Văn hóa soi đường: Năm thành công của ngoại giao văn hóa Việt Nam tại UNESCO
Nhân dịp khép lại năm 2023, cũng là kết thúc nhiệm kỳ thành công với tư cách là Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), nguyên Đại sứ Lê Thị Hồng Vân đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Paris, đánh giá lại một năm sôi động của Việt Nam tại phái đoàn ở Paris và đề xuất hướng đi cho những năm tới.
* Năm 2023 có thể được coi là năm rất thành công của ngoại giao văn hóa của Việt Nam tại UNESCO. Xin Bà đánh giá về những thành tựu này?
- Có thể nói, năm 2023 là năm rất thành công của đối ngoại đa phương Việt Nam và ngoại giao văn hóa Việt Nam tại tổ chức tầm toàn cầu như UNESCO.
Thứ nhất, đây là năm có số lượng chuyến thăm chính thức giữa Việt Nam và UNESCO nhiều nhất gần đây, góp phần làm sâu sắc quan hệ, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước. Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (6/2023), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (11/2023) tới UNESCO, khẳng định vai trò thành viên năng động, trách nhiệm và Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả với UNESCO. Đổi lại, chuyến thăm chính thức của Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới tới Việt Nam sau 11 năm (3/2023), và của Trợ lý Tổng Giám đốc về Quan hệ đối ngoại sau 4 năm (7/2023) cũng đánh dấu cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo UNESCO thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, vì phát triển bền vững…
Thứ hai, năm nay cũng ghi nhận những dấu mốc lịch sử trong triển khai đối ngoại đa phương Việt Nam tại UNESCO, khẳng định sự tin cậy và ủng hộ của quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu. Với việc được tín nhiệm đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO khóa 42 và Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và bầu vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, trong đó có 3 vị trí Phó Chủ tịch.
Thứ ba, đây là năm có nhiều danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh. Việt Nam tự hào có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, Thành phố sáng tạo toàn cầu Đà Lạt và Hội An, danh nhân thế giới Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần đưa tổng số danh hiệu UNESCO tại Việt Nam lên con số 65. Điều này không chỉ thể hiện đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, thiết thực đóng góp vào nỗ lực chung của UNESCO, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương và đất nước. Việt Nam cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO hồi hương thành công tài sản quốc gia Ấn vàng Hoàng đế Chi bảo, đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ và người dân.
Thứ tư, Việt Nam tiếp tục đóng góp quan trọng vào việc định hình những vấn đề chiến lược, chính sách tầm toàn cầu, tiêu biểu như tổ chức thành công Hội nghị quốc tế đầu tiên của UNESCO về phát huy vai trò các danh hiệu UNESCO vì phát triển bền vững (Ninh Bình, 7/2023). Lãnh đạo UNESCO đề cao ý nghĩa quan trọng và kết quả rất thực chất của hội nghị, đi đúng quan tâm của các thành viên và xu thế UNESCO gắn kết các danh hiệu vì phát triển bền vững, cho đây là điển hình rất tốt mà UNESCO nên nhân rộng, Việt Nam có thể chia sẻ.
Thứ năm, đây cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam được tổ chức tại trụ sở UNESCO, góp phần quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ba sự kiện Đêm Di sản và văn hóa Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Hà Kim Ngọc và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO chủ trì trong năm đã tôn vinh vẻ đẹp, sự phong phú của truyền thống, sự đa dạng, đặc sắc và chiều sâu của văn hóa Việt Nam, chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước năng động trong đổi mới, hội nhập, song cũng giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc.
* Có ý kiến cho rằng, việc phát triển kinh tế khó có thể song hành với bảo vệ các danh hiệu, di sản văn hóa. Bà nghĩ như thế nào về kết luận này? Nhìn từ kinh nghiệm các nước, xin Bà cho biết làm thế nào để Việt Nam có thể phát huy được giá trị gia tăng của danh hiệu, di sản UNESCO để phát triển kinh tế và ngược lại, phát triển kinh tế để gìn giữ di sản?
