Chữ và nghĩa: Heo heo gió núi
Khi nhắc đến từ này, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ đến bài thơ Bầm ơi! nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, với những câu mở đầu: "Bầm ơi có rét không bầm/ Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non".
Đoạn thơ gợi lên hình ảnh một bà mẹ già vùng Việt Bắc (gọi là "bầm") phải lội xuống ruộng ngập bùn để cấy lúa, trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt. Từ "heo heo" trong kết hợp "heo heo gió núi" tạo nên khung cảnh điển hình của bài thơ. Thật không có gì vất vả hơn với người phụ nữ phải lao động trong lúc trời mưa phùn của mùa Đông, xung quanh là bốn bề gió rét thổi.
Từ "heo heo" dùng ở đây thật ấn tượng, thật đắt, tạo nên cảm xúc đặc biệt với người đọc. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) giải nghĩa:
heo heo t. [gió thổi] nhè nhẹ từng đợt ngắn và hơi se lạnh.
Nhưng, có vẻ từ này xuất hiện quá ít trong giao tiếp, đến mức khi nhắc đến nó, ta có cảm giác "heo heo" chỉ xuất hiện đôi lần trong thơ Tố Hữu (mà bài "Bầm ơi!"là điển hình). Trước đó, cũng chính Tố Hữu, trong bài thơ Tiếng hát đi đày (1942) đã viết: "Đường lên đỉnh núi Đắc Lay/ Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim".
Phải chăng, Từ điển tiếng Việt (vừa dẫn) chỉ căn cứ vào hai ví dụ của một tác giả? Như vậy có hợp lý (xét theo quan điểm từ điển học) không?
Các nhà làm từ điển tường giải thường thống kê các đơn vị từ vựng của một ngôn ngữ để giải thích. Một trong những căn cứ để đưa một từ vào "đội hình" là từ đó phải có tần số xuất hiện nhiều và phải lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để khẳng định sự tồn tại của nó.
Chúng tôi có tham khảo ngữ liệu đang lưu trữ tại Trung tâm Từ điển học thì thấy từ "heo heo" xuất hiện trong văn bản sớm nhất năm 1942 (trong bài thơ "Tiếng hát đi đày" vừa dẫn). Sau đó, có một số tác giả sử dụng trong tác phẩm của mình. Muộn hơn một chút, trong bản dịch "An Nam chí lược"(bản in năm 1961) của Lê Tắc có bài thơ: "Sứ thiều hải quốc thẳng đường giong/ Gió bấc heo heo khí lạnh lùng/ Báo trước tin Xuân, sông núi đẹp/ Thấm sâu ơn chúa, trẻ già mong".
Đấy là trong thơ, trong văn xuôi cũng có một số tác giả sử dụng, ví dụ: "Chiếc máy thuỷ kế nhích báo từng con số và vệt nước như đùa nghịch, dập dềnh trên chiếc ôn biểu trong tay anh. Anh có thể kể ra bốn mùa hạnh phúc của sóng. Như mùa Xuân, những cặp sóng rõ ra những cặp vợ chồng mới, du từng lượn nhẹ, tôn trọng nhau khi trời heo heo gió. Có lúc chúng cũng cãi nhau và sau đó lại làm lành" (Lý Biên Cương, "Đêm ấy vùng than ai thức?", 1974); "Với một con mắt còn lại, anh vui thích bồi hồi ngắm chùa Một Cột, đền Trấn Quốc, và những chiều heo heo cơn gió Thu, anh đi tha thẩn quanh Hồ Gươm, ngó mặt nước hồ gờn gợn, lăn tăn dưới chân Tháp Rùa" (Anh Đức, "Miền sóng vỗ", 1982); "Trưa Thu. Nắng nhàn nhạt màu mỡ gà. Gió heo heo thổi. Từng chiếc lá rụng đuổi theo chân Thiện" (Vũ Tô Bân, "Chuỗi phẳng lặng", 1997), v.v.
Qua ngữ cảnh ở các ví dụ trên, ta thấy từ "heo heo" thường là tính từ, giữ vị trí vị ngữ trong câu (Chiều heo heo cơn gió Thu) hoặc là trạng ngữ, giữ vai trò trạng từ trong câu (Gió heo heo thổi)… Về ngữ nghĩa, "heo heo" dùng để mô tả trạng thái của những cơn gió bắt đầu xuất hiện vào cuối Thu và đầu Đông ở miền Bắc Việt Nam. Riêng Tố Hữu, không dưới một lần, đã sử dụng từ "heo heo" và tất cả đều nằm trong nghĩa chỉ "gió lạnh". Có thể coi đây là từ láy hoàn toàn, với yếu tố gốc là "heo" (rút gọn từ "gió heo may"), một loại "gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa Thu" (từ điển đã dẫn).
Công bằng mà nói, từ "heo heo" được sử dụng không nhiều, nhưng nó đã xuất hiện, được dùng trong một thời gian dài và đã định hình ngữ nghĩa trong cộng đồng người nói tiếng Việt.
Gió nhè nhẹ thổi heo heo
Em nhớ anh, nhớ một chiều cuối Thu