Người quan sát: Hãy để chiến thắng trở thành thói quen

"Như Thành, Quang Thanh, Công Vinh hay Việt Thắng có thể chơi bóng ở châu Âu không? Hoàn toàn được, nếu xét về năng lực và đẳng cấp của họ. Nhưng vấn đề là ở châu Âu, họ chưa biết về các cầu thủ này. Chúng ta phải tiến cử họ", cựu HLV trưởng ĐTQG Henrique Calisto phát biểu như thế trong một buổi "ngoại khoá" tại Trung tâm Thể thao Thành Long, TP.HCM, năm 2008.

"Nhưng, chúng ta sẽ tiến cử các cầu thủ bằng cách nào? Không thể dắt tay họ qua châu Âu chào hàng, rằng hãy ký với người này, người kia, bởi họ là những cầu thủ tốt. Nên nhớ, nền bóng đá của chúng ta vẫn còn khiêm tốn về tầm vóc và chưa được thế giới biết đến nhiều (thời điểm năm 2008 - PV). Vậy thì phải chứng minh cho thế giới biết. Bóng đá đơn thuần là thành tích, mang thành tích về đây rồi nói chuyện", vẫn lời ông Calisto.

Một năm sau chức vô địch Đông Nam Á 2008, tiền đạo Lê Công Vinh được chính HLV Calisto tiến cử sang Bồ Đào Nha thi đấu, sau đó là qua Nhật Bản. Cho đến lúc này, Công Vinh vẫn là cầu thủ Việt Nam thành công nhất trong số trên dưới 10 cầu thủ Việt từng ra nước ngoài thử sức.

Khi nói chuyện với các học trò và... người viết trong buổi ngoại khoá hôm ấy, đội tuyển Việt Nam của HLV Calisto chưa vô địch Đông Nam Á - AFF Suzuki Cup 2008. Ngược lại, đó là thời điểm mà thầy trò ông Calisto phải đối diện với rất nhiều sức ép, với chuỗi trên dưới 10 trận đấu tập không nếm mùi chiến thắng. "Ai có thể nghi ngờ, chống lại chúng tôi, nhưng chúng tôi tin vào thầy Calisto và ngược lại", cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.

"Bóng đá Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Chúng ta có thể tiệm cận đẳng cấp của những đội bóng, những nền bóng đá hàng đầu châu lục trong tương lai. Song để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam phải duy trì được biểu đồ thành tích ổn định tại hệ thống giải khu vực, phải thường xuyên vào chơi các trận chung kết SEA Games và AFF Cup, cũng như các giải đấu trẻ. Điều đó sẽ tạo tiền đề, tạo niềm tin, rằng chúng ta có thể tiến xa", vẫn lời ông Calisto.

Người quan sát: Hãy để chiến thắng trở thành thói quen - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam ở cả cấp độ ĐTQG cũng như đội tuyển trẻ cần sớm lấy lại thói quen chiến thắng ở các giải quốc tế. Ảnh: Hoàng Linh

Không phải nhà tiên tri, nhưng với kinh nghiệm, kiến thức về bóng đá Việt Nam, HLV Calisto đã đưa những dự cảm hoàn toàn chính xác. 14 năm sau khi rời Việt Nam, những dự cảm (thực ra là mong mỏi) của ông Calisto vẫn đúng và sẽ đúng, khi vị thế của bóng đá Việt Nam và cả của cầu thủ Việt Nam lúc này đã khác xưa rất nhiều.

Các ĐTQG chỉ là phần ngọn, là đầu ra của nền bóng đá, hệ thống đào tạo trẻ, hệ thống thi đấu quốc gia và đặc biệt là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, chính là phần thân, phần gốc rễ vậy. Nền bóng đá đã và đang hưởng lợi từ một vài thế hệ cầu thủ tốt, thuần, được đào tạo bài bản từ hơn 15 năm trước. Nhưng để phát triển, chúng ta cần duy trì tính liên tục, chứ không thể ngắt quãng.

Chiều ngày 20/8, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ bước vào hành trình bảo vệ vương miện tại giải U23 Đông Nam Á với trận khai màn cùng U23 Lào. 

Đây là cơ hội cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn, dù VFF không giao chỉ tiêu, bởi trước đó, tại SEA Games 32, đội tuyển U22 Việt Nam đã thất bại trong chiến dịch đoạt hat-trick HCV môn bóng đá nam. Cùng với việc ĐTQG thất thế ở ít nhất 2 kỳ AFF Cup gần nhất, những điều này rõ ràng đã ảnh hưởng ít nhiều đến vị thế của bóng đá Việt Nam.

Chúng ta phải thay đổi, phải trở lại thói quen chiến thắng, nếu còn muốn "tấn công" vào Top 8 hay Top 10 châu lục, còn muốn xây giấc mộng World Cup.


CCKM

Link gốc: TTVH