Khai trương bảo tàng Perth ở Scotland: 'Ngôi nhà tâm linh' của Phiến đá Định mệnh
Khai trương cuối tháng 3 vừa qua, bảo tàng mới tại Perth ở Scotland (Vương quốc Anh) hiện là nơi trưng bày Phiến đá Định mệnh, hay còn được gọi là Phiến đá Bánh nướng. Phiến đá nặng tới 335 pound (hơn 150 kg) này là một trong những hiện vật lịch sử quan trọng bậc nhất của Scotland nói riêng cũng như Vương quốc Anh nói chung.
Trở lại thành phố Perth lần đầu tiên sau hơn 728 năm, Phiến đá Định mệnh là tác phẩm trung tâm của bảo tàng, nằm giữa một bộ sưu tập lớn cũng vô cùng độc đáo. Mọi người đều có thể tới tham quan.
Tôn vinh Phiến đá Định mệnh
Bảo tàng Perth ở Scotland được mở cửa sau dự án tái phát triển trị giá hơn 27 triệu bảng Anh. Nó nằm trong một tòa nhà di sản thời Edward, từng là nơi tổ chức nhiều sự kiện từ họp chợ và hòa nhạc đến hội nghị chính trị hay các trận đấu vật.
Bên cạnh Phiến đá Định mệnh, bộ sưu tập công cộng của Perth và Kinross ở Bảo tàng Perth còn có nửa triệu món đồ và mẫu vật: những hình cầu bằng đá được chạm khắc từ cuối thời đồ đá, một chiếc thuyền độc mộc từ thời đồ đồng, đồ trượt tuyết bằng xương ngựa từ thời Trung cổ, một chiếc áo chẽn bằng lụa và sa tanh từ thế kỷ 17 (có lẽ được làm cho đám cưới, ở tình trạng tốt hiếm có),…
Trong hơn nửa thiên niên kỷ, phiến đá này - từng được lưu giữ nhiều năm tại tu viện Scone ở Perth - từng được sử dụng trong lễ đăng quang của các quốc vương Anh. Năm ngoái, nó cũng quay trở lại tu viện Westminster vào lễ đăng quang của vua Charles III.
Tuy nhiên, bất chấp bề mặt cũ kỹ đậm tính thời gian và những vòng sắt có lẽ đã có từ trước, khối đá sa thạch hình thuôn dài này trông có vẻ đơn điệu về bề ngoài.
Vậy, làm thế nào để trình bày một thứ đơn điệu nhưng được bao quanh bởi rất nhiều bí ẩn gây "choáng ngợp" - như lời một trong những người phụ trách Bảo tàng Perth nói - và du khách có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của nó?
Hãng thiết kế Mecanoo của Hà Lan đã đưa ra giải pháp: Trình bày nó trong một gian nhà gỗ sồi cao chót vót giống như kho bạc thời xưa, được xây dựng ở giữa bảo tàng. Giờ đây, giống một viên ngọc quý giữa chốn thần tiên, phiến đá được chiếu sáng đầy ấn tượng như tỏa ra một vầng hào quang quý giá.
Khi phiến đá trở lại Scotland, nghiên cứu khoa học đã xác định địa chất của phiến đá là đá địa phương. "Có thể nó cùng loại với những mẫu đá được tìm thấy gần thị trấn Scone ở Scotland" - GS Dauvit Broun.
Lịch sử lâu đời
Khi vua Charles III của Anh đăng quang tại London vào ngày 6/5/2023, ông đã ngồi trên một chiếc ghế cổ có ngăn chứa Phiến đá Định mệnh. Tuy nhiên, dù phiến đá này đã được sử dụng trong lễ đăng quang của Anh từ cuối thế kỷ 14, đến giờ người ta vẫn không rõ về nguồn gốc và niên đại của nó.
Các truyền thuyết cho rằng, phiến đá khối chữ nhật này có nguồn gốc từ Palestine cách đây 3.000 năm trước, nhưng các nhà khoa học tin rằng nó có thể đến từ Scotland. Phiến đá là một trong những báu vật quý giá nhất của Scotland, nơi nó được sử dụng thường xuyên trong lễ trao vương miện cho các vị vua Scotland. Nó bị đưa về Anh vào năm 1296.
Mãi tới năm 1996, phiến đá mới trở lại Scotland, được đặt trong lâu đài Edinburgh. Tuy vậy, nó vẫn là tài sản của vương quyền Anh và sẽ được chuyển về London vào các dịp lễ đăng quang. Ngoài ra, còn có một bản sao của phiến đã được đặt tại cung điện Scone, cách Edinburgh hơn 50km - nơi mà phiến đá "bản gốc" từng là một phần của các lễ đăng quang tại Scotland trong nhiều thế kỷ.
Ở các địa điểm Edinburgh, Scone và Westminster, du khách có thể kết nối được những phần câu chuyện về phiến đá này - một hiện vật từng bị đánh cắp hai lần, bị hư hại nhiều lần, không ngừng được thần thoại hóa và bị tranh chấp trong suốt 7 thế kỷ.
