Thu trên 344 tỷ tiền bản quyền tác giả âm nhạc năm 2023
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, năm 2023, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc Trung tâm thu được là trên 344 tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, số tiền tác quyền trên thu được từ nhiều lĩnh vực như: Hoạt động biểu diễn, hòa nhạc trực tiếp; websites, ứng dụng nhạc; nhạc chờ, nhạc chuông điện thoại; sao chép đĩa CD, DVD; sao chép trong phim ảnh, chương trình truyền hình, trong quảng cáo; sao chép demo, trực tuyến; bản quyền từ các chương trình phát thanh - truyền hình; nhà hàng, quán café, karaoke, quán rượu, phòng trà, cấp phép tại các tỉnh, tiền bản quyền từ CMOs quốc tế… Trong đó, số tiền bản quyền thu âm nhạc được nhiều nhất từ lĩnh vực websites và các ứng dụng nhạc, đạt trên 260 tỷ (chiếm 76%). Số nguồn thu còn lại từ các chương trình biểu diễn, hòa nhạc trực tiếp chiếm 4%, nhạc nền 5%, sao chép trực tuyến 4%, CMOs quốc tế 4%, phát sóng phát thanh truyền hình 3%, các lĩnh vực khác 4%...
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, năm 2023, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả gần 306 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2022. Dự kiến, trước Tết Nguyên đán 2024, Trung tâm sẽ tiến hành chi trả số tiền bản quyền quý 4/2023 đến các thành viên chủ sở hữu.
Bên cạnh các hoạt động thu và chi trả tác quyền âm nhạc, năm 2023, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã hỗ trợ, tư vấn pháp lý, giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định; tăng cường rà soát, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên, đặc biệt ở lĩnh vực biểu diễn và trực tuyến. Trung tâm hỗ trợ công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp, kiến nghị; củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên. Đến nay, Bộ phận pháp chế hai miền đã thực hiện 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; đã giải quyết xong 20 vụ trên tổng số 40 vụ việc, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh việc cảnh báo vi phạm và lập hồ sơ khởi kiện các vụ việc vi phạm tiếp theo.
Công tác đối ngoại được Trung tâm đẩy mạnh, trong đó, chú trọng mở rộng chiến lược hợp tác với các tổ chức trên thế giới, cử nhân sự tham gia khóa đào tạo do CISAC tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức hội thảo quốc tế về bản quyền âm nhạc với sự đồng hành của CISAC, Công ty Meta (Facebook) và các đối tác, các tác giả thành viên… Hiện, Trung tâm đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thường xuyên gặp khó khăn bởi nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định, cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian, nhân lực của Trung tâm. Một số đơn vị kéo dài thỏa thuận, song đến khi được yêu cầu đã trả tiền trước giờ biểu diễn. Một số đơn vị không thiện chí trả tiền bản quyền, hiện bộ phận pháp lý đang lập hồ sơ khởi kiện.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về một số bất cập liên quan đến lĩnh vực bản quyền tác giả âm nhạc, nhằm hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động tổ chức biểu diễn, vừa bảo đảm cho việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức bảo vệ quyền lợi tập thể như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam”, Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết.