Nhạc ngoại lời Việt đến lúc thoái trào?

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt Là anh do Phạm Lịch trình bày từng xuất hiện ở vị trí thứ 5 trong Top 10 BXH Billboard Vietnam Top Vietnamese Songs, nhưng gần đây thì biến mất khỏi các bảng xếp hạng tại Việt Nam. Chẳng có gì đáng nói, nếu như sự biến mất này chỉ là chuyện đơn lẻ, nhưng dường như "nhạc ngoại lời Việt" nói chung vừa không còn là xu hướng của nhiều khán giả Việt Nam hiện tại?

1. Nói là "vừa không còn", vì gần đây trào lưu cover (hát lại) nhạc Hoa lời Việt đang gây sốt trên mạng, nhận được sự yêu thích của giới trẻ, kèm theo đó là không ít tranh cãi. Câu hỏi được đặt ra: Đây là làn gió mới cho âm nhạc, hay là sự lạm dụng quá đà và thiếu sáng tạo?

Nhạc ngoại lời Việt đã tồn tại từ lâu trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Viết lại lời mới trên nền nhạc khác từng có thời được xem như "tái sáng tạo", cũng là một cách thể hiện tài năng của người nhạc sĩ, khi tạo ra một phiên bản mới ngang ngửa, thậm chí làm người nghe quên đi bản gốc.

Nhạc sĩ tài danh Phạm Duy cũng có rất nhiều ca khúc viết lại lời Việt trên nền nhạc nước ngoài và nhận được sự yêu thích của nhiều thế hệ khán giả Việt. Hoặc như trường hợp các ca khúc nhạc ngoại lời Việt của Lữ Liên như Đôi bờ, Bến vắng… đến nay vẫn được khán giả nghe, nhiều ca sĩ trẻ hát lại.

Cũng phải kể đến trường hợp ngược lại, nhạc Việt được viết lời ngoại như ca khúc Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, Không của Nguyễn Ánh 9, Diễm xưa của Trịnh Công Sơn…

Nhạc ngoại lời Việt đến lúc thoái trào? - Ảnh 1.

Ca khúc nhạc ngoại lời Việt “Là anh” của Phạm Lịch

Sự tồn tại của hình thức nhạc ngoại hoặc nhạc Hoa lời Việt bấy nay yên ổn trong nền âm nhạc Việt. Những ca khúc viết lời Việt hay, mang tinh thần "tái sáng tạo" vẫn được hát, những ca khúc dở cũng chịu cảnh chết không kèn trống.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, nhạc Hoa lời Việt bắt đầu rộ lên với những bản cover trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, với nhiều ca sĩ trẻ thể... Các ca khúc này nhanh chóng được đông đảo giới trẻ yêu thích, bởi những giai điệu nhạc Hoa quen thuộc, bắt tai, vốn đang là xu hướng trên nền tảng mạng xã hội.

Khán giả có thể dễ dàng bắt gặp những ca khúc này tại các buổi biểu diễn phòng trà, cà phê âm nhạc, mạng xã hội hoặc thậm chí là những quán cà phê cũng ưa chuộng thể loại này. Chính vì sự phổ biến đó mà số lượng các bài hát nhạc Hoa lời Việt cũng tăng lên khá nhanh, nhanh đến… phát ngán.

Việc sử dụng các nền nhạc đang xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc để biến thành một bài nhạc Việt có thể xem là một cách "dựa hơi" vào độ nổi tiếng sẵn có. Điều đáng nói, các ca khúc viết lại lời Việt vài năm gần đây có ca từ khác xa với tinh thần của nguyên tác, như gượng ép vào giai điệu, dẫn đến một số bài hát có ngôn ngữ tiếng Việt nghèo nàn, "có chữ mà không có nghĩa".

2. Sự bùng nổ của mạng xã hội, thế giới phẳng, để từ xu hướng quốc gia thành xu hướng quốc tế có khi chỉ nhờ vào một vũ đạo vô nghĩa được nhảy trên một nền nhạc nào đó.

Thử nghe các ca khúc nhạc Hoa lời Việt gần đây, dù đạt hàng chục triệu lượt xem đi nữa, vẫn có cảm giác rõ ràng một sự sáo, sến và vô nghĩa. Bởi viết lại lời Việt trên nền ca khúc ngoại không phải chuyện dễ dàng, khi mà người viết lời đã tự trói buộc mình trên cái nền có sẵn. Đa phần điểm yếu của những ca khúc nhạc Hoa lời Việt hiện nay so với nguyên tác chính là sự nghèo nàn về từ vựng, quanh quẩn trong "yêu, buồn, chia tay, chết…" trong khi nguyên tác có ca từ phong phú hơn, giàu tính văn học. Chưa kể những ràng buộc về khẩu âm của từng dân tộc khiến cho việc hát không hề dễ dàng.

Ngoài ra còn có một số người hát tay ngang, nổi lên nhờ các bản cover trên TikTok,  ảo tưởng về giọng hát, nên tự tin đi biểu diễn nhiều nơi. Để nhiều khán giả phải cảm thán rằng "chỉ cần cầm mic lên là có thể làm ca sĩ" hoặc tỏ rõ sự ngán ngẫm.

Trong giai đoạn nghệ thuật Việt Nam đang ngày càng đa dạng, âm nhạc Việt đang từng bước đi tìm tiếng nói của mình trên thế giới. Bên cạnh những nghệ sĩ có tư duy âm nhạc, làm nghệ thuật một cách nghiêm túc và có màu sắc riêng, vẫn còn nhiều người dựa vào những xu hướng nhất thời để làm ra những sản phẩm "vay mượn", hời hợt.

Thật khó để dựa vào một đoạn ngắn trên TikTok mà đánh giá cả bài hát. Nhưng chính những đoạn clip ngắn này đã tạo nên ảo tưởng cho rất nhiều người nhờ vào sự lặp đi lặp lại đến mức như một hình thức khủng bố tai từ clip này sang clip khác. Sự ảo tưởng càng mạnh hơn khi dựa theo thói quen nói, khán giả và cả người hát nhận "ca khúc X" của "Y", trong khi thực tế thì "ca khúc X" là nhạc ngoại lời Việt. Càng khó có thể nói là "của ai", vì người hát chỉ đơn giản là hát lại.

Chưa kể, còn cả những cú tung hê đến rợn người như "xuất sắc", "tuyệt vời", "hay hơn bản gốc"… Đây chỉ là những màng "tự sướng" buồn cười của những ca khúc thể hiện một trình độ tiếng Việt sơ sài và một phông nền văn học nghệ thuật rất hạn chế.

Ngày nay, khán giả dễ dàng tiếp xúc với ý nghĩa ca từ của nhạc ngoại thông qua phần phụ đề, việc so sánh hay dở sẽ là tất yếu. Dù nói gì đi nữa, nhạc Hoa lời Việt xuất hiện vài năm trở lại đây, không gì hơn ngoài một phó bản thiếu khí chất so với bản gốc, dẫu "bề ngoài" có phần "na ná" nhau. Chưa kể, từ ca khúc viết lại, đến người hát lại đều có vấn đề. Về lâu về dài, với tâm lý "ăn sẵn bắt trend" này, sẽ làm thui chột cá tính sáng tạo.

Ngân Chung

Link gốc: TTVH