Cùng 'giải mã' làn sóng Hallyu tại Việt Nam
Có 30 năm kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và làm việc trong ngành văn hoá Hàn Quốc, TS Đặng Thiếu Ngân vừa có buổi giao lưu với giới trẻ tại Hà Nội về một chủ đề "hot" trong đời sống hiện nay: Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu).
Theo TS Đặng Thiếu Ngân, công chúng tại Việt Nam vào đầu những năm 1990 thực sự chưa biết nhiều về đất nước Hàn Quốc. Tới khi Hàn Quốc và Việt Nam chính thức ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước từ năm 1992, những gì thuộc về Hàn Quốc bắt đầu được quan tâm rộng rãi ở Việt Nam. Và năm 1996, có thể coi là thời điểm Hallyu thực sự đến Việt Nam từ phim ảnh, âm nhạc, giáo dục, thời trang, hàng tiêu dùng…
Hallyu - từ xa lạ đến thân quen
Sự mới mẻ của đất nước Hàn Quốc tại Việt Nam ở thời điểm đó từng khiến chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp mới mở ra cũng trở nên xa lạ với sinh viên. Nhưng, Đặng Thiếu Ngân lại là một trong những người được gợi ý chuyển sang học về lĩnh vực này.
"Hội ý" cùng gia đình, chị được mẹ ủng hộ với nhận xét: Quần áo của Hàn Quốc rất đẹp và cho thấy đây là một nước phát triển. Sau khi theo đuổi bộ môn này, nghề báo đã khiến chị trở nên gắn bó với văn hóa Hàn Quốc nhiều hơn.
Ở giai đoạn đó, Hallyu 1.0 đã mở màn tại thị trường Việt Nam bằng những bộ phim dài tập, bắt đầu từ Mối tình đầu, Vươn tới một ngôi sao, Anh em bác sĩ, Hoa cúc vàng, Trái tim mùa Thu…
Thời điểm ấy, ngoài việc theo dõi phim qua lịch phát sóng, người hâm mộ các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam chỉ có thể tìm kiếm những poster về nghệ sĩ mà mình yêu thích chủ yếu qua trang báo.
"Để phục vụ bạn đọc, tôi phải tìm rất nhiều cách đem các thần tượng Hàn Quốc (bằng poster) về Việt Nam. Mỗi năm tôi có 2 - 3 lần được sang Hàn Quốc. Nhưng ngay tại đây, các poster cũng không hề dễ mua. Tôi phải đến các cửa hàng bán mỹ phẩm để xin" - chị kể.
Nhà biên kịch của Sống chung với mẹ chồng cho biết thêm về giai đoạn khó khăn này: "Có lúc, tôi phải xin cả các poster ở những quán ăn mà mình tới. Mẹ chồng tôi là người Hàn Quốc, bà tò mò rồi cũng ủng hộ bằng việc luôn đi xin các poster về cho con dâu".
4 làn sóng Hallyu
Khi Hallyu xuất hiện tại Việt Nam từ những bộ phim truyền hình dài tập, khán giả Việt Nam khó có thể quên những series phim đã lấy đi nước mắt của nhiều người như Trái tim mùa Thu, Mối tình đầu, Vươn tới một ngôi sao, Mùa Thu vàng… Đó được gọi là Hallyu 1.0 (K-drama). Tiếp sau đó là Hallyu 2.0 (K-pop music), Hallyu 3.0 (K-culture) và Hallyu 4.0 (K-style).
Thống kế gần đây của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc, số lượng người hâm mộ làn sóng Hàn Quốc Hallyu trên toàn thế giới đạt 178 triệu người. Trong đó, người hâm mộ tại Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Thái Lan.
Việt Nam - một thị trường đặc biệt
Tại Việt Nam, K-drama và K-pop chính là hai lĩnh vực thành công nổi bật của Hallyu, kéo theo là các xu hướng về K-culture (văn hóa Hàn Quốc) hay K-Style (phong cách Hàn Quốc).
Tuy nhiên, TS Thiếu Ngân tiết lộ một điều có thể khiến nhiều người bất ngờ: Hàn Quốc thường chọn Việt Nam là nơi đo lường phản ứng khán giả cho các sản phẩm văn hóa sắp "ra lò", cho dù họ không có một sản phẩm nào chủ đích hướng đến thị trường Việt Nam.
"Hàn Quốc xuất khẩu thành công văn hóa của họ tại Việt Nam chính nhờ sự tương đồng. Chẳng hạn, trong điện ảnh, họ không đi vào các đề tài vĩ mô mà hướng tới truyền thống, gia đình, yêu đương, lãng mạn. Điều này lại rất hợp với người Việt Nam vốn ưa sự ngọt ngào, nhẹ nhàng" - chị nói - "Từ đó, Hàn Quốc dần có một số lượng khán giả ổn định tại Việt Nam trong nhiều năm. Và họ không bao giờ phải trăn trở khi đưa các sản phẩm văn hóa tới đây".
