Hệ giá trị Việt Nam - PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Văn hóa cần trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển
Hệ giá trị quốc gia nói chung, hệ giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, con người Việt Nam nói riêng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tương lai đất nước. Bởi, khi giá trị được định hình sẽ có tác dụng định hướng, điều tiết hành vi của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các giá trị phải phù hợp với bối cảnh xã hội, chính vì vậy, các giá trị có thể thay đổi thứ tự ưu tiên trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Hệ giá trị là tập hợp các giá trị thành một hệ thống logic với nhau. Các hệ giá trị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Việc xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật, chuẩn mực con người, dù là một việc làm vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện.
Ông nhấn mạnh:
- Các hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn.
Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội. Nhất là khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn phát triển hết sức đặc biệt, ở đó, tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với mạng Internet, mạng xã hội đã khiến những kinh nghiệm quá khứ có thể không giải quyết được thấu đáo những vấn đề hiện tại; con người loay hoay với quá nhiều vấn đề dẫn đến khả năng mất thăng bằng trong cuộc sống.
Văn hóa, thông qua các hệ giá trị, cần trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển quốc gia, gia đình, văn học, nghệ thuật...
* Có ý kiến cho rằng, sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan niệm giá trị ở hầu hết các khâu đã và đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo, khả năng và chiều hướng vận động của đời sống văn hóa, nghệ thuật dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, từ đó chủ động định hướng cho sự phát triển. Ý kiến của ông?
- Chúng ta có một nhu cầu bức thiết trong việc nghiên cứu về hệ giá trị. Không phải đến bây giờ chúng ta mới quan tâm đến hệ giá trị. Từ khá lâu rồi, các nhà khoa học đã rất quan tâm đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc về vấn đề này. Theo hiểu biết cảu tôi, ít nhất đã có ba đề tài khoa học cấp Nhà nước của GS-TS Ngô Đức Thịnh, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, TS Nguyễn Ngọc Thiện đã nghiên cứu khá toàn diện, thấu đáo về hệ giá trị. Những kiến nghị, đề xuất, giải pháp cũng rất sâu sắc.
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra kiến nghị, đề xuất, việc đưa giá trị nào vào triển khai trong thực tiễn cuộc sống lại cần có một sự thống nhất, đặc biệt là từ ý chí chính trị.
Đó là lý do, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra việc xây dựng các hệ giá trị, từ đó, các nhà lãnh đạo, những người nghiên cứu có thêm quyết tâm trong việc định hình các hệ giá trị.
* Vậy qua những quan sát của ông thì, các giá trị truyền thống đang biến đổi như thế nào? Sự xuất hiện, tiềm năng và những vấn đề cần lưu ý đối với các giá trị mới, thưa ông?
- Tôi còn nhớ, khi còn sống, GS Phan Huy Lê đã từng nhắc nhở chúng ta về khủng hoảng giá trị đang diễn ra trong xã hội, ở đó, những giá trị cũ không phù hợp chưa mất hẳn, những giá trị mới lại chưa định hình một cách hoàn toàn, khiến xã hội chúng ta nhiều khi bị lạc lối vì thiếu những giá trị phù hợp dẫn dắt. Đó cũng là nguyên nhân của rất nhiều hiện tượng lệch chuẩn, không phù hợp đang diễn ra trong xã hội.
Có những giá trị truyền thống phù hợp với hiện tại như yêu nước, nghĩa tình, nhưng cũng có những giá trị truyền thống không còn phù hợp nữa, đặc biệt là những giá trị phong kiến, cổ hủ.
Nhưng kể cả những giá trị phù hợp thì trong bối cảnh mới cũng có những màu sắc mới. Ví dụ như yêu nước trước kia có nghĩa là trung với vua thì giờ đây được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Bối cảnh xã hội đã chi phối nội dung của các giá trị. Hơn thế, quá trình hội nhập quốc tế cho chúng ta chứng kiến rất nhiều những giá trị mới, trong đó có những giá trị phù hợp với sự phát triển đất nước hiện nay như dân chủ, sáng tạo chẳng hạn.
* Ông nghĩ gì về hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay?
- Văn học, nghệ thuật của chúng ta có một vị trí rất đặc biệt trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người, vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó".
Chúng ta luôn kỳ vọng văn học nghệ thuật luôn bồi bổ tinh thần, trau dồi đạo đức cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Trên cơ sở đó, hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam cần phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời còn có trách nhiệm đạo đức, xã hội là khai mở sáng tạo về những chủ đề hiện thực, tạo điều kiện cho những tranh luận nhân văn, trăn trở về thân phận con người, đúng với bản chất của văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa.
"Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.
* Đề xuất, giải pháp của ông trong việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật dân tộc và hiện đại trong giai đoạn hiện nay?
- Đầu tiên, chúng ta cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của hệ giá trị văn học, nghệ thuật trong xây dựng đất nước, con người, trên cơ sở phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ảnh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Thứ hai, cần tăng cường giáo dục nghệ thuật là một giải pháp trong việc xây dựng con người mới với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Giáo dục nghệ thuật cần phải được xem là một trong những mục tiêu chính của giáo dục ở mọi cấp học. Giáo dục nghệ thuật giúp hình thành nên những con người yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, có sức đề kháng với cái xấu, việc làm xấu, đồng thời hình thành nên công chúng cho thị trường nghệ thuật trong tương lai.
Thứ ba, chúng ta cần quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ để trở thành tấm gương cho việc phổ biến, thực hiện hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Muốn làm được điều đó, cần thực hiện dân chủ tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật đi đôi với thực hiện trách nhiệm công dân của trí thức, văn nghệ sĩ. Cần xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ. Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.
Thứ tư là tiếp thu tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật của các thế hệ tiền nhân và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại. Tiếp tục đổi mới phát triển lý luận văn nghệ và mỹ học mác - xít; đề cao đạo đức văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người phê bình văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của công tác phê bình văn học, nghệ thuật, kiến trúc trong đánh giá, định hướng sáng tác, hướng dẫn dư luận và thị hiếu văn hóa, nghệ thuật cho công chúng.
* Xin cảm ơn ông!