Gìn giữ vẻ đẹp trang phục dân tộc Bố Y
Tỉnh biên giới vùng cao Lào Cai có 25 nhóm ngành dân tộc với hai cộng đồng dân tộc rất ít người là Bố Y và Phù Lá. Trong đó, dân tộc Bố Y (còn được gọi là Tu Dí) có dân số gần 2.000 người tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương.
Trang phục dân tộc Bố Y vẫn giữ được những yếu tố truyền thống như là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của tộc người.
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Trang phục của người Bố Y toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ nhưng không kém phần nữ tính (đối với trang phục cho nữ giới). Điểm nhấn đặc biệt nhất của trang phục dân tộc Bố Y là trang sức bạc đặc biệt cầu kỳ. Nghệ nhân Dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu (xã Thanh Bình, huyện Mường Khương) cho biết, phụ nữ Bố Y dùng nhiều đồ trang sức bằng bạc trắng, gồm: vòng tai, nhẫn bạc, vòng tay, yếm bạc. Trong đó, bộ yếm bạc là độc đáo, phong phú nhất.
Yếm bạc có dây dài 46cm; hai đầu dây đính vào hai bên của cổ áo với đôi bướm bạc; nối giữa hai đôi bướm là ba sợi dây xích bạc. Mỗi dây mắt xích có 240 vòng bạc nhỏ. Phần dưới của yếm bạc là ba sợi dây xích dài 15cm với 360 vòng xích. Ba đầu trên của ba sợi dây xích gắn với 6 con cá nhỏ và nhiều hoa văn bằng những chùm hạt nhỏ li ti. Phần dưới của mỗi sợi dây xích được gắn với 6 con cá nhỏ hơn. Nối giữa mắt xích của hoa văn cá là hai đồng bạc.
Theo Nghệ nhân Lồ Lài Sửu, bộ trang sức bằng bạc của người Bố Y là tác phẩm nghệ thuật công phu, là tài sản lớn của mỗi gia đình. Bạc không chỉ để làm trang sức góp phần tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ mà còn để thể hiện ngưỡng vọng được bảo hộ, chở che từ các đấng thần linh. Người Bố Y còn quan niệm, bạc là để trừ tà ma, chống gió độc, mang lại những điều tốt lành, sức khỏe cho người dùng. Vì vậy, trang sức bạc còn được chọn làm món quà ý nghĩa để tặng nhau mong cầu mạnh khỏe, may mắn trong cuộc sống.
Điểm đặc biệt khác trong phục trang của người Bố Y còn nằm ở chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ với những thông điệp mà nó mang lại thể hiện qua mỗi hình dáng khăn. Phụ nữ Bố Y thường đội khăn bằng vải bông thô, tự dệt, nhuộm chàm với 3 kiểu khác nhau tùy theo độ tuổi. Những cô gái chưa chồng đội kiểu khăn có hoa văn hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1,8m rộng 0,35m, ở giữa khăn có các đường chỉ màu rực rỡ chạy song song và các họa tiết hoa văn thêu nổi. Khi đội, họ gập khăn làm tư theo chiều dọc rồi vấn tròn lên đầu, tóc tết thành hai dải cuốn ra ngoài khăn. Khi có chồng, người phụ nữ dùng khăn màu chàm dài 1,35m rộng 0,36m không có hoa văn. Phụ nữ có chồng tết tóc thành hai dải, vấn quanh đầu rồi chít khăn bên ngoài để hai đầu khăn rủ xuống hai bên tai. Đến tuổi trung niên, họ vấn tóc quanh đầu rồi chít khăn chàm thô, không thêu hoa văn; khăn được gấp làm đôi theo chiều dọc rồi chít phủ xung quanh đầu.
Thay vì mặc váy nhiều họa tiết sặc sỡ như các dân tộc khác, trang phục của phụ nữ Bố Y khá đơn gian với áo lửng, xẻ tà và quần. Tay áo ngắn nhưng rộng. Mỗi chiếc áo đều có đôi ống tay rời, khi mặc sẽ lồng ống tay rời vào thân áo. Ống tay rời được trang trí với nhiều mô-típ hoa văn và những đường viền, nếp gấp đan xen nhau.
Đối với nam giới Bố Y, trang phục dân tộc thường ngày khá đơn giản, tuy nhiên ngày đặc biệt lại khác. Theo đó, ngày cưới, chú rể mặc áo dài có hai vạt, cổ đứng, thân chùng quá gối, ống tay áo nhỏ dần đều bó lấy cánh tay, hai bên nách có hai đường chiết li. Nam giới Bố Y chỉ mặc áo dài hai lần trong cuộc đời là trong lễ cưới và khi nhắm mắt xuôi tay.
Gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc
Ở vùng cao Mường Khương, Bố Y là một trong những dân tộc bảo tồn và phát huy tốt văn hóa truyền thống, đặc biệt là trang phục. Điều này có được là do những người có uy tín, nghệ nhân, người cao tuổi ở đây đang thể hiện vai trò cũng như tham gia mạnh mẽ vào công tác giáo dục, nhắc nhở để thế hệ trẻ hiểu, ý thức trách nhiệm rõ ràng, sâu sắc hơn khi mặc hay nhắc đến trang phục truyền thống.
Nghệ nhân Lồ Lài Sửu - người có công lớn trong việc lưu truyền văn hóa Dân tộc Bố Y, đồng thời là người tiên phong trong giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Bố Y. Tiệm may nhỏ ở nhà bà như một bảo tàng mi ni trưng bày trang phục của dân tộc mình. Đây không chỉ là nơi bà gửi gắm tình yêu vào từng đường kim, mũi chỉ mà còn là nơi bà hướng dẫn, truyền dạy thế hệ sau cách vấn khăn, buộc tóc, mặc áo, đeo trang sức... đúng cách và giải thích về xuất xứ, ý nghĩa của từng chi tiết.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình, Tráng Minh Hoa cho biết, những nhân tố điển hình như Nghệ nhân Lồ Lài Sửu đã góp phần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc nói chung và người Bố Y nói riêng thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc.
Nguồn lực từ Đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025" của Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Bố Y. Lào Cai đã thành lập 37 đội văn nghệ của dân tộc Bố Y, Phù Lá với gần 1.000 người tham gia; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; mua sắm, cung cấp đạo cụ, trang phục cho các đội văn nghệ trong trường học và của thôn, xã... góp phần vào công tác gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người đang có nguy cơ mai một, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã khó, đối với các dân tộc rất ít người càng khó hơn. Vì thế rất cần sự quan tâm, góp sức của cả xã hội vì mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.