Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ

UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn năm 2022 - 2023”.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án gần 185 tỷ đồng; trong đó, gần 56 tỷ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu.

Ông Đoàn Văn Nhanh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, Đề án được chia thành 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 2022 - 2028, đơn vị sẽ tiếp nhận 30 con sếu (6 tháng tuổi) từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên; giai đoạn 2029 - 2032 sẽ tiếp nhận thêm 30 con sếu (6 tháng tuổi) từ Thái Lan. Đề án dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 con sếu từ đàn bố mẹ ban đầu; xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn; cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu thành công và cho sinh sản.

Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ - Ảnh 1.

Sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim. Nguồn: TTXVN phát

Trong từng giai đoạn nhận sếu về nuôi, Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất chuồng trại; phục hồi hệ sinh thái bằng cách điều tiết nước, cải tạo môi trường sinh cảnh; có 200 ha lúa mô hình sản xuất sinh thái; chuyển đổi vùng trồng lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ. Đồng thời, đơn vị phát triển thủy sản tự nhiên bản địa dựa trên nền tảng lúa sinh thái - hữu cơ; tăng hộ tham gia du lịch sinh thái - ruộng vườn gắn liền với sếu… Kinh phí thực hiện Đề án còn được sử dụng để cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững; thực hiện truyền thông, tuyên truyền; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng.

Tiến sỹ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế (Hoa Kỳ) cho biết, mấu chốt thành công của việc phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim là quản lý hệ sinh thái đúng cách; phục hồi không gian sống của sếu trong vùng lõi Vườn Quốc gia; đồng thời, môi trường khu vực vùng đệm cần được cải thiện. 10 năm là khoảng thời gian tối thiểu để tái lập đàn sếu 10 - 20 con, tự sinh sản ngoài tự nhiên...

Vườn Quốc gia Tràm Chim là Khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm; 16 loài nằm trong sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), trong đó có sếu đầu đỏ.

Được biết, thời điểm sếu về nhiều nhất tại Vườn Quốc gia Tràm Chim vào năm 1988 với 1.052 cá thể sếu đầu đỏ; đến năm 2021 còn 3 con và đến nay không ghi nhận sự xuất hiện của sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Đây là loài chim quý hiếm bậc nhất nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Link gốc: TTVH