Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương

Với hệ thống sách giáo khoa, Trần Hoài là cái tên còn khá mới mẻ, khi đây là lần đầu anh có tác phẩm trong sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ sách Chân trời sáng tạo. Nhưng với độc giả của báo Quân đội nhân dân nói riêng, mảng đề tài chiến tranh nói chung thì không quá xa lạ với nhiều bài bút ký vừa lãng mạn vừa sâu sắc của anh.

Tản văn Miền đất xanh được chọn giảng dạy trong nhà trường thể hiện được một phần phong cách bút ký của Trần Hoài. Trích đoạn nằm trong bút ký cùng tên, từng in báo Quân đội nhân dân năm 2014.

Đòi hỏi cách viết mới về người lính

* Duyên cớ nào để người lính Trần Hoài trở thành nhà báo - nhà văn?

- Tôi làm nghề viết báo, viết văn từ năm 1999. Trước đó, tôi là trung đội trưởng công binh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị. Những bài bút ký văn học đầu tiên của tôi kể về chính đơn vị đại đội 7 công binh của chúng tôi với công việc dò gỡ bom mìn, xây dựng công sự ở đảo Cồn Cỏ và các địa bàn từng là chiến địa như Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Khe Sanh, Lao Bảo…

Hồi đó tôi viết rất hồn nhiên, có gì kể nấy, cùng với một ít liên tưởng, cho nên các bài viết được nhận xét là chân thực, sinh động. Chắc đó là lý do để cấp trên điều động tôi về Bộ tư lệnh Quân khu 4 làm phóng viên chuyên nghiệp.

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Hoài

* Là nhà báo mặc áo lính, thì ngoài đề tài viết về chiến tranh cách mạng, về người lính, anh còn quan tâm những mảng đề tài nào khác không?

- Là nhà báo quân đội và có viết văn, dĩ nhiên các đề tài liên quan đến người lính là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, trong thời đại này, tôi nhận thấy tất cả các vấn đề, lĩnh vực của đời sống đều có liên quan, có tác động với những mức độ khác nhau đến người lính, nhất là đến đời sống tinh thần, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của họ.

Thời chiến tranh, trước mặt người lính là kẻ thù, xung quanh là đồng đội, sau lưng là hậu phương, rất rõ ràng, rất dễ phân định. Với người lính hiện nay, các yếu tố đó đã thay đổi rất nhiều. Chính vì thế mà tôi nhận thấy các tác phẩm văn học viết về người lính hôm nay đòi hỏi cách tiếp cận mới, cách viết mới và khác, nhằm phản ánh chân thực hơn, đa diện hơn...

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 2.

* Đã có một thời nhà văn, nhà thơ khoác áo lính là những tác giả lớn của Việt Nam. Anh nghĩ gì về các nhà văn quân đội hiện nay?

- Thẳng thắn mà nói thì đội ngũ nhà văn quân đội và lực lượng nhà văn viết về quân đội, về người lính hiện nay đang ngày một mỏng dần, ít có tác giả lớn.

Việc các nhà văn, nhà thơ lớn của đương thời không còn mặc áo lính nữa có thể được xem là một dấu hiệu của hòa bình và phát triển. Điều này cho phép họ khám phá và thể hiện mình qua nhiều đề tài đa dạng hơn, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của chiến tranh và quân đội.

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 3.

Tản văn "Miền đất xanh" trong "Tiếng Việt 5", tập 2, bộ sách Chân trời sáng tạo

Sự thay đổi này cũng phản ánh sự chuyển mình của văn học, từ việc tập trung vào những câu chuyện bi hùng của chiến tranh đến việc khắc họa những khía cạnh khác của cuộc sống, như văn hóa, xã hội, tâm lý và cả những vấn đề toàn cầu. Trong tình hình đó, có vẻ như sự đa dạng trong cách tiếp cận về hình tượng người lính và chiến tranh đang được đề cao nhiều hơn.

Những điều vừa nêu mở ra cơ hội để thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về các khía cạnh của đề tài người lính - chiến tranh cách mạng, để hy vọng từ đây sẽ là cơ sở, điều kiện cho sự ra đời của các tác phẩm hay, tác giả lớn.

"Xin được khoe, năm 13 tuổi, tôi đã có một số bài thơ thiếu nhi. Tôi làm thơ chép trong vở, ba tôi là bộ đội về phép, kiểm tra sách vở và nhìn thấy, ông âm thầm gửi đăng báo" - Trần Hoài.

"Khe Sanh đang xanh trở lại"

* Đọc "Miền đất xanh", dù chỉ còn là một tản văn ngắn trong sách giáo khoa, vẫn thấy tác giả dành nhiều tình cảm với vùng đất Khe Sanh. Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm với "miền đất xanh" này?

