Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong tổ chức lễ hội đầu Xuân tại đền Bảo Lộc, Nam Định
Ngày 20/2, trao đổi với phóng viên TTXVN về việc tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) xuất hiện tình trạng bán ấn thu tiền, đổi tiền lẻ diễn ra tràn lan…, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cho biết, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu địa phương rút kinh nghiệm và tiến hành kiểm tra, rà soát, khắc phục ngay những bất cập, tồn tại trong khâu tổ chức lễ hội đầu Xuân.
UBND huyện yêu cầu, địa phương chấm dứt ngay việc đóng ấn mặc cả thu tiền tại cung cấm Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong Di tích Lịch sử văn hóa đền Bảo Lộc; nghiêm cấm các hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch trong khuôn viên di tích và lễ hội; tăng cường lực lượng phụ trách các lĩnh vực như: vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xử lý tệ nạn ăn xin, đổi tiền lẻ, thu tiền nơi đóng ấn... Nếu để xảy ra sai phạm, các bộ phận, thành viên phải chịu trách nhiệm.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc, khác với đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, nơi thờ các vị vua Trần cùng các quan lại có công phò tá nhà Trần) sẽ diễn ra Lễ khai ấn vào đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hàng năm, tại đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần chỉ tổ chức lễ dâng hương đầu năm. Do đó, việc người dân, du khách thập phương nếu có nhu cầu xin lộc ấn sẽ được nhà đền thực hiện kể cả ngày thường. Tuy nhiên, việc thu tiền đóng ấn là không được phép.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin, trong những ngày đầu năm mới, tại đền Bảo Lộc có đông đảo du khách đến chiêm bái, cầu may. Dọc con đường dẫn vào cửa đền có nhiều hàng quán viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh, hàng mã, cờ, đổi tiền lẻ... Dù chưa khai ấn nhưng khách hành hương được mời chào quảng cáo đủ các loại ấn đã được đóng dấu sẵn.
Tại vị trí đóng ấn, phía ngoài cửa treo biển “cung cấm” nhưng ai cũng có thể ra vào tự do. Thay vì để du khách tự nguyện đóng góp, một bộ ấn và bùa hộ mệnh ở đền Bảo Lộc được phát giá công khai là 250 nghìn đồng. Bên ngoài sân đền, dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động tấp nập với phí chênh lệch từ 20 - 30%.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có hơn 100 lễ hội Xuân tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch; đặc biệt là Lễ khai ấn đền Trần... thu hút hàng chục nghìn lượt du khách thập phương về vãn cảnh, chiêm bái. Thời gian qua, tỉnh đã có những quy định nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan trong các lễ hội dịp đầu năm. Các địa phương, Ban quản lý di tích đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; nhất là trong việc đổi và sử dụng tiền lẻ tràn lan, hạn chế đốt vàng mã, giữ gìn vệ sinh chung trong không gian diễn ra lễ hội...