo trợ cho vòng đời của cây lúa từ khi còn là hạt mầm cho tới khi trổ bông. Thông qua nghi lễ gọi hồn lúa, hạt lúa đã được phú tính thiêng và bắt đầu đặt chúng dưới sự coi sóc của Thần Bà.
Nổi bật trong tín ngưỡng thờ Thần Lúa Yeang Sarì của người Hrê, vị thần vốn linh thiêng cũng mang những tính cách, cảm xúc của con người, biết giận dỗi, phật ý. Người Hrê cho rằng Bà có mối quan hệ mật thiết với nữ chủ nhà - người có trách nhiệm chính trong việc trông coi kho lúa - nên nếu trong quá trình diễn ra nghi lễ xảy ra mâu thuẫn với nữ chủ nhà, Bà sẽ bỏ đi và không tiếp tục phù hộ nữa.
Không chỉ đối với việc sinh trưởng của thực vật, mà ngay cả sinh mệnh của con ngườicũng được dân gian ký thác vào bàn tay màu nhiệm của những vị nữ thần bảo hộ. Người Tày, Nùng quan niệm, quá trình cầu kiều, hoài thai cho tới sinh nở, nuôi dưỡng đều dưới sự cai quản của mẹ Bióc. Vì thế, mẹ được thờ cúng ngang hàng với các vị tổ tiên trên bàn thờ tại gia.
Yeang Sarì của người Hrê cũng được xem là thần bản mệnh, mỗi người trong gia đình đều có một Yeang Sarì đi theo để bảo vệ hồn mình. Một khi linh hồn rời bỏ cơ thể người nào đó và đi lang thang, người ấy sẽ có biểu hiện đau ốm, lúc ấy, phải làm lễ gọi hồn về với sự gián tiếp tham gia của hồn lúa.
Đáng nói, khi di cư tới các quốc gia Đông Nam Á, người Hoa cũng mang theo tục thờ Bà Thiên Hậu - vị nữ thần bảo trợ cho những chuyến di cư trên biển được bình an, suôn sẻ. Cập bến tới các vùng đất mới, họ lại phát tâm công đức, xây dựng chùa, miếu phụng thờ và xin bà phù hộ.
Những vị nữ thần được hệ thống hóa, quy chuẩn hóa và cấu thành nên một tín ngưỡng thờ tự riêng, đặt người phụ nữ làm"bàn vị", vị thế của người mẹ cũng như người phụ nữ được tôn vinh hơn bao giờ hết. Có lẽ ta không còn lạ lẫm với "mạng lưới" đền to phủ lớn trải dài từ trung du miền núi Bắc Bộ vào tới Bắc Trung Bộ của Đạo Mẫu Tứ phủ với Mẫu Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử là thần chủ.
Trong quá trình giao thoa với văn hóa Chăm Pa khi xuôi vào phương Nam, người Việt đã tiếp thu hình tượng bà mẹ xứ sở toàn năng Po Inu Nagar mà người Chăm hết mực sùng bái, và Việt hóa trở thành Thánh Mẫu Thiên Y A Na với hệ thống Tứ Phủ gồm: Thượng Thiên, Trung Thiên, Thượng Ngàn, Thủy Phủ. Bà không chỉ có vai trò lớn lao đối với đời sống của dân cư các vùng Thừa Thiên - Huế và Khánh Hòa, mà còn được vua Đồng Khánh nhất tâm phụng thờ, vì tiên đoán chính xác ngày ông đăng cơ.
Trong xã hội, vị thế của nữ giới có phần khiêm nhường hơn nam giới sau sự dịch chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ. Song, hình tượng người phụ nữ trong tín ngưỡng vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong tâm thức dân gian từ bao đời nay.
(Còn tiếp)