U23 Việt Nam: Tính xa chưa được thì ta tính gần

Hôm nay, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có trận đấu với U23 Iraq, một thời khắc tương đối đặc biệt. Đây là đội U23 bị đánh giá thấp nhất trong 5 kỳ dự VCK U23 châu Á từ năm 2016 đến nay, thế nhưng họ lại đứng trước cơ hội có thể… đoạt vé dự Olympic nếu tái hiện được kỳ tích Thường Châu 2018.

1. May mắn hay không, chơi tốt hay chưa, thì thực tế HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò cũng đã hoàn thành nhiệm vụ. Đó là một chi tiết rất quan trọng đối với bóng đá Việt Nam ở thời điểm này. Bởi đôi khi, vì những mơ mộng với mục tiêu phi thực tế là dự World Cup mà chúng ta lại không còn quan tâm đến thành tích của đội U23, hoặc có khi còn xem đó là chuyện dễ, và xem nhẹ.

Những thành tích như đội U23 Việt Nam đang đạt được có những giá trị rất riêng, miễn là chúng ta có nhìn nhận tỉnh táo về nó. Hãy lấy ví dụ từ chính đội bóng vừa thắng chúng ta là U23 Uzbekistan. Năm 2018, đội bóng Trung Á này chỉ thắng U23 Việt Nam với tỷ số mong manh 2-1 trong trận chung kết. Sau đó, đội tuyển quốc gia của họ không thể vào được vòng đấu loại thứ 3 của World Cup 2022 trong khi thầy trò HLV Park Hang Seo lại làm được. Ở Asian Cup 2019, Uzbekstian cũng dừng chân tại vòng 16 đội trước Australia, trong khi Việt Nam vào tứ kết.

Nhưng liên tục ở các giải U23 châu Á các năm 2020, 2022 thì Uzbekistan đều tiến đến vòng 4 đội cuối cùng, trong đó lần họ vào đến chung kết (2022). Sự ổn định ở lứa U23 đó cũng đã có ngay trái ngọt: Uzbekistan vào đến tứ kết Asian Cup 2023 vừa qua và tại vòng loại World Cup khu vực châu Á hiện tại, họ chắc chắn sẽ có mặt ở vòng đấu loại thứ 3, trong đó có trận hòa 2-2 với Iran, một trong các đội bóng mạnh nhất châu Á.

Ở kỳ U23 châu Á đầu tiên (2016) thì Uzbekistan cũng giống như Việt Nam, bị loại ngay từ vòng bảng, nhưng khởi đi từ Thường Châu 2018, câu chuyện tiến bộ về đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá lại hoàn toàn khác nhau.

U23 Việt Nam: Tính xa chưa được thì ta tính gần - Ảnh 2.

HLV Hoàng Anh Tuấn gần như là lựa chọn tốt nhất trong 10 năm qua mỗi khi VFF cần một HLV cho các đội tuyển U. Ảnh: NĐ

Từ một nền tảng vững chắc về trình độ cầu thủ, Uzbekistan đi chậm hơn nhưng sự ổn định đang giúp họ tràn trề khả năng có được 1 trong 8 chiếc vé chính thức đến World Cup 2026 bằng chính lứa cầu thủ đã vô địch U23 châu Á của 6 năm trước.

Thất bại vừa qua của U23 Việt Nam trước U23 Uzbekistan tại vòng bảng dù trong một trận cầu mang tính thủ tục nhưng cũng đã cho thấy khoảng cách giữa 2 nền bóng đá đang ngày một xa, dù không đến mức khiến bóng đá Việt Nam tuyệt vọng (ở trận giao hữu trên đất Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ thua cách biệt 1 bàn).

Vấn đề đặt ra ở đây đó là bóng đá cần có những thước đo cụ thể, thông qua thành tích, chứ không phải cứ "áng chừng", "kỳ vọng" hay thậm chí là "mơ mộng".

Đội U23 Việt Nam hiện nay cũng là lứa cầu thủ của U19, U20 do chính HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt. Từ sau lần đoạt vé dự U20 World Cup hồi năm 2016 đến nay, các tuyến trẻ của chúng ta đều không làm nên trò trống gì tại các giải U châu Á.

Thế nên, việc U23 Việt Nam vào tứ kết tại giải lần này cần nhìn nhận một cách công bằng, là thành công rồi. Họ tiến xa đến đâu thì vui đến đó, vậy thôi.