Thực tế, đã có lúc điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam tưởng như rơi vào tình trạng bão hòa sau hàng chục năm trình chiếu những bộ phim với mô-típ quen thuộc về các nhân vật chính bị chết vì ung thư. Thế nhưng sau đó, một loạt dòng phim theo chủ đề hiện đại và thức thời đã đáp ứng ngay được thị hiếu của khán giả Việt Nam Việt như Penthouse, The Glory, Taxi Driver…
Dù vậy, cũng trong nhiều năm qua, K-pop tại Việt Nam được phía Hàn Quốc đánh giá là thị trường "có nhiệt mà thiếu củi". Điều này khiến cho thị trường Việt Nam mất đi nhiều cơ hội tổ chức các chương trình âm nhạc quốc tế có các ngôi sao Hàn Quốc. Và họ chủ yếu xuất hiện tại Việt Nam trong các chương trình giao lưu bằng vé mời, vé phát miễn phí.
Để rồi, sau chương trình của Blackpink vào tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, TS Đặng Thiếu Ngân cho rằng Việt Nam hiện tại "không chỉ có nhiệt mà còn đầy củi" - khi vé xem Blackpink tại đây cao hơn thị trường quốc tế nhưng vẫn hút khách trong hai đêm diễn. "Tôi tin rằng, đây là sự kiện mở ra thời kì mới cho K-pop tại Việt Nam" - chị nói.
Đọc "vị"
Theo quan điểm của chuyên gia này, việc Hallyu thành công khi ra thị trường quốc tế đến từ nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố hàng đầu vẫn là sự ủng hộ của chính phủ Hàn Quốc với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ dành cho lĩnh vực này.
"Tôi nghĩ Hallyu không thể có được sức mạnh vươn tới châu Mỹ, châu Âu, châu Phi… nếu không có chiến lược và trợ giúp từ chính phủ. Chính phủ của quốc gia này luôn sát cánh cùng các đơn vị tư nhân. Điển hình, cách đây 10 năm, Hàn Quốc đã thực hiện chiến dịch Dynamic Korea, quảng bá đất nước Hàn Quốc năng động một cách tích cực để thay đổi hình ảnh Hàn Quốc trên trường văn hóa quốc tế và đã thành công cho đến nay" - chị nói.
TS Đặng Thiếu Ngân cho biết thêm: "Nhìn lại, ngay từ các sứ giả Hallyu đầu tiên ra nước ngoài - các bộ phim - Hàn Quốc đã tìm ra hướng đi riêng khi tạo ra một dòng phim có màu sắc ấn tượng, "đánh" vào người xem từ hình ảnh lung linh đến nội dung cũng đẹp một cách tương xứng. Không dừng lại đó, phim Hàn Quốc giai đoạn sau còn mở rộng "tầm nhìn" về không gian ra tận nước ngoài ghi hình. Điển hình, đó là những Chuyện tình Harvard, Chuyện tình Bali, Chuyện tình Praha… vốn luộn thu hút thêm lượng khán giả ở các nước sở tại.
Sau phim ảnh, là âm nhạc. K-pop trở nên hấp dẫn bởi những nghệ sĩ được đào tạo một cách toàn năng: vừa nhảy giỏi, vừa hát được và hình thức biểu diễn nhóm rất bắt mắt, tạo nên những sản phẩm hoàn mỹ đã chinh phục được khán giả trẻ".
Những thành công của Hallyu mà TS Đặng Thiếu Ngân "đúc kết" liệu có đem lại những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa?
Người viết nhớ lại một chia sẻ cách đây ít ngày của nhạc sĩ Khắc Hưng trên Thể thao và Văn hóa: Những nghệ sĩ Việt Nam dù có tài giỏi đến đâu vẫn cần có sự đầu tư và định hướng. Anh cũng nhắc tới việc Hàn Quốc từng tặng phim cho nhiều nước mà không thu phí bản quyền, hoặc luôn biết cách lồng ghép nhiều nhãn hàng tiêu dùng mang thương hiệu của mình trong các các sản phẩm văn hóa được xuất khẩu. Ngoài ra, cách đây hàng chục năm chính phủ Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị nghệ thuật được ra nước ngoài đào tạo và trở về để sáng tạo những sản phẩm mang bản sắc truyền thống với phong cách riêng.
Phải chăng, đây là những gợi ý cần được lắng nghe từ nhiều phía?
Vài nét về nhà nghiên cứu Đặng Thiếu Ngân
TS Đặng Thiếu Ngân (sinh năm 1975) tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, chuyên ngành về Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc. Chị có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nghiên cứu chuyên sâu về Hallyu và hiện đang là Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Hàn Quốc. Đồng thời, chị cũng là một nàng dâu trong gia đình Hàn - Việt.
Khán giả Việt Nam biết đến Đặng Thiếu Ngân trong vai trò nhà biên kịch qua các bộ phim truyền hình như Sống chung với mẹ chồng, Cầu vồng tình yêu, Tết cháy Ô sin.