GS-TS Huỳnh Như Phương: Yêu, thương và 'có trách nhiệm' với văn chương
Tôi có duyên may khi được học thầy Phương ở đại học và ra trường, thầy trò vẫn gặp nhau trong một số tọa đàm, hoặc hoạt động của Hội Nhà văn TP.HCM. Nơi cả thầy và trò đều là hội viên ở đó. Nhưng duyên may nhất có lẽ vẫn là những buổi được ngồi cà phê bên thầy, được nghe nhiều câu chuyện văn chương, chuyện dạy/học văn trong nhà trường.
GS-TS Huỳnh Như Phương có 2 tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa. Tác phẩm nghị luận Hãy cầm lấy và đọc- trích từ cuốn sách cùng tên - được giảng dạy trong sách Ngữ văn 7, tập 2, bộ Kết nối tri thức và cuộc sống. Tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà- một thể loại thế mạnh của thầy - trong Ngữ văn 7, tập 2, bộ Cánh diều.
Mềm mại, nhưng quả quyết
Với tác phẩm Hãy cầm lấy và đọc, không hề lên gân, giáo điều, Huỳnh Như Phương chinh phục người đọc bằng những nhận định sắc bén, nhưng điềm đạm, với một kiểu văn phong mềm mại, nhưng quả quyết. Tác phẩm mang đến độc giả những suy ngẫm, chiêm nghiệm của ông trong nhiều năm giảng dạy, viết báo, viết sách về văn hóa đọc, cũng như nhận định của tác giả về những sựkiện nổi bật trong đời sống văn hóa, xuất bản.
Đây là bài viết nghị luận mang tinh thần chung của cuốn sách. Đây cũng là lời thì thầm của một em bé mà thánh Augustinus do nghe được mà thúc đẩy đi sâu vào nghiên cứu triết học và trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của thời trung đại...
Dẫn dắt độc giả vào bài viết bằng một câu chuyện có màu sắc huyền bí, nhưng đầy tính thuyết phục, tác giả chia sẻ: "Vượt qua tính chất huyền bí của câu chuyện ấy, Hãy cầm lấy và đọc trở thành lời mời gọi trân trọng người ta đọc một cuốn sách. Đây có thể xem là một thông điệp: Hãy tiếp xúc trực tiếp với một cuốn sách, hãy tự trải nghiệm mà không bước qua một trung gian nào. Cùng với thức ăn để duy trì sự sống của cơ thể, con người cũng cần thức ăn nuôi dưỡng tinh thần. Đọc là một cách nạp năng lượng cho sự sống tinh thần. Người tuyệt thực, không ăn uống, có thể chết. Người không đọc, không xem, không nghe cũng có thể "chết", cái chết dần dần, êm ái, không dễ nhận ra".
Nếu biết Huỳnh Như Phương ngoài đời, trên giảng đường hoặc đọc văn của ông, rất dễ nhận ra sự đồng nhất trong chữ nghĩa và ngoài cuộc sống của một người thầy điềm đạm, hiền lành, yêu sách vở, chữ nghĩa đến mức có cảm giác như bất cứ câu chuyện nào cũng dẫn về chữ nghĩa.
Hãy cầm lấy và đọc là tác phẩm thể hiện rất rõ những tâm tư, đau đáu về mong muốn có một thế hệ những học sinh hiểu và yêu quý sách, coi sách như cơm ăn, nước uống mà tác giả gửi vào đó.
Viết từ nỗi đau của gia đình
Với Người ngồi đợi trước hiên nhà, tản văn có tính tự sự này được viết ra từ chính kỷ niệm riêng. Tác phẩm kể về sự chờ đợi người về sau chiến thắng, ước mơ đoàn viên. Dì Bảy - nhân vật chính của tác phẩm - là dì ruột của tác giả. Dì và dượng Bảy vừa kết hôn được 1 tháng đã phải xa nhau vì đơn vị của dượng Bảy chuyển đi.
Dượng Bảyngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, chỉ mươi ngày trước khi chiến tranh ngưng tiếng súng, nhưng người vợ thủy chung, son trẻ vẫn chờ đợi, một đời "ngồi đợi trước hiên nhà".
Câu chuyện vọng phu thời hậu chiến không mới, nhưng với sự trắc ẩn, ấm áp trong lòng mình, tác giả đã khắc họa chân dung dì Bảy đọng nhiều ấn tượng về sự thủy chung, bên cạnh sự xót xa, cô độc trong lòng độc giả.
Chọn cách sẻ chia câu chuyện của chính mình, những trải nghiệm đã qua, những người đã gặp, những vùng đã tới... là một phong cách quen thuộc trong tản văn của Huỳnh Như Phương: Dù viết về một điều cụ thể cũng mang tính khái quát cao. Câu chuyện dì Bảy không là chuyện riêng của một nhân vật "tôi", không riêng của gia đình tác giả, mà bao độc giả thấu hiểu, yêu thương và đồng cảm với thân phận người phụ nữ thời hậu chiến.
