Randy Meisner và những cay đắng với 'The Eagles'
Qua đời vào ngày 26/7 vừa qua ở tuổi 77, Randy Meisner, tay bass đồng thời là thành viên sáng lập The Eagles - 1 trong những nhóm nhạc thành công nhất nước Mỹ - đã được tổ chức lễ tang xứng đáng với những đóng góp của mình. Bất chấp một thực tế: Ông đã rời nhóm từ tháng 9/1977, sau nhiều lùm xùm và cay đắng.
"Randy (Meisner) là 1 phần không thể thiếu của The Eagles trong những ngày đầu thành công của nhóm" - điếu văn về ông viết - "Quãng giọng của ông thật đáng kinh ngạc, thể hiện rõ trong bản ballad đặc trưng của ông, Take It To The Limit (Đẩy tới cực hạn)".
"Ta nên rời đi?"
Không còn nghi ngờ gì nữa, những tình cảm này là chân thành. Tuy nhiên, điều mà điếu văn không đề cập tới là Meisner đã rời khỏi The Eagles do một tranh cãi nảy lửa, mà hoàn cảnh phía sau có "những hồi ức khác nhau".
Khi Meisner thành lập The Eagles cùng Glenn Frey, Don Henley và Bernie Leadon, họ lập tức được nhiều người kỳ vọng. Frey và Henley đã biểu diễn cùng Linda Ronstadt, và mối quan quan hệ sáng tạo này sẽ là chìa khóa của thành công -cũng nhưnhững định hướng tiếp theo - của ban nhạc.
Như Meisner sau này nói, không hẳn là ngợi khen: "FreyvàHenley là Lennon/McCartney của The Eagles". Bản thân ông từng diễn với nhạc sĩ - diễn viên Ricky Nelson và là tay bass giàu kinh nghiệm. Khi 4 người họ ký hợp đồng với hãng đĩa Asylum của David Geffen, họ hòa hợp theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và kết quả là album đầu tayEagles đã bán được hàng triệu bản ở Mỹ, đưa họ lập tức thành các ngôi sao.
Meisner đã thể hiện rất tốt trong màn ra mắt của nhóm, hát chính 3/10 ca khúc (ngang với Frey, chỉ ít hơn Henley và Leadon 1 ca khúc) và sáng tác hoặc đồng sáng tác 3 ca khúc. Chính ca khúc Take The Devil của ông đã khởi đầu hành trình sáng tạo album. Nhà sản xuất album Glyn Johns đã nhận xét một cách say mê rằng "Sự hòa trộn diệu kỳ giữa các giọng hát, âm thanh hòa quyện, thật tuyệt vời".
Tuy nhiên, trong những album tiếp theo của The Eagles, rõ ràng là những đóng góp của Meisner bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho Frey và Henley. Bộ đôi này đã sáng tác hoặc đồng sáng tác 8/10 ca khúc ở album thứ 2, Desperado, và Frey hoặc Henley hát 7 trong số đó. Meisner đồng sáng tác 2 ca khúc, hát chính 1 và hát cùng Henley ở ca khúc còn lại. Không aitin rằng Meisner thật sự bình đẳng trong nhóm.
Quan hệ sáng tác bền chặt giữa Frey và Henley chắc chắn đã gây ra căng thẳng trong The Eagles, vì rõ ràng là mọi ý tưởng dân chủ trong nhóm đều bị quét sạch. Như Henley nhận xét: "Đó là thời điểm thật sự quan trọng với chúng tôi. Khi chúng tôi thành lập ban nhạc, quan điểm là mọi người đều bình đẳng. Tất cả chúng tôi đều hát và viết nhạc. Giống như 1 đội bóng vậy. Người làm tiền vệ, người làm hậu vệ. Vì vậy, theo thời gian, nhiều rắc rối nảy sinh".