- Có thể thấy, di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế đánh giá là "danh giá", vừa mang đặc trưng riêng của quốc gia, song giá trị ở tầm toàn cầu, thậm chí là di sản của nhân loại. Nên các di sản, danh hiệu UNESCO có tiềm lực lớn trong thu hút du lịch, thúc đẩy phát triển bền vững, tạo thương hiệu địa phương, nâng cao hình ảnh, sức mạnh mềm quốc gia. Việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, bảo vệ các danh hiệu và phát triển luôn là bài toán đặt ra với tất cả các quốc gia.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rất rõ mối quan hệ lớn "giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường". Chủ trương chung của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không tăng trưởng bằng mọi giá, không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu, di sản UNESCO của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, như Tổng giám đốc UNESCO và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới đã khẳng định: Việt Nam là "điển hình mẫu mực" của mô hình hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế và sinh kế của người dân.
Từ kinh nghiệm của Việt Nam cũng như của các nước, có thể thấy để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển cần tiếp tục nâng cao nhận thức chung về bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản thông qua việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, tận dụng hiệu quả các danh hiệu, với tiêu chí đánh giá cụ thể cho phát triển bền vững; chú trọng vai trò của cộng đồng và người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản; đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế góp phần bảo vệ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội....
* Theo Bà, trong thời gian tới Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy ngoại giao văn hóa tại UNESCO?
- Giai đoạn 2 - 3 năm tới rất then chốt đối với tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong đó, công tác ngoại giao văn hóa có ý nghĩa quan trọng để phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước.
Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ của Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra là "phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước", Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tôi cho rằng tại Tổ chức UNESCO, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực, chủ động, tích cực và sáng tạo thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ sau:
Một là, phát huy vai trò tiên phong trong tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục tranh thủ hiệu quả các sáng kiến mới của UNESCO về Tương lai của Giáo dục, Đạo đức trong trí tuệ nhân đạo, Khoa học mở để nhạy bén nắm bắt các xu thế hợp tác, phát triển mới toàn cầu, hoàn thiện các khung pháp lý và nâng cao năng lực thể chế, con người. Đồng thời, cũng cần chủ động giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm hay, điển hình tốt của Việt Nam, như chính sách coi trọng việc chấn hưng, phát triển văn hóa, sớm hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới với nguồn lực lớn, được Tổng giám đốc UNESCO đánh giá rất cao...
Hai là, tiếp tục đưa quan hệ đối tác Việt Nam - UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Theo đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban chuyên môn, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các cơ quan liên quan tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong thúc đẩy triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với Chiến lược trung hạn của UNESCO và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Các đoàn cấp cao của Việt Nam sang UNESCO và dự kiến các chuyến thăm Việt Nam của Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách Quan hệ đối ngoại và ưu tiên châu Phi, Trợ lý Tổng giám đốc về khoa học tự nhiên và Giám đốc Trung tâm di sản thế giới sẽ tiếp tục đưa quan hệ đối tác giữa hai bên lên tầm cao mới.
Ba là, góp phần vào việc tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, thiết thực tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hồ sơ di sản như Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, Khu khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Hang Con Moong; các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn; di sản tư liệu thế giới đối với hồ sơ của Nghệ sĩ Hoàng Vân và Cửu Đỉnh Huế; hỗ trợ trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội...
Bốn là, đảm nhận tốt vai trò tại 5 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, trong đó có 3 vị trí Phó Chủ tịch, để nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, đáp ứng sự tin cậy, ủng hộ của quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại tổ chức đa phương toàn cầu này.
Năm là, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Với 65 danh hiệu UNESCO trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú thêm, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại, giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người, truyền thống, lịch sử của đất nước – một Việt Nam giàu bản sắc, một mô hình thành công về đổi mới, mở cửa và hội nhập, và cũng là một đất nước phát triển theo hướng xanh và bền vững, có năng lực đổi mới sáng tạo. Đồng thời, trong năm 2024, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu châu Á - Thái Bình Dương (Cao Bằng, 9/2024) và cùng UNESCO vinh danh và kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, góp phần tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam.