Tuyển thủ bóng chuyền nữ Việt Nam vượt qua bi kịch lớn nhất bằng ý chí phi thường, giành giải thưởng cao quý

Cô ấy đang có mặt ở Trung Quốc thi đấu ở giải vô địch các CLB bóng chuyền nữ thế giới 2023. Ít ai biết rằng cô ấy từng vượt qua bi kịch lớn nhất cuộc đời bằng ý chí phi thường, đáng khâm phục.

Đoàn Thị Xuân vượt lên bệnh tật, khẳng định tài năng

"Số 17, Đoàn Thị Xuân, đội Việt Nam", MC lễ trao giải lượt về SEA V.League 2023 xướng tên Đoàn Thị Xuân cho giải "VĐV chắn bóng xuất sắc nhất". Đối chuyền cao 1m82 của Than Quảng Ninh ngỡ ngàng, bối rối.

Cô đánh đối chuyền nhưng ban tổ chức lại xướng tên cô để trao giải "phụ công xuất sắc nhất". Đó là chuyện chưa từng có trong lịch sử bóng chuyền. Ban tổ chức nhầm lẫn gì chăng? Hoàn toàn không phải.

MC đọc chính xác số áo đấu của Xuân, đọc rõ ràng tên họ đầy đủ của cô. Không thể có chuyện nhầm lẫn gì ở đây. Chỉ có phụ công Wilda của Indonesia là nhầm khi cô bước lên bục nhận giải dù không phải là người được giải. Sự nhầm lẫn khiến Wilda bối rối trước khi ban tổ chức thu hồi lại giải thưởng để trao cho "chính chủ".

Đoàn Thị Xuân nhận giải phụ công xuất sắc nhất ở lượt về SEA V.League 2023

Đoàn Thị Xuân nhận giải phụ công xuất sắc nhất ở lượt về SEA V.League 2023

Đánh đối chuyền nhưng lại được trao giải chắn bóng xuất sắc nhất, giải thưởng vốn dành cho phụ công, Đoàn Thị Xuân tạo ra tiền lệ chưa từng có trong lịch sử bóng chuyền nhưng ai cũng thấy là cô xứng đáng được tôn vinh.

Trong khi không ai bàn cãi về việc ban tổ chức trao giải đối chuyền xuất sắc nhất cho ngôi sao cao 1m86 Solomon của Philippines thì ai cũng thấy Đoàn Thị Xuân cũng đã chơi rất tốt ở cả 3 trận cô được đánh chính ở SEA V.League lượt về.

Trong lần hiếm hoi được đánh chính ở tuyển Việt Nam và được chuyền 2 Kim Thoa "mở khóa" với những đường chuyền cực "ngọt", Đoàn Thị Xuân đã có những màn trình diễn tuyệt vời.

Cô ghi tổng cộng 34 điểm trong đó có 8 điểm ở trận gặp Indonesia, 18 điểm ở trận gặp Philippines (nhiều nhất đội Việt Nam) và 8 điểm ở trận gặp Thái Lan. Trong 34 điểm Đoàn Thị Xuân ghi được thì có 8 điểm chắn bóng.

Chưa bao giờ đối chuyền của Than Quảng Ninh rực sáng như thế trong một giải đấu dù trước đó cô cũng từng có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng ở nhiều giải đấu khác nhau khi được HLV Tuấn Kiệt trao cơ hội ra sân.

Đoàn Thị Xuân kiên cường chiến đấu với bệnh tật và khẳng định tài năng

Đoàn Thị Xuân kiên cường chiến đấu với bệnh tật và khẳng định tài năng

Cần nhấn mạnh lại là màn trình diễn ấn tượng của Đoàn Thị Xuân ở lượt về SEA V.League 2023 đến trong bối cảnh cô được đánh chính và được chơi cùng với chuyền 2 Kim Thoa.

Ở đội 1, Đoàn Thị Xuân thường xuyên phải đánh dự bị do Kiều Trinh chơi quá hay trong khi chuyền 2 của tuyển Việt Nam là Lâm Oanh thay vì Kim Thoa. Do ít được thi đấu và chịu ảnh hưởng từ cái bóng lớn của Kiều Trinh, đồng thời lại không được tiếp bóng nhiều từ Lâm Oanh nên Đoàn Thị Xuân không phát huy được hiệu quả thi đấu cao nhất của mình.

Chớp cơ hội đánh chính và được Kim Thoa "mở khóa", Đoàn Thị Xuân bùng nổ thực sự. Giải phụ công xuất sắc nhất lượt về SEA V.League 2023 là sự tưởng thưởng ngọt ngào cho cô gái từng có thời điểm phải chống chọi với bệnh tật và tưởng như phải giải nghệ sớm do chịu những biến chứng của căn bệnh di truyền quái ác mang tên Marfan.

Hội chứng Marfan là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết – các sợi hỗ trợ, kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể. Hội chứng Marfan thường ảnh hưởng nhất đến tim, mắt, mạch máu và xương.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn này bao gồm cao và cao lêu nghêu, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, các ngón tay dài và không cân đối. Nếu động mạch chủ bị ảnh hưởng thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Căn bệnh bị di chuyển từ cha mình từng khiến Xuân tuyệt vọng khi cô đối mặt với thách thức tưởng như không thể vượt qua.

"Bây giờ chỉ giảm sự phát triển của bệnh bằng cách uống thuốc bổ mắt. Bệnh phát triển tới đâu thì uống thuốc tới đó".

"Có trường hợp một vận động viên bóng rổ ở Hàn Quốc cũng mắc phải căn bệnh này. Sau khi phẫu thuật và điều trị một thời gian, họ đã có thể sinh hoạt, hoạt động một cách khỏe mạnh bình thường".

"Bây giờ em chỉ mong có một phép màu để em có thể đến Hàn Quốc một lần. Nhưng mà chi phí cao quá.Tiền phẫu thuật là 500 triệu, chưa kể chi phí sinh hoạt tại Hàn Quốc 3 tới 4 tháng theo dõi và điều trị nếu thuận lợi. Chắc khó…", Xuân từng tâm sự như vậy.

Căn bệnh Marfan đã khiến Xuân phải nghỉ đấu một thời gian dài để điều trị. Số tiền tích góp được sau bao năm cống hiến cho bóng chuyền đỉnh cao không thấm vào đâu. Riêng tiền khám chữa bệnh đã lên tới cả trăm triệu đồng. Hàng tuần Xuân phải tái khám thường xuyên để có thể theo dõi sát sao để không cho bệnh lý phát triển.

Thế rồi những ngày dài đằng đẵng cũng qua đi khi bệnh tật không thể đánh gục được cô gái giàu khát vọng và nghị lực.

Vượt qua nghịch cảnh, Xuân trở lại thi đấu, nỗ lực trong từng buổi tập. chắt chịu từng cơ hội ra sân và cô dần dần khẳng định lại giá trị của mình, dập tắt mọi hoài nghi và những lời ong tiếng ve về chuyện cô được HLV Tuấn Kiệt ưu ái cho thi đấu vì là học trò của ông ở CLB Than Quảng Ninh.

Sau cơn mưa, trời lại sáng. Cận kề bi kịch lớn nhất cuộc đời nhưng Đoàn Thị Xuân đã vượt lên bệnh tật để khẳng định tài năng của mình bằng nỗ lực vượt bậc, ý chí phi thường và khát vọng thành công cháy bỏng.

HT

Link gốc: TTVH