Ca khúc “Take It to the Limit” của The Eagles
Meisner cũng bị gạt ra trong album thứ 3 của The Eagles, On The Border, 1 lần nữa chỉ xuất hiện trong 2/10 ca khúc, và chỉ viết 1 bản ballad da diết Is It True mà ông được hát chính. Mặc dù bề ngoài, ca khúc là về một tình yêu đã buông tay - chủ đề quen thuộc với nhóm - nhưng người nghe có thể cảm thấy sự bất mãn của Meisner qua những câu: "Có phải vậy không nhỉ, ta đã mất đi cảm giác đó?/ Có phải vậy không nhỉ, ta nên rời đi?".
Khi Frey và Henley ngày một trở nên quyền lực và có ảnh hưởng, Meisner bắt đầu cảm thấy mình không theo kịp được.
Ông phát hành đĩa đơn duy nhất của mình với The Eagles, bản ballad bay bổng Take It To The Limit, trong album tiếp theo của nhóm, One Of These Nights, mặc dù đây là đồng sáng tác với Henley và Frey, đạt No.4 trên Billboard Hot 100. Album là thành công lớn và theo Frey, quá trình viết và thu âm là một trải nghiệm "không đau đớn".
"Cứ tưởng sẽ được nhắc tới vì tham gia 6 album, nhưng họ làm như thể tôi chưa từng chơi cùng họ" - Meisner nói khi không được The Eagles mời lưu diễn.
Cắt đứt
Tuy nhiên, trên thực tế, Leadon đã rời nhóm vì không hài lòng với cách The Eagles chuyển từ âm nhạc đồng quê sang rock chính thống hơn. Điều này được Henley và Frey cho là cần thiết về mặt thương mại -và 4 triệu bản One Of These Nights được bán ra cho thấy là họ đúng. Leadon được thay thế bởi guitar mới Don Felder.
Nhóm bắt đầu chuyến lưu diễn thế giới, sau đó viết và thu album đình đám Hotel California vào năm 1976. Album này bán được tới 32 triệu bản trên thế giới! Vai trò của Meisner ngày một thu hẹp, chỉ viết và biểu diễn 1 ca khúc trong album, Try And Love Again, mặc dù sau đó ông cho biết, Henley đã nhờ ông viết lời ca khúc chủ đề. Ông không làm với lý do thấy việc viết lời rất khó, và do đó bỏ lỡ nhiều triệu USD bản quyền. Dù nói rằng "chúng tôi khá hòa hợp khi làm album này", nhưng Meisner đang gặp trục trặc hôn nhân do xa nhà lâu ngày để đi lưu diễn.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa Meisner và Frey ngày một rạn nứt. Năm 1977, khi lưu diễn quảng bá Hotel California, Meisner lo lắng rằng mình không thể ngân lên những nốt cao trong Take It To The Limit, một phần do lối sống bê tha với rượu và ma túy. "Cơ bản thì tôi luôn lo lắng: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không hát đúng?" - ông nói - "Đó là những nốt khá cao".
Kết quả, tại hòa nhạc ở Knoxville tháng 6/1977, Meisner không muốn hoặc không thể hát ca khúc đặc trưng của mình ở phần tri ân khán giả. Khi Frey cổ vũ: "Sẽ ổn thôi. Anh có thể hát, hãy quay lại sân khấu và thể hiện thôi", Meisner kiệt sức và say xỉn độp lại: "Không, tôi sẽ không hát ca khúc chết tiệt đó". Frey cáu kỉnh đáp: "Khốn nạn", và Meisner đã đánh Frey.
Phía Frey thì kể rằng khi Meisner từ chối hát ca khúc nổi tiếng của mình, ông đã nói: "OK, không hát thì thôi. Sao anh không nghỉ luôn đi? Anh nói mình bất hạnh, thế thì nghỉ đi". Khi cảnh sát ở hậu trường định can ngăn vụ đánh nhau, Frey kể rằng Henley đã quay sang họ và nói: "Tránh ra một bên đi! Đây là vấn đề cá nhân và riêng tư, thật sự riêng tư!" Theo Frey, quá hiển nhiên rằng Meisner sắp rời đi.
