Nhìn lại mùa sách Hè
Nếu vài năm trước đây, Hè đến, thường có lời than phiền rằng ít sách viết cho thiếu nhi - tuổi mới lớn của tác giả Việt Nam, thì năm nay, tình hình có vẻ khả quan hơn. Số lượng tác phẩm không ít, độ tuổi độc giả cũng đa dạng, dù năm học mới sắp/đã bắt đầu (tùy địa phương), nhưng sách Hè vẫn còn phát hành.
1. Đầu tiên phải nhắc đến Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) của Lý Lan, một tác phẩm phù hợp với bạn đọc ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đây là truyện dài mới nhất của Lý Lan, sau tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương xuất bản năm 2022.
Rời xa miền Tây Nam xa xưa với bối cảnh lịch sử phức tạp, Lý Lan đưa người đọc về thành phố hiện đại, dõi theo hành trình của một con heo.
Câu chuyện có người, có vật, có nỗi buồn nằng nặng của con heo đang quay quắt kiếm tìm quê hương hoang dã của nó. Nhưng điều làm cuốn sách này giữ chân được bạn đọc chính ở giọng văn hài hước, cái duyên dáng lúc nào cũng trong khung cảnh sinh động. Dưới nhãn quan của những con vật, mà thông qua nhãn quan ấy, ta soi lấy cái thế giới người nhiễu sự. Lý Lan dựng lên cả cuộc phiêu lưu bằng ngôn ngữ Nam bộ tự nhiên, không lạc điệu dẫu trong bối cảnh thị thành hiện đại. Một thứ ngôn ngữ dân dã, bụi bặm, mà cũng khá thân thương.
Trước Tự truyện một con heo, Lý Lan từng xuất bản Ngôi nhà trong cỏ, cũng mang âm hưởng đồng thoại. Dẫu sự nhiệm màu dường như lùi bước trước hiện thực nghiệt ngã, tác phẩm vẫn neo giữ một niềm tin vào cuộc sống như tâm sự của nhân vật heo: "Cuộc đời tôi chỉ mới bắt đầu. Bây giờ là lúc tôi thực sự sống cuộc đời tôi. Hãy sống. Bằng mọi cách phải sống cái đã".
Chung mạch cảm hứng từ loài vật, ta có Nhạc sĩ đường phố (NXB Kim Đồng) của Mộc An. Thế giới đồng thoại ấy nối dài (hoặc mở rộng) không gian mà Mộc An đã dựng lên trong Nếu một ngày chúng tớ biến mất, cũng là những loài côn trùng như dế, bươm bướm, đom đóm… Tháng 6 vừa rồi, Mộc An vừa được trao giải thưởng Dế Mèn, ở hạng mục Khát vọng Dế Mèn, với bản thảo truyện dài Ở một nơi có rất nhiều rồng. Với sức viết khỏe, Mộc An đang dần khẳng định sự nghiêm túc của mình dành cho văn học thiếu nhi.
Trong khi đó, Nguyễn Khắc Cường từng tạo được dấu ấn với tác phẩm đồng thoại Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, thì trong tác phẩm mới nhất, truyện dài Kho báu trong thành phố, là cuộc trở về một Sài Gòn ngày chưa xa lắm, với những trò chơi bình dị. Sau rốt thì "kho báu" mà thành phố này đem lại cho mỗi con người sống nơi đây, phải chăng chính thứ là cảm xúc vẫn lấp lánh, dù qua bao bụi mờ thời gian?
2. Tạm rời xa thế giới thiếu nhi, độc giả bước vào không gian của thời hoa niên thơ mộng, tươi mát trong Mùa Hè năm ấy có cơn mưa rào (NXB Kim Đồng) của Trần Tùng Chinh. Tập truyện ngắn có dung lượng vừa phải, như trang nhật ký không ngày tháng, ghi lại những khoảnh khắc trong veo. Tác giả đang dạy học, nhưng không theo đuổi những rao giảng đạo đức trong sáng tác.
"Để buổi bình minh đầu năm mới, mình và cậu sẽ cùng thức dậy, nhìn ra cửa kính đang trong trẻo thay màu nắng ấm. Ngoài kia là mặt trời đang mọc, là gió sông đang thổi, là chim đang hót ban mai, là tự do. Không có gì xét nét, săm soi, hay đe dọa chực chờ mình ngoài đó. Chỉ có bình minh và bình yên mà thôi" - trích trong Mùa Hè năm ấy có cơn mưa rào.
Trong mối giao cảm với những bình yên, lặng thầm của cuộc sống, Trần Tùng Chinh và Hồ Huy Sơn đã gặp nhau. Nếu với Trần Tùng Chinh là mưa rào, thì Hồ Huy Sơn là nắng ấm của tập tản văn Xin chào ngày nắng đẹp (NXB Trẻ).
"Rất nhiều lần, vì một chút phấn khích, thảng hoặc là một sự ngạc nhiên, tôi lại thốt lên lời, bất kể đang ở một mình hay bên cạnh có người. Đôi khi chỉ vì vài tiếng "ồ, à"; cũng có lúc lời dài mà trong đó hàm chứa sắc thái reo vui. Đôi lần, lời tôi rơi vào thinh không, lọt thỏm giữa những âm ba của đời. Cũng có khi, hồi đáp cho tôi là những ánh mắt, hay tiếng cười ái ngại. Nhưng cũng có lúc, vọng đến tôi là một lời dài, một vọng âm quý giá" - trích trong Xin chào ngày nắng đẹp.
Có lẽ, chỉ vì "một vọng âm quý giá" như thế mà Hồ Huy Sơn tiếp tục say mê lắng nghe, say mê viết về những khoảnh khắc thoáng qua, một nụ cười reo dưới nắng, một nhành lá cỏ ngoài ban công, vị nước dừa… Tập sách gồm 36 tản văn, cũng là 36 khoảnh khắc hoặc tia nắng đẹp của tâm hồn, của một ngày lọt thỏm giữa muôn ngày.
Ở tác phẩm mới nhất này, Hồ Huy Sơn cho thấy mình chưa thôi hết bỡ ngỡ, vấn vương với muôn điều bình dị của cuộc sống đời thường. "Họ chỉ là những người bình thường hiện diện trong cuộc sống như nhiều người bình thường khác". Bình thường, lẩn khuất, nhưng chính trong cái bình thường khi đã gột hết những màu mè làm dáng, độc giả nhận ra "Chỉ có lòng người là mãi đẹp trong sự nâng niu và nhớ về".
Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác xuất bản diễn ra chiều ngày 8/8 ở Hà Nội, ngành xuất bản in đã giảm gần 54% số bản sách so với hai quý đầu năm 2022. Tuy vậy, độc giả vẫn còn có thể cảm nhận được sự hiện diện và số lượng sách của tác giả Việt Nam trong các thể loại, chủ đề khác nhau. Riêng với sáng tác cho thiếu nhi, các cuộc vận động, giải thưởng văn học như Dế Mèn, Kim Đồng… cũng có thể xem là một nguồn cổ vũ, khích lệ đáng kể.