2. Câu chuyện của bóng đá cũng là của nền thể thao nói chung. Thực trạng khá rõ ràng: chúng ta đang phải "trầy trật" tìm từng tấm vé quý giá để dự Thế vận hội Paris 2024. Con đường đến đỉnh cao thế giới ngày càng xa, chung quy cũng vì sự thiếu nền tảng.

Khu liên hợp thể thao quy mô và đa chức năng nhất hiện nay đã xây dựng từ hơn 20 năm trước. Năng lực vận hành đang là vấn đề với các lùm xùm chuyện tài chính không liên quan gì đến thể thao cả. Các cơ sở vật chất quy mô châu Á vẫn chưa thấy xuất hiện thêm, trong bối cảnh mà khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc tại TP.HCM bao năm qua vẫn còn nằm trên bàn giấy.

Chuyện ở Rạch Chiếc chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc cứ tính thật xa rồi quên mất những việc cấp thiết, gần gũi. Thực tế là sau kỳ cùng Hà Nội phối hợp để tổ chức SEA Games 2003, TP.HCM cũng chưa thể tự đăng cai được một kỳ SEA Games.

Một đại đô thị như vậy nhưng lại chỉ có sân bóng đá 15.000 chỗ ngồi xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước, không có khu liên hợp thể thao hay thậm chí là trung tâm huấn luyện đỉnh cao của riêng mình.

Thực tế này cho thấy việc xây dựng nền tảng cho thể thao đỉnh cao không hề đơn giản, không phải cứ có tầm nhìn, chiến lược dài rộng và quyết tâm cao là được. Vì thế mới nói là khi chưa tính được xa thì phải biết chắt chiu những thành công của hiện tại.

Nói cách khác, là cần phải thực tế hơn trong định hướng thể thao đỉnh cao, mà tốt nhất cứ phải đong đếm bằng các con số cụ thể từ tỷ lệ VĐV trên số người tập luyện thể thao thường xuyên, rồi số tiền hằng năm mà Nhà nước lẫn xã hội rót trực tiếp cho hoạt động tập luyện thi đấu, mua sắm trang thiết bị (không tính các chi phí truyền thông, tiếp thị, tài trợ), số cơ sở vật chất tiêu chuẩn châu Á trong từng môn thể thao có tham vọng vươn tầm… Tóm lại, đầu tư thế nào thì kết quả thế đó. Đơn giản vậy thôi.

3. Trở lại với câu chuyện của U23 Việt Nam. Nói việc vào tứ kết lần này là thành công, ấy là dựa vào quá trình vận hành của bóng đá trẻ Việt Nam trong 5 năm gần đây.

Số đội bóng dự các giải trẻ không tăng, số trận đấu không tăng, thì làm sao thay đổi nổi thành tích. Vậy nên việc vào tứ kết của U23 Việt Nam cũng khá lô-gich: thắng các trận đấu cần phải thắng, và thua trận khi đối đầu với đội mạnh hơn.

Trên một nền tảng như vậy, thì không nên tính xa. Ngược lại, cần phải tính gần. Nghĩa là cần đặt ra các mục tiêu cụ thể ở những lần tham dự các giải U châu Á, tìm cách tiến bộ thông qua việc thắng từng trận đấu và biết quý trọng những kết quả.

Điều này sẽ giúp chúng ta xây dựng được triết lý cho bóng cho các đội tuyển thay vì mơ mộng về cái gọi là "kiểm soát bóng", rồi từ đó mới chọn được HLV ở trình độ nào, đến từ đâu và có cách tiếp cận đến thành tích ra sao.

Trường hợp của HLV Hoàng Anh Tuấn là một ví dụ. Nhà cầm quân người Khánh Hòa thường không tạo ra được sự thiện cảm của giới hâm mộ chỉ vì lối chơi thiếu sự cuốn hút ở các đội bóng mà ông cầm quân. Nhưng sự thật là khi cần một ai đó đủ tin cậy dẫn dắt các đội tuyển U thì người ta chỉ nghĩ được một cái tên duy nhất, đó là ông Tuấn "con". Chỉ riêng điều đó cũng cho thấy ngay chính với bóng đá trẻ, chúng ta còn chưa thể tính được xa kia mà.


Long Khang

Link gốc: TTVH