Ảnh = Ký ức = Lịch sử (kỳ 71): Cuộc hôn nhân của cựu hoàng Hàm Nghi
Năm 1904, khi cựu hoàng Hàm Nghi bước qua tuổi "tam thập nhi lập", ngài có cơ hội lưu lại dài hơn tại Pháp để làm thủ tục cho cuộc hôn nhân của mình. Ngài kết hôn với Marcelle Aimée Léonie Laloë, ái nữ của chánh án Tòa phúc thẩm Alger, mà điều kiện tiên quyết là phải được sự chấp thuận của tổng thống Pháp, vì ngài đang là một chính khách bản xứ bị pháp luật lưu đày.
1. Hàm Nghi là vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn, sinh năm 1871, lên ngôi vào tháng 8/1884, giữa lúc triều chính khủng hoảng vì sức ép của quân xâm lược Pháp, sau khi hoàng đế Tự Đức băng hà. Trước Hàm Nghi lần lượt có 3 vị hoàng đế được đưa lên ngôi, nhưng rồi cũng lần lượt bị phế truất, rồi… băng hà, là Dục Đức (chỉ tại vị được 3 ngày), Hiệp Hòa (4 tháng) và Kiến Phúc (8 tháng). Lý do vì 2 vị phụ chính đầy quyền lực là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đều cho rằng các gương mặt ấy chưa đủ độ quyết tâm chủ chiến. Việc lên ngôi của Hàm Nghi cũng phải diễn ra hai lần, lần đầu vào ngày 2/8/1884 nhưng bị phía thực dân bác bỏ vì cho rằng chưa xin phép nước Pháp theo thỏa thuận của hiệp ước đã ký. Buộc phải làm lễ đăng quang lần thứ hai (12/8/1884) thì phía Pháp kéo vào kinh thành ngang ngược khiêu khích.
Mâu thuẫn dần dà dẫn đến hành động quyết liệt của phe chủ chiến trong triều, nên tấn công Đồn Mang Cá vào rạng sáng 5/7/1885. Quân Pháp chống trả rồi phản công quyết liệt, tàn sát dân chúng, buộc Hàm Nghi phải xuất bôn lên sơn phòng Quảng Trị lập chiến khu, hạ chiếu Cần Vương kêu gọi cả nước chống Pháp. Kết cục là hai vị phụ chính thì người phải trốn sang Trung Quốc (Tôn Thất Thuyết), người phải bỏ mạng trên đường lưu đày (Nguyễn Văn Tường). Riêng Hàm Nghi mới ở ngôi được 1 năm 48 ngày, bị Pháp bắt, tước bỏ vương hiệu, giáng làm "hoàng tử An Nam" (Prince d' Annam) và đày sang Algérie, thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi. Ngài bị lưu đầy ở đó cho đến lúc qua đời (14/1/1943), thọ 71 tuổi.
Bị lưu đày tại thành phố Alger (thủ đô của Algérie), ban đầu cựu hoàng đầy mặc cảm với mối thù mang theo từ quê hương vẫn bị ngoại bang đô hộ. Nhưng tiếp xúc với một số người Pháp và bản địa, trong đó có viên trợ lý của Thống đốc Toàn quyền thuộc địa này tên là Étienne Gustave Vialar, cũng như cuộc sống hoàn toàn bị cách ly khỏi đất nước, không chỉ xa xôi về địa lý, mà còn bị giới thực dân Đông Dương kiềm tỏa, cắt đứt mọi liên hệ với trong nước, khiến "hoàng tử An Nam" dần phải hội nhập với cuộc sống lâu dài trên thuộc địa của nước Pháp.
Cho đến cuối đời, cựu hoàng vẫn bị đối xử như một chính khách bị lưu đày, có người giám sát và chịu những hạn chế về cư trú và đi lại. Nhưng chính quyền Pháp ở Paris và Alger vẫn bảo đảm chu tất một cuộc sống vật chất ổn định và có lúc đã định đưa ngài về kế vị người anh em trong hoàng tộc đã từng kế vị mình là Đồng Khánh, sau khi băng hà. Tuy nhiên chính quyền Đông Dương tuyệt đối không chấp nhận một sự thỏa hiệp với vị hoàng đế có ảnh hưởng sâu sắc như biểu tượng ái quốc và kháng Pháp trong thần dân ở Việt Nam.
2. Con tàu "Biên Hòa" cập bến Alger buổi chiều ngày 13/1/1889, Hàm Nghi lên bờ cùng với một thông ngôn, một đầu bếp và một người hầu là người Việt. Sau này, ngài chỉ còn có thể tiếp xúc với một vài người Việt hiếm hoi đến thành phố này để học như nhân vật Kỳ Đồng (Nguyễn văn Cẩm 1875-1929), kỹ sư canh nông Bùi Quang Chiêu (1873-1945), nhà sư phạm Trần Văn Thông (1875-1955)… và dường như cả đời bị cách ly hoàn toàn với cố hương.
