Góc nhìn 365: Để chùa Việt đúng là… chùa Việt
Phật giáo Việt Nam có nét độc đáo không chỉ bởi tinh thần "nhập thế" - tu hành nhưng không tách rời khỏi đời sống xã hội - trong lịch sử. Hơn thế, những ngôi chùa gắn với nó không chỉ mang tính chất tôn giáo mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội của cộng đồng, và thường là những công trình kiến trúc có giá trị cao.
Đó là lời khẳng định được nhiều chuyên gia đưa ra tại một cuộc hội thảo về kiến trúc Phật giáo cuối tuần trước. Nhưng, kèm với đó, những lo lắng về sự biến đổi của chùa Việt trong nhiều năm qua cũng được trình bày.
Cụ thể, từ kết quả khảo sát hàng trăm ngôi chùa trên toàn quốc, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá: Nhiều trường hợp trong số này qua những lần tu bổ, tôn tạo đã mất đi "tính truyền thống" vốn có. Tương tự, nhiều chùa xây mới không tuân thủ những nguyên tắc cần thiết, nên làm giảm tư tưởng triết lý Phật giáo trong kiến trúc.
Riêng ở góc độ kiến trúc, như phân tích của PGS Chu Văn Tuấn (Viện nghiên cứu tôn giáo Việt Nam), nhiều ngôi chùa Việt hiện nay rơi vào tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, dẫn tới không gian tục - thiêng lẫn lộn. Hoặc, sự tích hợp của yếu tố cũ - mới nhiều nơi chưa hài hòa, khiến những công trình mới xây lấn át, xung đột và làm giảm giá trị của công trình truyền thống.
Đặc biệt, theo ông, nhiều ngôi chùa được xây dựng mới hoặc trùng tu lớn đã có sự thiếu chọn lọc khi tham khảo kiểu dáng, do đó chính điện, nhà tổ, tháp, hình tượng hoa sen, các mẫu chạm… được lấy theo những mẫu khác nhau. Có những ngôi chùa mang phong cách kiến trúc không thuần nhất khi pha trộn dấu ấn kiến trúc thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn hoặc có cả kiến trúc Bắc bộ, Huế, Nam bộ - thậm chí là kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Như nhận xét của Thượng tọa Thích Lệ Trí (Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), chúng ta đang gặp tình trạng thiếu kiến trúc Việt trong ngôi chùa Việt: "Có nơi sao chép mẫu kiến trúc nước ngoài một phần, có nơi sao chép phân nửa và thậm chí toàn phần. Vô tình ,người Việt tự xây dựng ngôi chùa Nhật, Hàn, Trung Quốc … trên đất Việt. Kiến trúc, hoa văn, tượng thờ hoàn toàn của nước khác, chỉ có con người hiện diện là Việt Nam".
Không khó để lý giải vấn đề trên, khi mà gắn với sự phát triển của đời sống cũng như nhu cầu tín ngưỡng, số lượng chùa tại Việt Nam được trùng tu hoặc xây mới đang tăng mạnh trong những năm gần đây: Theo thống kê, nếu năm 2007, trên toàn quốc có gần 14.800 ngôi chùa thì tới năm 2020, con số này đã là gần 18.500.
Và khi số lượng tăng mạnh, việc thiếu chuẩn bị để hình thành hệ thống quy chuẩn mang tính định hướng về kiến trúc chùa Việt - cũng như sự thiếu hụt về văn hóa và kiến thức của người trong cuộc ở một số trường hợp - là những lý do đầu tiên dẫn tới thực trạng này.
Thực tế, nhiều giải pháp căn cơ đã được đề cập để khắc phục tình trạng này. Đó là việc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để đúc rút những đặc điểm của chùa Việt - cũng như của kiến trúc riêng theo từng hệ phái, là việc ứng dụng công nghệ GIS để thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu tại từng chùa, qua đó xây dựng một ngân hàng dữ liệu. Thậm chí, ở góc độ cụ thể, đã có ý kiến nên xây dựng các bộ nguyên tắc thiết kế chùa dưới dạng "sổ tay hướng dẫn" cho người trong cuộc, có chú ý tới điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa của từng địa phương.
Những giải pháp ấy có thể phức tạp, nhưng đều khả thi nếu được thực hiện với sự cầu thị và quyết tâm của tất cả những người trong cuộc, nếu chúng ta muốn mỗi ngôi chùa Việt Nam đều giữ được trọn vẹn bản sắc, cũng như triết lý Phật giáo của mình.