Hồi ức của Meinser lại hơi khác. Dù không phủ nhận chuyện đánh Frey, điều mà ông gọi là "sai lầm tệ hại", nhưng ông cho rằng đó chỉ là bất đồng chứ không phải thù ghét. Ông nói mình bị Frey khiêu khích và nổi khùng, mất kiểm soát. "Tôi mệt mỏi. Tôi nói với anh ta rằng thế là đủ rồi và đấm vào mặt anh ta, đẩy anh ta vào tường. Cảnh sát đã cầm gậy lao tới can" - theo lời Meisner.
Tháng 9 năm đó, Meisner rời nhóm với lý do kiệt sức. "Tất cả những nhiêu khê, tranh cãi giữa The Eagles giờ đã kết thúc" - ông nhẹ nhõm - "Ít nhất là với tôi".
Mặc dù có ý kiến cho rằng Meisner rời The Eagles chứ không phải bị sa thải nhưng ông không hẳnnghĩ vậy. Ông miêu tả những ngày cuối chuyến lưu diễn "Đúng là địa ngục. Không ai nói chuyện với tôi", và cảm thấy mình như nhạc công được thuê theo phiên chứ không phải thành viên cốt cán của nhóm.
Mặc dù chỉ riêng thành công của Hotel California cũng đủ đảm bảo cho Meisner sống giàu có trọn đời, nhưng ông không bao giờ hưởng vinh quang như xưa. Ông hoạt động chủ yếu là nhạc công theo phiên cho những nghệ sĩ như James Taylor và Dan Fogelberg. Ông bị từ chối tham gia chuyến lưu diễn "bắt đầu lại" năm 1994 Hell Freezes Over của The Eagles. Meisner đã rất tức giận: "Cứ tưởng sẽ được nhắc tới vì tham gia6 album, nhưng họ làm như thể tôi chưa từng chơi cùng họ".
"Không có sự trở lại, không có hòa nhạc tái hợp, thậm chí không được làm khách mời trong buổi diễn nào" - Meisner cay đắng sau 1 thập kỷ rời đi. Tuy vậy, ông thật sự có biểu diễn 1 lần tại hòa nhạc Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, chơi Hotel California và Take It Easy với nhóm nhạc mà ông là đồng sáng lập. Nhưng liệu ông có tha thứ và quên đi? Không ai biết được.Sau này nhìn lại, Meisner từng nói rằng mình đã đúng khi rời khỏi The Eagles và cảm thán: "Tôi đã luôn thật lòng tốt với họ".
Huyền thoại "The Eagles"
The Eagles thành lập tại Los Angeles, Mỹ vào năm 1971. Với 5 đĩa đơn và 6 album No.1, 6 giải Grammy và 5 giải Âm nhạc Mỹ, họ là 1 trong những nghệ sĩ âm nhạc thành công nhất thập niên 1970 ở Bắc Mỹ. Với hơn 200 triệu đĩa bán ra, họ cũng là 1 trong những nhóm nhạc bán chạy nhất thế giới.
The Eagles được giới thiệu vào Đại sảnh danh vọng Rock and Roll năm 1998 và xếp thứ 75 trong danh sách 100 Nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại năm 2004 của Rolling Stone.
The Eagles hoạt động ngắt quãng. Sau giai đoạn từ năm 1971 - 1980, họ ngừng hoạt động trước khi tái hợp vào 1994 rồi lại nghỉ vào năm 2016, sau cái chết của Frey. Năm 2017, họ khởi động lại 1 lần nữa. Hiện, các thành viên của nhóm là Don Henley, Joe Walsh, Timothy B. Schmit, Vice Gill và Deacon Frey (con trai Glenn Frey). Họ dự định sẽ tổ chức chuyến lưu diễn cuối cùng của sự nghiệp, The Long Goodbye, vào cuối năm nay.