Xác định sẽ sống lâu dài tại Alger, cựu hoàng buộc phải hội nhập với đời sống bản địa và đặc biệt là nền văn minh của nước Pháp. Ngoài ngôn ngữ, Hàm Nghi đã sớm tìm được niềm đam mê trong hội họa khi gặp được người thầy dạy là danh họa Marius Gustave Reynaud (1860-1935). Đó là con đường để Hàm Nghi trở thành một trong những họa sĩ người Việt đầu tiên tiếp cận và thành danh từ nền hội họa Tây phương. Cùng với Lê Văn Miến và Nguyễn Văn Nhân, Hàm Nghi là thế hệ họa sĩ tiên phong trước khi Victor Tardieu và Nam Sơn là những người đào tạo các thế hệ tiếp theo ở Đông Dương.
Tài liệu cho biết chỉ 10 tháng sau khi đến Alger, vào tháng 11/1889, Hàm Nghi đã gặp và được M.G.Reynaud dạy bài học hội họa đầu tiên vào ngày Tết dương lịch 1/1/1890, thành quả đầu tay của Hàm Nghi là bức tranh "Hai quả cam bổ làm đôi và một quả nguyên vẹn" được tác giả tặng cho Thống đốc Toàn quyền Algérie Louis Tirman, vốn có cảm tình với vị quân vương bị lưu đày từ Viễn Đông tới xứ sở mình cai trị. Bức tranh thứ hai có chủ đề "Chim sẻ dính bẫy" được tặng cho ân nhân của mình là người phụ tá Vialar của thống đốc.
Năm 1899, Hàm Nghi được qua chính quốc một thời gian ngắn để chữa bệnh và có dịp xem triển lãm, cũng như gặp tác giả là danh họa Paul Gauguin. 14 năm sau, năm 1904, trong lần trở lại Pháp, "hoàng tử An Nam" được tổ chức triển lãm hội họa lần đầu tiên ở một không gian danh giá là sảnh của Bảo tàng Guimet (còn được gọi là Bảo tàng Con người). Chỉ vẻn vẹn có 10 tác phẩm được trưng bày, dù không mang lại tiền bạc, nhưng ghi dấu một mốc son cho tác giả và hội họa Việt Nam.
Sau này, Hàm Nghi còn tổ chức thêm 2 cuộc triển lãm cá nhân ở Pháp, nhưng chỉ có một lần thành công ở Paris (phòng tranh Édouard Devambez, 1909), còn cuộc ở Vichy thì không thành vì chiến tranh đã kề cận (1914)…
Mục đích chính của chuyến đi Pháp 1904 là chuẩn bị cho cuộc hôn nhân với cô Marcelle Aimée Léonie Laloë, như đã nói. Cuộc hôn nhân này được những nhân vật quan trọng ở Algérie ủng hộ khi cho rằng đó là cách "buộc chặt tình cảm" của vị "hoàng đế từng nổi loạn" này với văn minh nước Pháp. Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng mà vị hôn phu (vốn là đấng quân vương ở phương Đông có quyền sở hữu vô vàn thê thiếp, nhưng lại lấy một phụ nữ công giáo của phương Tây) phải làm. Về việc này, Hàm Nghi buộc phải nhờ cậy đến triều đình Đại Nam xác nhận rằng ngài chưa thành thân với ai, mặc dầu thời gian lên sơn phòng đánh Pháp, ngài có sống với một người phụ nữ như vợ chồng.
Còn một hình bóng phụ nữ nữa đi theo cuộc đời của vị cựu hoàng cô đơn bị lưu đày. Đó là nữ sĩ Judith Gautier (1845-1917), rất nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ Pháp, từng yêu những tên tuổi như văn hào Victor Hugo, nhạc sĩ thiên tài Richard Wagner… Sau khi ly hôn với một nhà văn trẻ, Judith Gautier gặp Hàm Nghi lần đầu (12/6/1900) thì đã phải lòng. Chỉ có điều, vào thời điểm ấy bà đã 55 tuổi, còn chàng trai An Nam mới… 29 tuổi. Không có tình yêu đến với hai người, mà đó chỉ là một tình yêu đơn phương của người phụ nữ lãng mạn, được Hàm Nghi trân trọng để trở thành tình bạn lâu bền. Bà đã từng đến xem triển lãm tranh, đã từng làm nhiều bài thơ gửi tặng Hàm Nghi và lần cuối cùng đến thăm "ngôi nhà hạnh phúc" ở Alger là năm 1914, lúc Hàm Nghi sống cùng phu nhân Marcelle và 3 người con là các công chúa Như Mai, Như Lý và hoàng tử Minh Đức.
Còn đám cưới của Hàm Nghi cùng Marcelle Aimée Léonie Laloë đã được tổ chức đình đám tại Alger ngày 14/11/1904, trở thành một sự kiện được chú ý đến mức những tấm ảnh về lễ cưới này được in thành bưu ảnh. Nhờ vậy, khỏi phải mô tả, mà để ảnh thay lời trong bài viết này.