Theo đó, có truyền thuyết nói rằng phiến đá được dùng làm gối đầu cho nhân vật Jacob trong Kinh thánh, cách đây hơn 3.000 năm, trước khi được chuyển từ Palestine đến Ai Cập, Italy, Tây Ban Nha, Ireland và rồi được đưa về Scotland. Tuy vậy, theo nhà khảo cổ học người Anh David Breeze, đồng tác giả cuốn The Stone of Destiny: Artefact and Icon, phiến đá này vốn là đá sa thạch nên không thể là gối của Jacob, bởi đá nền ở Thánh địa đều là đá vôi.
Sau khi vua Edward I chinh phục Scotland vào năm 1296, ông đã chuyển tảng đá đến tu viện Westminster. Nhà sử học hoàng gia Anh Tracy Borman cho biết: "Sau này, nó được đặt dưới ghế của vua Edward. Tất cả các vị vua Anh đều đã đăng quang trên chiếc ghế đó kể từ cuối thế kỷ 14".
Phiến đá suýt nữa "bỏ lỡ" lễ đăng quang của cố Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1953. Nguyên nhân là 3 năm trước đó, năm 1950, nó bị 4 sinh viên Scotland đánh cắp. Khi những kẻ cắp lấy hòn đá ra khỏi ghế, nó bị rơi xuống sàn và vỡ làm đôi. Sau đó, nó bị kéo lên trên sàn tu viện Westminster rồi đưa lên xe lái đi. Phải tới tháng 4/1951, khi cảnh sát nhận được thông tin, phiến đá mới được tìm thấy tại tu viện Arbroath.
"Sau một số cuộc đàm phán, nó đã được đưa trở lại London đúng lúc nữ hoàng Elizabeth II đăng quang" - Borman giải thích - "Vào năm 1996, trong bối cảnh việc chuyển giao quyền lực cho Scotland ngày càng được ủng hộ, thủ tướng Anh bấy giờ là John Major tuyên bố phiến đá sẽ được giữ ở Scotland vào những khi không được sử dụng trong lễ đăng quang".
Khi phiến đá trở lại Scotland, nghiên cứu khoa học đã xác định địa chất của phiến đá là đá địa phương. "Có thể nó cùng loại với những mẫu đá được tìm thấy gần thị trấn Scone ở Scotland" - theo giáo sư lịch sử Dauvit Broun của Đại học Glasgow.
Tuy nhiên, theo Ewan Hyslop, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Môi trường Lịch sử Scotland (HES), ngay cả khoa học tiên tiến nhất cũng không thể giải mã hoàn toàn tảng đá. Các nghiên cứu mô hình 3D và kiểm tra bằng tia X của HES đã cung cấp thêm bằng chứng rằng phiến đá dường như tới từ Scone, nhưng Hyslop thừa nhận họ vẫn chưa "câu trả lời cuối cùng".
Sau nhiều năm đặt tại lâu đài Edinburgh, năm 2020, các lãnh đạo của Perth đã thành công trong "cuộc chiến" đưa phiến đá trở về Perth - nơi lưu giữ phiến đá nhiều năm. Thế nên, nhiều người coi Perth là "ngôi nhà tâm linh" của phiến đá.
Giờ đây, khi đã được đặt trang trọng tại Bảo tàng Perth, phiến đá mang theo những hi vọng về việc giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy quá trình tái phát triển tại nơi này.
Một bảo tàng đậm chất truyền thống
Khai trương vào 30/3, Bảo tàng Perth mở cửa 7 ngày một tuần, miễn phí vé vào các phòng trưng bày cố định và có thể tính phí với các gian triển lãm tạm thời. Ngoài bảo tàng tham quan, nơi đây cũng có quán cà phê, gian hàng cũng như không gian học tập và tổ chức sự kiện.
Hiện, quanh khu vực trung tâm của bảo tàng là 2.500 món đồ từ các bộ sưu tập cố định được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp cái nhìn lịch sử về xã hội của Scotland. Gian triển lãm tạm thời tại đây hiện là nơi trưng bày các hình ảnh kỳ lân - biểu tượng văn hóa thú vị của hoàng gia Scotland.
Đáng chú ý nhất, tại bảo tàng mới, những yếu tố tưởng như lập dị của các bộ sưu tập đã được nhấn mạnh chứ không hề bị che đậy đi. Trong số các món trưng bày, du khách có thể xem quả trứng 1.000 năm tuổi được phát hiện trong một đống rác ở Perth hay bản sao bằng sợi thủy tinh một "con cá hồi quái vật" - nặng gần 30 kg, do một y tá bắt được sau 2 giờ vật lộn trên sông vào năm 1922. Như nhận xét của nhiều người, đây là một bảo tàng rất đậm chất truyền thống.