Hai lời khuyên
"Với tôi, 2 câu nói - cũng là 2 lời khuyên - của thầy Huỳnh Như Phương mà bản thân luôn nhớ và gắng thực hiện: 1) Cố gắng giữ mình khi còn có thể; 2) Chịu khó làm được chút gì đó cho TP.HCM, nhất là trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu văn học.Tôi không có duyên được làm sinh viên, học viên của thầy, nhưng là học trò của thầy, theo đúng nghĩa của từ này" - PGS-TS Bùi Thanh Truyền (Trưởng khoa Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM) chia sẻ.
Học văn để làm giàu tâm hồn và trí tuệ...
Huỳnh Như Phương dễ được sinh viên hoặc người đối diện cảm mến vì vẻ ngoài mẫu mực, điềm đạm. Nhưng những bài giảng của ông không "hiền" như vẻ bề ngoài, mà thú vị và sắc sảo đến bất ngờ.
Tôi nhớ một kỷ niệm trên lớp đại học với thầy Huỳnh Như Phương. Một giảng viên hút hồn học trò, không bao giờ cần nhìn qua giáo án. Người thầy chấm điểm không cần ba-rem, nên sinh viên bước vào môn học của thầy rất thoải mái, mà vẫn hiệu quả.
Một lần, thầy ra đề cho chúng tôi viết về tác phẩm yêu thích đã từng đọc. Một bạn nam trong lớp viết về một tác phẩm chưa được dạy và học. Thầy vẫn cho điểm cao và khen ngợi trước lớp.
Huỳnh Như Phương nhiều lần nhắc với học sinh, sinh viên của mình rằng, học văn ở bậc phổ thông là học làm người, học làm giàu tâm hồn và trí tuệ. Học văn ở bậc đại học là học một nghề nghiệp, học kiến thức và kỹ năng để làm nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người, còn dạy văn ở đại học chủ yếu là dạy nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là một nghệ thuật, trong khi dạy văn ở đại học chủ yếu là một khoa học.
Việc xác định rõ 2 cấp học giúp cả người dạy lẫn người học hiểu rõ được tầm quan trọng của từng phương pháp tiếp cận và giảng dạy. Tuy tưởng như khác biệt, nhưng học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc đại học không những không tách rời, mà còn có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau.
Bàn về văn học trong nhà trường, Huỳnh Như Phương cho rằng: "Có lẽ chưa bao giờ việc họcvà dạy văn đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay. Chưa bao giờ sách báo, tài liệu tham khảo, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo đầy nhiệt huyết như hiện nay. Nhưng cũng chưa bao giờ môn văn bị giảm sút uy tín trước mắt nhìn xã hội và bị phàn nàn nhiều trong dư luận như hiện nay".
Những câu chuyện văn chương với thầy Phương - một người dành trọn đời nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác văn học - luôn nhiều ưu tư như vậy. Yêu văn chương, thương văn chương và có trách nhiệm với văn chương (gồm cả trách nhiệm của một người dạy với những người học, của người viết với độc giả của mình) - đó chính là cốt lõi của thầy Huỳnh Như Phương.
Trải qua nhiều môi trường giáo dục
Thời đại học, 2 năm đầu, Huỳnh Như Phương học triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau ngày thống nhất, ông được ra Hà Nội học tiếp về văn học.
Ông bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1990 tại Viện Văn học thế giới, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Lĩnh vực chuyên môn: Mỹ học, lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại. Nguyên Trưởng khoa Khoa Ngữ văn và Báo chí (1994 - 2001).
Sách đã xuất bản Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986), Những trang viết - những nhịp cầu (đồng tác giả, 1986), Mỹ học đại cương (đồng tác giả, 1994), Những tín hiệu mới (1994), Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ (đồng tác giả, 1995), Danh lam nước Việt (đồng tác giả, 1995), Ngôi nhà và con người (2006), Trường phái Hình thức Nga (2007), Những nguồn cảm hứng trong văn học (2008), Lý luận văn học - nhập môn (2010), Bây giờ mà có về quê… (2011), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài: Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại (đồng chủ biên, 2015), Hãy cầm lấy và đọc (2016), Les Espaces Verts De Saigon (Traduit du vietnamien par Nicole Louis-Hénard et Phan Thanh-Thủy, 2016), Tác phẩm và thể loại văn học (2017), Thành phố - những thước phim quay chậm (2018), Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn (2019)...
Ông là giảng viên Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM,giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Đà Lạt, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Paris Diderot - Paris 7…
Ông là ủy viên ban biên tập các tạp chí khoa học của ĐHQG TP.HCM, Đại học Giáo dục Hà Nội, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Đà Lạt, Đại học Văn hiến, Đại học Paris Diderot - Paris 7…
(Còn tiếp)