- Bài bút ký này tôi viết đã lâu, kể về vùng đất Khe Sanh, Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Những năm 1996- 1999, tôi là trung đội trưởng chỉ huy bộ đội dò, gỡ bom mìn ở đây. Năm 2014, tôi trở lại với tư cách nhà báo, đã viết bút ký với kỷ niệm, ký ức của mình, cũng như của các nhân vật là tướng lĩnh, cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường này trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Chúng tôi là những người lính ở các thế hệ khác nhau, trong những thời điểm khác nhau, công việc khác nhau, nhưng đều có chung nhiệm vụ, đó là chiến đấu chống lại kẻ xâm lược và gìn giữ bình yên, góp phần hồi sinh cho một vùng đất đẹp đẽ, hiền lành.

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 5.

Bức tranh minh họa "Miền đất xanh" Khe Sanh

Một kỷ niệm mà tôi đã kể trong bút ký, đó là: "…Quả mìn còn mới, màu sơn xanh và ngòi nổ thiết kế rất tinh vi, tôi biết chắc chắn rằng nó vẫn còn nguyên tính năng, tác dụng và có thể nổ bất cứ lúc nào nếu mình mất cảnh giác. Thượng úy, trung đội trưởng Trần Hoài Phương, bạn tôi đã giành lấy việc nguy hiểm là: Tháo gỡ nó. Bạn nói: Chỉ vài hôm nữa bạn chuyển công tác đi làm phóng viên quân đội, thôi để quả mìn này mình xử lý cho. Mình hiểu loại này lắm, vì làm nhiều rồi".

"Chúng tôi tản ra tìm chỗ ẩn nấp an toàn, chỉ còn lại một mình Phương trơ trọi giữa khu rừng, ngổn ngang những thân cây nằm đổ gục. Tôi nhìn rõ mồ hôi chảy ướt đẫm trên gương mặt Phương đầy căng thẳng. Và 2 bàn tay của Phương cẩn trọng tháo nắp mìn, tháo ngòi nổ. Chúng tôi ở vị trí ẩn nấp an toàn như nín thở, thót tim theo từng vòng xoay tháo ngòi nổ của Phương. Có lẽ các ren vặn đã bị gỉ nên Phương loay hoay khá lâu... Đến lúc Phương đứng bật dậy, 2 tay huơ lên trời: "Xong rồi, xong rồi!", chúng tôi chạy ào ra quanh Phương, mừng đến chảy nước mắt".

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 6.

Tập bút ký "Không có đêm trên vĩ tuyến 17"

* Anh muốn gửi gắm điều gì qua tác phẩm này?

- Tôi muốn gửi lời tri ân đến những thế hệ cha anh đi trước, những anh hùng liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh đã hy sinh xương máu để giải phóng vùng đất Khe Sanh-Hướng Hóa. Khe Sanh đang xanh trở lại, những thế hệ tiếp nối chúng tôi dò gỡ bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh, chính là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của cha anh. Và những hy sinh không bao giờ là uổng phí.

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 7.

* Là một tác giả chưa từng viết cho trẻ em, anh có cảm xúc gì khi tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa tiểu học?

- Xin được khoe, năm 13 tuổi tôi đã có một số bài thơ thiếu nhi. Tôi làm thơ chép trong vở, ba tôi là bộ đội về phép, kiểm tra sách vở và nhìn thấy, ông âm thầm gửi đăng báo… Giờ đây, trích đoạn bút ký Miền đất xanh được chọn vào sách giáo khoa tiểu học, tôi rất vui, như một vòng tròn hạnh phúc. Tôi mường tượng sẽ có nhiều em nhỏ đọc đoạn trích đó của tôi, sẽ biết thêm về Khe Sanh, và có thể sẽ lưu vào ký ức lâu dài một chút ký ức của riêng tôi…

* Có khi nào anh nhìn lại những tác phẩm đã in của mình không?

- Tôi có 2 tập bút ký đã in là Không có đêm trên vĩ tuyến 17Qua đèo lau trắng, đều viết về con người, vùng đất Quảng Trị và Bắc miền Trung. Nhưng đâu đó trong 2 cuốn sách này vẫn còn những khoảng trống trong tâm tưởng của chính tôi và cả những băn khoăn về cách viết, cách tiếp cận hiện thực cuộc sống hiện nay, nên hy vọng sẽ được lấp đầy, giải tỏa ở những cuốn tiếp theo.

Nhà báo Trần Hoài: 'Miền đất xanh' - Miền yêu thương - Ảnh 9.

Tập bút ký "Qua đèo lau trắng"

* Cám ơn anh đã chia sẻ!

Kỹ lưỡng trong việc in tác phẩm


Nhà báo Trần Hoài quê Quảng Trị, hiện đang công tác tại Nghệ An. Anh được biết đến là nhà báo có nhiều bài bút ký, bình luận sắc sảo. Bên cạnh viết báo, anh có làm thơ, viết truyện và khá kỹ lưỡng trong việc ra mắt tác phẩm. Đó chính là lý do sau hàng chục năm theo nghề, anh chỉ in 2 tập bút ký là Không có đêm trên vĩ tuyến 17Qua đèo lau trắng.

Khôi Nguyên Thảo (thực hiện)

Link gốc: TTVH